Ngành du lịch cần quan tâm đến 86 triệu dân Việt Nam

Ngành du lịch cần quan tâm đến 86 triệu dân Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 tiếp tục gặp khó, đứng trước thách thức đó, du lịch Việt Nam phải làm gì để hút khách? PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thanh Thủy phó trưởng khoa Văn Hóa du lịch, ĐH văn Hóa Hà Nội về một số vấn đề của du lịch Việt Nam.

Theo bà, ngành du lịch Việt Nam phải làm gì để tồn tại và tiếp tục phát triển trong năm 2012?

Để ngành du lịch tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh hiện nay, cần phải có những giải pháp triệt để từ phía Nhà nước như: Xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư địa phương; hình thành những tập đoàn công ty du lịch lớn, nâng cao trình độ nghiệp vụ và nhận thức của người làm du lịch; huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên, tri thức và tài chính trong và ngoài nước...

Xã hội - Ngành du lịch cần quan tâm đến 86 triệu dân Việt Nam

Ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thu hút du khách

Những năm gần đây, khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam khá đông, nhưng thời gian lưu trú không dài đồng nghĩa với chi tiêu ít và cơ hội quay lại của họ cũng rất thấp...

Muốn Việt Nam trở thành điểm đến yêu thích của du khách và kéo dài thời gian du lịch của họ cần có một giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú ý đến các vấn đề: Tạo các tour du lịch tầm cỡ, phải có chất, hấp dẫn về đặc thù văn hóa và điều kiện tự nhiên, phải hơn người ta về chất lượng. Đầu tư đúng mức, hiệu quả để có nhiều dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí để thu hút khách...

Có ý kiến cho rằng, du lịch nước nhà chạy theo số lượng, năm sau cao hơn năm trước, không cần biết số tiền thu được là bao nhiêu. Vậy phải làm gì để du lịch thực sự có hiệu quả trong năm 2012, thưa bà?

Ý kiến này chưa đúng. Hàng năm doanh thu từ du lịch vẫn được công bố trong các báo cáo, trên các phương tiện thông tin truyền thông. Theo tôi, để du lịch thực sự có hiệu quả trong năm 2012, để biến du lịch thành ngành thu về được nhiều tiền thì cần chú ý đến các vấn đề: Phân tích, đánh giá thị trường khách để biết khách hàng là ai. Tập trung vào nhóm khách cốt lõi, có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Du lịch là một ngành kinh doanh cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu vui chơi, thưởng ngoạn của du khách nên mục tiêu đặt ra là phải tạo mọi điều kiện để du khách thỏa mãn, cần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa đa dạng, hấp dẫn; bán hàng theo sở thích, nhu cầu của du khách...

Từ cuối năm 2011, rất đông người Việt Nam chọn dịp Tết để di du lịch nước ngoài. Bà có cho rằng ngành du lịch Việt Nam đang bỏ quên lượng khách giàu tiềm năng này và những nguyên nhân nào khiến người Việt Nam không mặn mà với du lịch trong nước?

Sở dĩ người Việt Nam không mặn mà với du lịch trong nước bởi nguyên do chính là du lịch Việt Nam kém sức cạnh tranh, chi phí trong nước quá cao, tour nội địa đắt hơn tour ngoại, trong khi đó giá tour và chất lượng gói dịch vụ du lịch của nhiều tour nước ngoài khá hấp dẫn và phong phú. Hơn nữa xét về tâm lý họ còn có sự kiêu hãnh về bản thân đối với người khác là đã đi ra bên ngoài quốc gia của mình. Hiện vẫn chưa có một chương trình kích thích khách du lịch nội địa, đặc biệt giá phương tiện vận chuyển khách, giá phòng, vé tham quan ngày một tăng... thiếu sự kiểm soát. Nếu không có sự nhìn nhận đúng đắn, những chính sách và biện pháp kịp thời tình trạng trên sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhật Bản, Thái Lan...sau khi đất nước bị sự cố thiên tai, ngành du lịch đã có những động thái rất tích cực gửi tới du khách, các công ty lữ hành trên toàn thế giới để mời chào. Còn Du lịch Việt Nam đã làm gì khi Hạ Long thành kỳ quan, hay chỉ mỗi việc tăng thêm giá tour, giá vé?

Việc Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là một cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam. Thế nhưng cho đến hiện nay, tôi thấy những hành động của ngành du lịch trước cơ hội này còn rất mờ nhạt, thậm chí còn đi ngược lại với xu thế thế giới. Lẽ ra Hạ Long phải mở chiến dịch quảng bá hình ảnh của mình sau sự kiện này bằng những chương trình khuyến mại hấp dẫn, chương trình du lịch, sản phẩm hấp dẫn, đa dạng... ngược lại, bằng việc tăng giá vé tham quan, giá tour trên Vịnh gây bức xúc cho các đơn vị lữ hành và du khách. Cơ hội trong tầm tay mà không biết tận dụng, thờ ơ, thậm chí còn phá hỏng, đó là điều rất đáng tiếc. Điều đó cũng chứng tỏ thực sự chúng ta chưa đủ tầm nhìn để nhận ra được những lợi ích to lớn của dịp may này.

Xin cám ơn bà!

Minh Phượng