Nghiền xác ướp chế thuốc

Nghiền xác ướp chế thuốc "trường sinh bất lão"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Gần đây, thông tin về một người lái taxi tại Anh tình nguyện để các nhà nghiên cứu ứng dụng phương pháp ướp xác của các Pharaoh lên thi thể của mình sau khi chết đã thu hút sự quan tâm của thế giới. Cũng từ đây, nhiều người bắt đầu lật giở và tìm hiểu lại những trang tư liệu về cách ướp xác của người Ai Cập cổ đại, cũng như cách bảo quản, tín ngưỡng vào kiếp luân hồi của những xác chết “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã tồn tại hàng nghìn năm nay.

Thứ bột “trường sinh bất lão” đặc biệt

Từ xa xưa, nhiều thành tựu y học ghi trên giấy papyrus (một loại giấy cổ của Ai Cập) đã chứng minh người Ai Cập cổ hiểu biết khá rõ về cơ thể người. Họ rất coi trọng việc thờ người chết vì cho rằng, người tuy chết nhưng linh hồn là bất tử. Trong mỗi con người đều có một hình bóng giống như mình khi soi gương gọi là linh hồn (ka), khi ra đời linh hồn chui vào thân xác, khi chết linh hồn rời khỏi xác nhưng vẫn tồn tại. Linh hồn chỉ bị chết hẳn khi thể xác hủy nát. Nếu thân xác nguyên vẹn thì đến một lúc nào đó linh hồn lại nhập vào xác và con người sẽ sống lại. Tín ngưỡng này thể hiện trong chuyện thần thoại về Thần Orisis (Thần sông Nin) và Thần Seth (Thần Sa mạc).

Xã hội - Nghiền xác ướp chế thuốc 'trường sinh bất lão'
Một xác ướp còn khá nguyên vẹn từ thời Ai Cập cổ đại

Thuật ướp xác đã ra đời như thế và được cho là xuất hiện từ thời kỳ Cổ vương quốc (khoảng 3000 – 2200 TCN) và duy trì đến Thế kỷ thứ V. Theo tư liệu được ghi tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Ai Cập thì đây cũng chính là nơi khởi nguồn của tục lệ ướp xác trên thế giới. Vào thời kỳ từ năm 6000 trước công nguyên đến năm 600 sau công nguyên đã có khoảng 400 triệu xác ướp ở Ai Cập.

Người Ai Cập ướp xác người chết vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, ướp xác chính là để gìn giữ thể xác, để linh hồn có thể sẽ quay lại sau khi hoàn thành “vòng tuần hoàn của quy luật tự nhiên”. Vòng tuần hoàn này là một cuộc hành trình kéo dài 3000 năm mà linh hồn phải thực hiện trước khi quay về thể xác. Khi đó người chết sẽ sống lại và trở thành bất tử.

Nguyên nhân thứ hai của tục lệ ướp xác ở Ai Cập đó là vấn đề vệ sinh. Theo tác giả Cassius thì ướp xác là biện pháp để giải quyết vấn đề người Ai Cập cứ chôn xác người chết ở thung lũng sông Nile vốn vẫn bị ngập theo chu kỳ hàng năm. Người Ai Cập khi đó đã ý thức được rằng điều này có thể gây ra sự mất vệ sinh có thể khiến nhiều người chết hơn.

Ngay từ xa xưa, người Ai Cập cổ đại đã đạt được kỹ thuật ướp xác dường như một sự mặc nhiên. Bằng cách chôn người chết trong hầm lò đào ở sa mạc, thân thể người chết sẽ bị mất nước và được bảo quản bằng hơi nóng, không khí khô ráo của cát sa mạc. Về sau, họ đã sử dụng quan tài khi họ nhận thấy cơ thể người chết không được bảo quản tốt nếu như không được tiếp xúc với cát khô, nóng.

Thuở sơ khai, ướp xác là một nghi táng bất khả xâm phạm của Vua và Hoàng hậu. Từ khoảng 1500 năm TCN, giới quý tộc mới được phép dùng nghi táng này. Sau đó tục này lan đến những người giàu có và đến cả tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, trong tục này cũng có phân biệt đẳng cấp: Vua chúa dùng kỹ thuật ướp phức tạp nhất, sau đến giới quý tộc và nhà giàu, tất nhiên phải trả một khoản tiền lớn, còn tầng lớp bình dân thì không phải trả tiền nhưng kỹ thuật ướp đơn giản nhất bằng dung dịch kiềm tính, và trát một lớp vôi bên ngoài. Căn cứ vào sự khá giả của người chết, người Ai Cập tiến hành 3 phương pháp ướp xác khác nhau. Phương pháp tốn kém nhất sẽ phải trải quả 5 bước và tốn một khoản tiền có giá trị tương đương 2.000 USD (Khoảng 40 triệu đồng) ngày nay và phương pháp rẻ tiền nhất thì khoảng 150 USD (Khoảng 3 triệu đồng).

Vào thế kỷ thứ 19, những xác ướp được tìm thấy tại Ai Cập được coi như của quý khi chúng được vận chuyển ồ ạt sang các quốc gia Châu Âu. Tại đây, những xác ướp đã khô quắt bởi nắng gió của sa mạc với thâm niên hàng trăm năm đã được nghiền thành bột và nhào nặn thành một loại thuốc “trường sinh bất lão” rất thịnh hành tại khu vực Châu Âu khi đó. Cũng có những quý tộc sau khi sở hữu cho mình một xác ướp đã lập tức mở tiệc chiêu đãi và mời bạn bè quan khách đến tham dự vui vẻ. Trong thiệp mời tiệc, đa phần những quý tộc Châu Âu đều ghi rằng: “Bữa tiệc dành cho những người muốn trường sinh”.

Cách thức “quấy” não rùng rợn nhất thế giới

Trước đây, đã có nhiều nhà khoa học trên thế giới luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao người Ai Cập lại có khả năng ướp những xác người mà các quốc gia khác không thể làm được?” Tuy nhiên, một lý do khá đơn giản giải thích cho kỳ tích trên đó chính là phương pháp và ý thức của người tiến hành ướp xác cho người chết.

Xã hội - Nghiền xác ướp chế thuốc 'trường sinh bất lão' (Hình 2).
Những bước đầu tiên của phương pháp ướp xác

Theo ghi chép của những người giám sát quá trình ướp xác từ hàng ngàn năm trước của Ai Cập có tiết lộ, ngay sau khi chết, thi thể của người xấu số được đưa ngay đến nơi tiến hành để ngăn chặn sự phân hủy của vi khuẩn. Quá trình ướp xác trung bình sẽ mất khoảng 70 ngày cho đến 100 ngày, trong thời gian đó thì người nhà cũng phải gấp rút xây cho xong lăng mộ.

Để tiến hành ướp xác, việc đầu tiên cần phải làm chính là lấy hết nội tạng ra khỏi cơ thể vì đây là thành phần dễ phân hủy nhất. Những người ướp xác được “trút bỏ” lục phủ ngũ tạng thông qua một lỗ rạch nhỏ bên trái bụng, theo sử gia Herodotus, người rạch bụng sẽ bị đuổi ra ngoài sau đó vì họ cho rằng cơ thể con người là linh thiêng và xâm phạm vào là một tội ác. Lúc này, chỉ còn những người tiến hành ướp xác mới được ở lại để tiếp tục công việc.

Công việc loại bỏ lục phủ ngũ tạng diễn ra không quá một giờ đồng hồ, sau đó tất cả những bộ phận này được cho vào một bình kín để bảo quản. Riêng chỉ có trái tim là không được lấy ra vì người Ai Cập coi đó là trung tâm của thể xác. Các cơ quan nội tạng sau đó được đặt vào hầm mộ trong nghi lễ chôn cất người quá cố với niềm tin người chết sẽ có một cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Trong các triều đại sau này, nội tạng của người chết được nhét trả lại vào bụng sau khi quá trình ướp xác đã thành công.

Sau khi lục phủ ngũ tạng được “lôi” ra ngoài, tiếp đến những người ướp xác sẽ tiến hành việc “hút” não. Cách thức hút não có vẻ rùng rợn hơn khi người ta đập vỡ xương ở cuối mũi bằng một cái đục và nhét vào đó một cái ống dẫn đến tận não rồi đổ vào ống đó một loại rượu đặc biệt. Loại rượu này sẽ làm não nhão ra, lúc này người ướp xác sẽ “quấy” não thành dung dịch và chỉ cần nghiêng đầu là não có thể “chảy” ra ngoài bằng đường ống hút . Tuy nhiên, bộ phận này sau đó đã bị bỏ đi mà không được chôn theo người quá cố. Sọ sau đó sẽ được khép lại bằng nhựa thông.

Tiếp theo, thi thể sẽ được tắm bằng rượu cọ. Do nồng độ cồn trong loại rượu này rất cao nên đã loại bỏ được phần lớn vi khuẩn. Bước tiếp theo là hơi ẩm được loại trừ khỏi xác chết bằng cách nhét những túi lanh đựng muối natri vào trong ổ bụng thông qua đường rạch. Phản ứng ăn da của dung dịch muối này sẽ làm cho móng tay và móng chân bị bong ra. Chúng sẽ được thay thế để giữ niềm tin rằng cơ thể phải nguyên vẹn trong vòng 3.000 năm nữa. Bước này kéo dài khoảng từ 20 đến 70 ngày.

Xác chết sẽ được rửa sạch sẽ sau khi được ngâm trong dung dịch muối. Tiếp theo đó, người ta sẽ kéo thẳng xác ra và phơi dưới ánh nắng mặt trời cho mất nước đi. Sau khi mọi thứ đã trở nên khô ráo, người ta dùng khoảng hàng trăm thậm chí hàng nghìn m vải lanh có khổ rộng hơn 8 cm để băng một xác chết. Chất keo sẽ giữ các lớp vải lại và giúp băng kín quanh xác người chết. Xác ướp sau đó được để trong quan tài và giao lại cho gia đình người chết.

Chất bảo quản đặc biệt cho xác ướp

Để các xác ướp có thể tồn tại hàng ngàn năm mà vẫn nguyên vẹn, người Ai cập cổ xưa đã phải sử dụng một chất bảo quản được cho là tuyệt mật và không được ghi lại trong bất kỳ tài liệu nào. Trước đây, sau một quá trình dài tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu, các nhà khoa học Ai Cập đã kết luận rằng, chất bảo quản này chính là dầu ướp chiết xuất từ cây bách xù. Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia thuộc ĐH Tuebingen, Đức đã phủ nhận kết quả nghiên cứu này.

Xã hội - Nghiền xác ướp chế thuốc 'trường sinh bất lão' (Hình 3).
Những bước cuối cùng của phương pháp ướp xác

Theo các chuyên gia thuộc ĐH Tuebingen, do lo ngại về các vụ ăn trộm vật báu trong mồ người chết, đặc biệt đối với bậc vua chúa và quan lại giàu có, những người tiến hành ướp xác buộc phải chôn người quá cố sâu hơn. Ở tầng đất sâu hơn, tiến trình phân hủy xác sẽ xảy ra nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là họ phải tìm ra một chất bảo quản tốt không kém gì ướp muối cho cơ thể. Tuy nhiên đó không phải là dầu ướp chiết xuất từ cây bách xù như những báo cáo trước đây, mà đó là chất bảo quản xác là guaiacol, được lấy từ cây tuyết tùng.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Tuebingen đã thử nghiệm các hóa chất được tìm thấy trong chất dẫn xuất này của cây tuyết tùng trên sườn lợn tươi. Kết quả cho thấy nó có tác dụng diệt khuẩn cực cao song không làm tổn thương mô của cơ thể. Ulrich Weser thuộc ĐH Tuebingen cho biết: "Khoa học hiện đại cuối cùng đã tìm ra bí mật tại sao một số xác ướp lại có thể tồn tại trong hàng nghìn năm"".

Ông Weser cho biết mặc dù người cổ xưa đã đề cập tới "nước ép từ cây tuyết tùng"" song các học giả hiện đại lại tin rằng chất bảo quản được lấy từ cây bách xù. Nguyên nhân là do trong tiếng Hy Lạp tên gọi của hai loài cây này giống nhau và giới khảo cổ tìm thấy bàn tay của một số xác ướp nắm chặt quả của cây bách xù.

Hải Hiền (Theo Ifeng)


Tag: cây bách