Nghệ An báo cáo Thủ tướng việc xử lý sai phạm trong đề án hỗ trợ người Ơ Đu

Anh Ngọc

UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quá trình triển khai đề án hỗ trợ phát triển Kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu với tổng kinh phí lên đến 120 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khẳng định sẽ xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm trong việc thực hiện đề án này.

Công an đang điều tra mở rộng vụ án

Mới đây, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quá trình thực hiện giai đoạn 1 (2016-2020) của đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó ngân sách của Trung ương là 90% (108 tỷ đồng), còn lại là ngân sách đối ứng địa phương. Tuy nhiên, ra đời trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, giai đoạn 2016 - 2018, do nguồn kinh phí chưa được phân bổ nên thực tế đề án chưa thể triển khai theo phê duyệt.

Quyết định về việc phân khai kinh phí các hạng mục

Phải đến ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định số 1303/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển Kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019 với tổng mức kinh phí là 28,181 tỷ đồng để thực hiện các 2 hạng mục.

Trong đó, hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao bao gồm kinh phí tiêm phòng vắc xin (5,1 tỷ đồng); Hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài (12,6 tỷ đồng); Hỗ trợ khai hoang, tạo đất sản xuất (5,3 tỷ đồng); Hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối (300 triệu đồng); Hỗ trợ giống cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm (1,5 tỷ đồng); Hỗ trợ kinh phí một lần cho cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ thú ý đến làm việc tại bản (72 triệu đồng).

Hạng mục thứ 2 là Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, gồm: Hỗ trợ khôi phục trang phục truyền thống dân tộc Ơ Đu (575 triệu đồng); Hỗ trợ khôi phục các Lễ hội truyền thống và duy trì đội văn nghệ của bản Văng Môn (435 triệu đồng); Hỗ trợ tổ chức lớp dạy tiếng dân tộc Ơ Đu (1,045 tỷ đồng); Hỗ trợ các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin cộng đồng (985,3 triệu đồng).

Trong quá trình triển khai, phát hiện bản Đửa (xã Lượng Minh, thuộc huyện Tương Dương) không có người Ơ Đu sinh sống như thống kê của Ban Dân tộc Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND ngày 30/9/2019, đưa bản Đửa ra khỏi diện hỗ trợ.

Cấp bò giống tại bản Văng Môn

Trong số hơn 28 tỷ đồng vốn Trung ương hỗ trợ, Nghệ An đã giải ngân hơn 27,2 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ 280 con bê giống, xây dựng 67 chuồng chăn nuôi gia súc, hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất… Các hãng mục hỗ trợ trên được triển khai tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

UBND tỉnh Nghệ An cũng báo cáo người đứng đầu Chính phủ về việc điều tra, xử lý một số cá nhân sai phạm: “Trên cơ sở nội dung các báo nêu, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo Công an tỉnh xác minh thông tin và điều tra xử lý nghiêm đúng qui định của pháp luật. Hiện nay CQĐT Công an tỉnh đã bắt một đối tượng (cán bộ Phòng chính sách- Ban Dân tộc Nghệ An). Vụ việc đang được điều tra, mở rộng. UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra làm rõ các sai phạm trong thực hiện đề án, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm”, báo cáo nêu rõ.

Để tìm hiểu thêm về quá trình điều tra vụ án, phóng viên đã liên hệ với Công an tỉnh Nghệ An. Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Đạo, Chánh văn phòng Công an tỉnh khẳng định: “Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục mở rộng điều tra. Do vậy nên chưa thể cung cấp thông tin chi tiết. Sau khi có kết quả thì chúng tôi sẽ thông báo”.

Mua bò giống thiếu cân cho ở trong 67 “biệt thự” hơn 12 tỷ đồng?

Hé lộ những bất cập trong dự án

Theo Quyết định 2618/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu năm 2019 thì hạng mục hỗ trợ khai hoang, tạo đất sản xuất trong đề án có tổng mức đầu tư hơn 5,33 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư tiến hành khai hoang hơn 8,5 ha đất sản xuất tại 3 khu vực tại xã Nga My. Trong đó, khu vực 1 là hơn 3 ha; khu vực 2 là hơn 2,5 ha và khu vực 3 là hơn 3ha. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi ha khai hoang tạo đất sản xuất sẽ có tổng chi phí khoảng 620 triệu đồng/ha.

Một trong những vùng đất khai hoang có chi phí 620 triệu đồng

Trong khi đó, nếu đem so sánh với mức hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì việc khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khai hoang; 5 triệu đồng/ha phục hóa; 10 triệu đồng/ha ruộng bậc thang. Như vậy, so sánh từ các chính sách nêu trên của Chính phủ và tỉnh Nghệ An, mới thấy mức hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An cao gấp hàng chục lần.

Ngoài ra, theo đề án hỗ trợ giống cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm lên đến 1,5 tỷ đồng. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ được cấp 77kg cỏ và gần 2 kg ngô để trồng. Số lượng này đủ để cho đàn bò (4 con) ăn và phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên, về việc này anh Lo Thanh Trung, trú bản Văng Môn cho biết: “Gia đình chúng tôi chỉ mới nhận được 40kg cỏ thôi. Nhưng giống cỏ không tốt, vì sau khi mang đi trồng thì cỏ phát triển chậm, diện tích cũng nhỏ, chẳng đủ cho bò ăn. Ngày nào chúng tôi cũng phân công nhau đi tìm cỏ nhưng chẳng ăn thua”.

Được biết, giống cỏ trong hồ sơ của gói thầu này đã được sở Tài chính phê duyệt là loài cỏ Voi, giống Thái Lan và được cấp bằng hạt. Tuy nhiên, thực tế tại bản Văng Môn, người dân chỉ nhận được từ nhà thầu là cỏ bằng cành với số lượng ít ỏi. Việc cấp cỏ thiếu đã dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn cho đàn bò của hầu hết gia đình ở bản Văng Môn. Nhiều diện tích đất khai hoang bỏ không vì không có giống cỏ để trồng.

Ngoài ra, theo người dân cung cấp, trong hạng mục Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được phê duyệt kinh phí 435 triệu đồng. Tại bản Văng Môn có thành lập Câu lạc bộ văn nghệ gồm 20 thành viên, nhưng kinh phí hỗ trợ cho luyện tập để duy trì đội văn nghệ mỗi thành viên được nhận chỉ 300.000 đồng. Sau khi có phản ánh, phải đến ngày 16/6 vừa qua, cán bộ Ban Dân tộc đã trực tiếp chi trả bổ sung thêm cho mỗi thành viên câu lạc bộ thêm 4,5 triệu đồng. Như vậy, nếu như thông tin không bị “rò rỉ” thì số tiền này đã rơi vào túi của cán bộ Ban Dân tộc.

Giống cỏ thấp khiến gia đình anh Trung ngày nào cũng phải tìm thức ăn thêm cho bò

Trao đổi thêm về vụ việc, ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My xác nhận: “Trong các cuộc họp, người dân có phản ánh những bất cập trong đề án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại bản Văng Môn như giống bò cấp không đủ, giếng khoan không có nước, cỏ không đúng với giống được phê duyệt… Nhưng xã chỉ đơn vị hưởng thụ, chúng tôi cũng chỉ đề xuất với cấp trên để họ xử lý”.

Trước đó, ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Kim Văn Bốn, cán bộ Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Chiều 23/7, tại Ban Dân tộc Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Nguyễn Tâm Long, phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc. Quá trình khám xét tại phòng làm việc của ông Long, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến Đề án phát triển - kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

A.N