Cuộc sống địa ngục của thuyền viên Việt trên tàu cá Trung Quốc

Cuộc sống địa ngục của thuyền viên Việt trên tàu cá Trung Quốc

Thứ 7, 24/08/2013 | 07:08
0
Phải làm việc một ngày 18 tiếng và chế độ ăn uống quá khủng khiếp trên tàu Cheng Cheng Shipping (Đài Loan, Trung Quốc), anh Trung và ba thuyền viên khác đã rủ nhau nhảy xuống kênh Panama để trốn thoát.

Cuộc "vượt ngục" lúc nửa đêm

Vào lúc 3h sáng ngày 20/8/2013, bốn thuyền viên đã về nhà an toàn. Được biết, tất cả bốn thuyền viên đều quê ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) gồm Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng (30 tuổi).

Ngay sáng sớm 20/8, chúng tôi đã có mặt tại xã Quỳnh Long để tìm hiểu sự việc. Qua tiếp xúc với anh Đào Ngọc Trung (xóm Đại Hải, xã Quỳnh Long), được biết, do cuộc sống trên tàu của các thuyền viên rất vất vả, chế độ ăn uống kham khổ, phải đi biển quá lâu, trong đó có người lênh đênh trên biển suốt 14 tháng trời, nên các thuyền viên chỉ mong được trở về Việt Nam.

Ngày 14/8/2013, khi tàu Cheng Cheng Shipping cập cảng Panama, để đưa một thuyền viên người Indonesia lên bờ chữa bệnh thì bốn thuyền viên Việt Nam lên kế hoạch nhảy tàu. Khoảng 12h đêm, lợi dụng sơ hở của thuyền trưởng, bốn thuyền viên cầm can và phao nhảy xuống biển, bơi đến cột tiêu phân luồng chờ cho tới sáng 15/8/2013 để kêu cứu. Thấy ca nô của hải quân Panama đi tuần, các thuyền viên chủ động gọi và được cứu.

Xã hội - Cuộc sống địa ngục của thuyền viên Việt trên tàu cá Trung Quốc

Ba thuyền viên kể về quá trình trốn thoát của mình với phóng viên.

Mong được đảm bảo quyền lợi

Anh Trung bày tỏ mong muốn có thể liên hệ với đại diện của công ty đã đưa bốn thuyền viên sang làm việc để có thể trao đổi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, theo bốn thuyền viên, từ khi về đến sân bay Nội Bài, họ chưa thể gặp được đại diện của công ty. Hiện tại, bốn thuyền viên đang còn hai tháng lương và năm triệu tiền đặt cọc, chưa được công ty thanh toán.

Sau khi được lực lượng Hải quan cứu, các thuyền viên được đưa đi khám và cho ăn uống đầy đủ. Đáp ứng nguyện vọng các thuyền viên Việt Nam, Hải quan Parama đã liên lạc với bà Hoàng Kim Oanh -  Đại sứ quán Việt Nam để làm thủ tục đưa họ về nước.

Chủ sử dụng lao động là công ty Cheng Cheng Shipping Services SA, có trụ sở tại Panama, đã mua vé máy bay cho bốn người về nước. Các thuyền viên được cục Xuất nhập cảnh Panama bố trí ăn ở chu đáo. Đại diện Đại sứ quán đã cùng đại diện công ty Cheng Cheng Shipping Services SA đưa bốn thuyền viên ra sân bay rời Panama lúc 19h10 ngày 17/8 (giờ Panama, tức khoảng 7h sáng 18/8 giờ Việt Nam). Cả bốn thuyền viên đã về đến sân bay Nội Bài ngày 19/8.

Kinh hoàng bữa ăn trên tàu

Anh Trung sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố mẹ mất sớm. Do cuộc sống quá vất vả nên anh Trung đã bàn với vợ con đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Năm 2012, qua một người môi giới tên Chắt - người cùng xã, anh Trung đã làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động mong để thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học.

Số vốn ban đầu anh Trung phải nộp cho công ty là 11,5 triệu đồng, anh Trung được đưa lên tàu Cheng Cheng Shipping (Đài Loan) với thời hạn hai năm, mức lương 500 USD/tháng. Trong đó, 50 USD chủ tàu giữ lại tiền ăn và chi phí trên tàu, còn 450 USD gửi về cho gia đình.

 Anh Trung cho biết, tàu cá Cheng Cheng Shipping gồm có 16 người Philippines, năm người Indonesia, bốn người Trung Quốc và bốn người Việt Nam rời cảng Đắcka vào tháng 6/2012.

Tìm cơ hội giải thoát trong tuyệt vọng

Khi nhảy xuống biển, bốn thuyền viên chỉ kịp mang theo hai áo phao, cứ thế bốn người bám chặt vào chiếc áo bơi lênh đênh trên biển năm tiếng liền. Cho tới khi được cảnh sát biển cứu giúp, họ mới biết mình còn sống. Anh Trung nhớ lại: "Bốn ngày trước khi tàu đang cập cảng, chúng tôi bàn với nhau nhảy tàu xuống biển để trốn thoát. Ở lại làm việc tiếp cũng chết mòn, mà nhảy xuống biển cũng chết. Nhưng chúng tôi quyết liều mình nhảy xuống, tìm cơ hội giải thoát cho bản thân".

Công việc chính của thuyền viên Trung là đầu bếp. Theo anh, các thuyền viên trên tàu chỉ được ngủ năm tiếng đồng hồ, thời gian còn lại phải làm việc liên tục, trừ những lúc ăn cơm. Công việc của các thuyền viên rất vất vả, đánh câu và lấy câu mỗi ngày khoảng 18 tiếng đồng hồ.

"Mặc dù không bị đánh đập nhưng chế độ làm việc rất vất vả và chế độ ăn uống không thể chấp nhận được. Tôi đã từng đi biển ba lần nhưng chưa thấy ở đâu chế độ ăn lại kham khổ như thế này. Thức ăn chủ yếu là cá đã được ướp đá rất lâu mà người ta dùng làm mồi câu cá ngừ. Gạo thì mốc. Nghe mùi cá ươn thối, chúng tôi đã muốn nôn ra rồi. Nhiều khi họ đưa cho hộp cá nghe mùi hôi thối, tôi đành đổ không dám nấu cho mọi người ăn. Rau xanh thì không có, chỉ có nấm xào miến làm rau để ăn thôi. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy rùng mình", anh Trung chia sẻ.

Thuyền viên Hồ Thanh Tùng (30 tuổi, ở xóm Đại Tân, xã Quỳnh Long) cho biết: "Làm việc thời gian quá dài, có những hôm, tôi không ăn được, đành phải nhịn đói để làm việc. Dùng đũa gắp con cá lên ăn mà nước mắt cứ chảy ra. Mong cho thời gian qua nhanh để được trở về với vợ con". Để cải thiện bữa ăn cho tất cả các thuyền viên ở trên tàu, bản thân anh Trung cùng các thuyền viên người Việt Nam đã phải tự chế câu, mồi để câu cá tươi cho anh em trên tàu cùng ăn.

Bị đối xử như vậy nhưng không ai dám phản ứng, vì sợ họ sẽ ném xuống biển. Từ khi lên tàu, các thuyền viên chỉ được phép gọi điện về nhà một lần để hỏi thăm sức khỏe gia đình.

Không thể chịu nổi cuộc sống cùng cực trên con tàu địa ngục đó, anh Trung cùng với ba thuyền viên đồng hương đã bàn với nhau kế hoạch "vượt ngục" đầy táo bạo, khi con tàu chuẩn bị cập cảng Parama, vào ngày 14/8. Khi đó, 12h đêm, lợi dụng việc thuyền trưởng, máy trưởng đi ngủ, bốn thuyền viên đã nhảy xuống biển để trốn.

Mặc dù biết cơ hội sống sót rất mong manh và nếu cuộc "vượt ngục" không thành công họ sẽ bị hành hạ nhưng bốn thuyền viên vẫn đánh liều với số phận. Khi phải gieo mình xuống biển cả, Trung cũng như những người khác đều nghĩ ngày trở về quê hương có lẽ đã không còn. Trung chia sẻ: "Khi thấy tàu của Hải quan, chúng tôi vui mừng hết sức, cố gắng hét thật to để mọi người nghe thấy. Khi được các cán bộ Hải quan đưa lên tàu, chúng tôi mới biết là mình được cứu sống".

Nghe chồng kể về những tháng ngày làm việc, ăn uống cực nhọc, chị Tô Thị Hằng (vợ anh Trung) xót xa: "Đã mấy ngày nay, gia đình chúng tôi mất ăn mất ngủ khi nghe tin anh nhảy tàu trốn thoát. Suốt 14 tháng trời, anh Trung chỉ gọi điện về thăm hỏi gia đình có một lần, nhưng anh không hề kể về cuộc sống ở trên biển như thế nào. Nếu biết anh ấy phải chịu khổ như thế thì tôi đã không cho đi rồi. Nhìn chồng xơ xác, râu ria bờm xờm, tôi thấy xót lắm!".

Bà Nga - hàng xóm của anh Trung cho biết: "Bố mẹ mất khi anh em Trung còn nhỏ. Mấy anh em nương tựa vào nhau sống. Khi vợ Trung mang bầu, vì cuộc sống quá khó khăn nên mới bàn nhau cho chồng đi xuất khẩu lao động. Không ngờ, sang bên đó, cuộc sống lại cơ cực như vậy. Thật tội nghiệp!".

Thuyền viên Trần Văn Dương (21 tuổi) tâm sự: "Tôi là  con trai thứ hai trong gia đình. Vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi chỉ học hết lớp 8 thì phải đi ra biển đánh cá cùng bố. Cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên tháng 10/2012, qua giới thiệu, tôi quyết đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng, mong đổi đời. Vay mượn mãi mới có được số tiền 11,5 triệu đồng để đặt cọc. Biết là đi tàu sẽ vất vả, nhưng không ngờ họ lại đối xử tệ bạc như vậy! Hiện, gia đình tôi đã được công ty thanh toán 12 tháng lương. Sau lần thoát chết trở về này, dù đói, dù no cũng ở nhà với vợ con, chứ không mạo hiểm như vậy nữa!...".               

Hà Hằng

Thuyền viên 'nghi bị đối xử tồi tệ' nói gì khi trở về?

Thứ 5, 15/08/2013 | 09:17
“Tiền công được nhận sau gần 8 tháng làm việc chỉ đủ trả khoản tiền vay trang trải chi phí đi lao động xuất khẩu”. Anh Lê Đình Anh, một trong 4 thuyền viên bỏ trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) vừa trở về kể.

Bắt thuyền viên buôn lậu súng

Thứ 3, 25/06/2013 | 15:21
Trong khi chờ thuyền nhập hàng, Cường đã lén lút mua 80 khẩu súng hơi đem cất giấu trong buồng lái để vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời.

Thuyền viên đâm chết đồng nghiệp lĩnh án 12 năm tù

Thứ 4, 05/06/2013 | 15:00
Sáng ngày 3/6/2013, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Huấn (SN 1960, Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa) 12 năm tù về hành vi giết đồng nghiệp trên đường đi đánh cá.

Đưa 5 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Khi đánh cá cách vùng biển tỉnh Hà Tĩnh gần 2 hải lý, một chiếc thuyền bị chết máy, trôi dạt tự do trên biển nhiều giờ đồng hồ. Lúc ấy, trên thuyền có 5 thuyền viên.

Hơn 100 người cứu 5 thuyền viên gặp nạn trên biển

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Trên đường lai dắt con tàu đến Thượng Hải Trung Quốc để tu sửa thì gặp phải trời mưa, sóng to gió lớn nên con tàu Onnekas One bị mắc cạn tại vùng biển Thừa Thiên Huế suốt nhiều giờ liền.

Thuyền trưởng 'dỏm' chở hơn 1.000 tấn khoáng sản lậu

Thứ 6, 14/06/2013 | 10:47
Toàn bộ thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng trên tàu đều không có bằng cấp chuyên môn. Trong khi đó, lô hàng bao gồm hơn 1.000 tấn khoáng sản trên thuyền lại cũng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hành trình của tàu không có giấy phép rời cảng.