NSƯT Thúy Mùi: Người chèo lái của nhà hát luôn sáng đèn

NSƯT Thúy Mùi: Người chèo lái của nhà hát luôn sáng đèn

Thứ 5, 20/06/2013 | 15:25
0
Để nhà hát Chèo luôn sáng đèn, người phụ nữ này đã phải cố gắng rất nhiều để chèo lái con thuyền nghệ thuật, mang bộ môn nghệ thuật chân chính đi vào lòng khán giả.

Phải đến lần hẹn thứ 3, tôi mới gặp được Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thúy Mùi, với cương vị là giám đốc nhà hát Chèo Hà nội, lại thường xuyên phải lên sở Văn hóa Hà Nội họp nên chị rất bận. Lúc tôi đến nhà hát là lúc chị đang hướng dẫn anh em trong đoàn chèo đang tập vở "Tiếng trống Mê Linh", vở này sẽ được công diễn vào dịp kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà Trưng vào năm nay...

Nhân vật - NSƯT Thúy Mùi: Người chèo lái của nhà hát luôn sáng đèn

NSƯT Thúy Mùi

Mê chèo hơn mê... yêu

Từ lúc rời trường đại học Sân khấu Điện ảnh, NSƯT Thúy Mùi đã về đầu quân tại nhà hát Chèo Hà Nội, đến nay đã được hơn 30 năm, trong khoảng thời gian ấy, chị đã sống với chèo với niềm đam mê thật sự. Dường như với chị, chèo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, bởi chị học tập, nuôi dưỡng tính cách từ trong những vở diễn của nghệ thuật chèo, nhìn chị say mê tập vở cho anh em trong đoàn, chúng tôi hiểu rằng, chị sinh ra để diễn chèo, dành cho chèo.

Nghệ sĩ ưu tú Thúy Mùi sinh ra và lớn lên tại Yên Khánh, Ninh Bình - cái nôi của chiếu chèo miền Bắc. Từ bé, chị đã sống trong không gian của chèo khi cả bố mẹ và bà nội đều biết hát chèo. Cha chị làm Trưởng ban Văn hóa xã nên chị có cơ hội để tiếp cận với những vở diễn, tích chèo cổ. Ở nơi chị sống, có tới 5 đội chèo, các đội chèo thường diễn với nhau vào những dịp tết đến, xuân về, dịp trung thu và ngày hội làng... Từ những buổi đi xem diễn ấy, cô bé Thúy Mùi đã biết cách "yêu" chèo, hay xin bố mẹ ra xem những buổi tập luyện của những anh chị lớn, những lúc rảnh rỗi Mùi tự ngồi hát chèo một mình.

Năm 15 tuổi, khi đang học phổ thông, nghe tin có đoàn chèo Hà Nội về tuyển diễn viên, chị cũng đi thi để thử sức, đến nơi đã có hàng trăm người đang đợi để hát. Đến lượt mình, Thúy Mùi rất run, định quay bước về nhà thì cậu em trai đứng bên cạnh đã "đẩy" chị vào giữa vòng thi. Được em trai động viên, chị mạnh dạn thử giọng hát trước ban giám khảo. Với giọng hát khỏe, to, vang, chị đã được ban giám khảo chọn lên Hà Nội để học vào năm 1978. Sau 4 năm học, chị gắn bó với nhà hát Chèo Hà Nội đến nay. Những ai yêu chèo đều biết tới giọng chèo đặc biệt của Thúy Mùi. Chị cũng ghi dấu trên sân khấu chèo với khả năng đảm nhiệm cả vai chính diện và phản diện như: Thị Kính, Nguyên phi Ỷ Lan, vai phản diện trong "Đồng tiền Vạn lịch"... Đặc biệt, cái duyên đóng hài của chị luôn khiến mọi người cười nghiêng ngả bởi lối diễn tưng tửng, "diễn mà như không diễn".

Thúy Mùi dí dỏm cho biết, hồi trước, chị mê chèo hơn yêu. Vì thế, trong quãng thời gian đó, chị Thúy Mùi đã toàn tâm học hỏi các anh chị trong nhà hát Chèo Hà Nội, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Nhân vật - NSƯT Thúy Mùi: Người chèo lái của nhà hát luôn sáng đèn (Hình 2).

NSƯT Thúy Mùi đang hướng dẫn vở mới cho các nghệ sĩ

Hết lòng vì thế hệ trẻ

NSƯT Thúy Mùi cho biết, nhà hát Chèo Hà Nội hiện nay có hai rạp là Đại Nam trên phố Huế và rạp trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên đỏ đèn, các nghệ sĩ của nhà hát Chèo Hà Nội rất chịu khó đi tỉnh. Có lẽ chưa nơi nào trên cả nước không có bước chân của các nghệ sĩ nhà hát. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã đến biểu diễn phục vụ hầu hết các trại giam từ miền núi Tây Bắc tới mũi Cà Mau. Ngoài ra, các diễn viên của nhà hát Chèo cũng đi lưu diễn nước ngoài theo đơn đặt hàng của sở Văn hóa Hà Nội. Hiện nay, nhà hát Chèo Hà Nội rất vinh dự khi sở hữu rất nhiều ngôi sao như: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Xuân Hanh, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền... trước đây còn có những nghệ sĩ như: Quốc Chiêm, Lâm Bằng, Lan Anh, Mai Hương, Quý Bôn, Kim Khánh... Theo chị, nếu không ở trong môi trường có nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo như vậy, có lẽ chị đã không có được thành quả như ngày hôm nay, bởi người nghệ sĩ thành công là do sự tích lũy kinh nghiệm nhưng cũng rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn của những nghệ sĩ đi trước.

Sau sáp nhập với nhà hát Chèo Hà Tây thì nhà hát Chèo Hà Nội có 3 đoàn, ngoài những nghệ sĩ đã có tâm huyết với nhà hát thì cũng có được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của những đồng nghiệp như nghệ sĩ Quốc Anh - Phó giám đốc nhà hát, các trưởng đoàn của nhà hát chèo như: Ngọc Anh, Thúy Huyền... Hiện nay, một năm đoàn chèo Hà Nội diễn tới hơn 400 buổi với các đêm diễn trên sân khấu, đi hội làng ở các tỉnh... Ba năm trở lại đây, nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình dành cho các em thiếu nhi. Để thu hút các em thiếu nhi tới rạp, chị đã mời những ngôi sao như NSƯT Minh Vượng, NSƯT Tấn Minh, nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền... sang biểu diễn để làm chương trình hấp dẫn hơn.

Hiện nay, số lượng chương trình biểu diễn cho các em thiếu nhi chiếm tới 40% số buổi biểu diễn của nhà hát. Với mong muốn là mang một môn nghệ thuật truyền thống cho các em thiếu nhi, NSƯT Thúy Mùi đã liên hệ với nhiều trường tiểu học ở Hà Nội để đưa nghệ thuật chèo đến với các em nhỏ ở Thủ đô. Tuy nhiên, số lượng vé thu được từ những buổi diễn này không đáng kể. Mục đích của nhà hát là khuyến khích các em thiếu nhi xem chèo, đam mê chèo, chứ không phải là lợi nhuận. Mới đây, chị đã làm một đề án "Phát triển nghệ thuật chèo", trong đó nhấn mạnh việc xây dựng thế hệ khán giả trẻ cho chèo, đề án này được sở Văn hóa rất quan tâm và giúp đỡ.

NSƯT Thúy Mùi cho biết, với các em nhỏ, không thể ép chúng xem được chèo, tâm lý trẻ em là thích cái gì thì mới xem nên chị muốn đưa bộ môn nghệ thuật này vào để các em tiếp cận dần và tạo sự đam mê chèo từ nhỏ. Điều đáng vui mừng là những chương trình diễn cho các em thiếu nhi ở Nhà hát lúc nào cũng kín chỗ, được các em hưởng ứng nhiệt liệt. NSƯT cho biết, nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang xem xong vở diễn "Cây đàn thần" đã nói: "Tôi không tin được đây là một buổi biểu chèo mà tôi nghĩ là mình đang lạc trong không gian của một trận bóng đá, vì các em nhỏ cổ vũ rất nhiệt tình, đây là thành công của nhà hát khi diễn cho các em nhỏ".

NSƯT Thúy Mùi cho biết, chèo là bộ  môn nghệ thuật cớ sự tương tác giữa các khán giả, có thể trò chuyện với các em trong các vở diễn. Ngày xưa những câu như: "Này chị em ơi...", sau đó có tiếng đế: "Ơi!"... chính là câu đế dành cho khán giả, khán giả có thể tung hứng với các nghệ sĩ, biểu diễn sẽ hay hơn. Thấy những cái ác, các em phản ứng, thấy cái thiện các em vỗ tay... Vì thế, đề án đưa chèo vào trường học, để môn nghệ thuật này đến gần với các bạn trẻ là một đề án mà Thúy Mùi tâm huyết. 

Với nụ cười tươi sáng, thân thiện, Thúy Mùi cho biết, sáng nay chị cũng vừa tham gia một talkshow của Đài truyền hình Việt Nam đến 12h mới xong, sau đó chị lại về nhà hát để kịp giờ tập luyện cùng anh em trong đoàn chèo. Nhà hát chèo Hà Nội là đơn vị nghệ thuật duy nhất luôn đỏ đèn trong thời buổi hiện nay, đời sống của anh em trong đoàn được đảm bảo, đó cũng là nhờ khán giả không quay lưng với bộ môn nghệ thuật chèo. Nhìn dáng người nhỏ nhắn nhưng toát ra sự cương nghị, mạnh mẽ, tôi hiểu rằng, để nhà hát Chèo luôn sáng đèn, người phụ nữ này đã phải cố gắng rất nhiều để chèo lái con thuyền nghệ thuật, mang bộ môn nghệ thuật chân chính đi vào lòng khán giả.   

Lạc Thành

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

NSƯT Đức Lưu: 'Tôi ăn lộc Thị Nở đến hết đời'

Thứ 2, 17/06/2013 | 17:28
Đã hơn 30 năm sau khi bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" được công chiếu trên màn ảnh nhưng ánh hào quang từ vai diễn Thị Nở vẫn tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt của NSƯT Đức Lưu. Vai diễn Thị Nở là một bệ phóng đưa bà lên đỉnh cao của sự nghiệp.

NSƯT Tiến Đạt: Giỏi nghề may, hay nghề diễn

Thứ 2, 13/05/2013 | 10:06
Tiến Đạt là một nghệ sĩ đa năng, không chỉ thành công trên con đường nghệ thuật, mà ông còn là một người đàn ông giỏi với nghề may.

NSƯT Trần Hạnh: 'Xin đừng thương hại chúng tôi'

Thứ 3, 23/04/2013 | 09:19
“Chúng tôi là những con người bình thường, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đừng đem thế hệ chúng tôi so sánh với những người được gọi là “ngôi sao” bây giờ”- NSƯT Trần Hạnh chia sẻ.