Người chăn nuôi cả nước đang “lâm nạn”

Người chăn nuôi cả nước đang “lâm nạn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Mấy ngày gần đây, thông tin thịt lợn có chứa chất tạo nạc bắt nguồn từ Đồng Nai đã lan rộng trong cả nước. Ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác, nhiều bà nội trợ mặc dù coi thịt lợn là món chủ trong bữa ăn nhưng cũng đành chấp nhận tẩy chay thịt lợn. Trong khi đó, mặc dù chưa biết thực hư thông tin trên như thế nào nhưng nhiều chủ nuôi heo khóc ròng vì lỗ.

Có lẽ, mọi chuyện chỉ bắt đầu khi ngày 12/3, Đội Quản lý thị trường cơ động (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai) kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Nhân Lộc, tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Ở đây, cơ quan này đã phát hiện gần 2,5 tấn chất tăng trưởng và tạo nạc trong chăn nuôi lợn.

Trước đó, ngày 10/3, Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra phát hiện Cty TNHH và Dịch vụ nông nghiệp Thiên Hưng Phát (tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) có 220kg chất tạo nạc Super weight 02 và bcomles- C, ghi công dụng giúp heo bung đùi, tạo nạc, kích thích thèm ăn...

Sau đó, ông Hoàng Sơn Hải, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai khẳng định, tình trạng người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có sử dụng chất tạo nạc cấm dùng. Khi người dân đang hoang mang vì chưa biết thịt lợn siêu nạc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào thì T.S Nguyễn Thị Minh, người tham gia dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ NN và PTNT cho biết, chất Clenbuterol, Salbutamol có trong chất tạo nạc tồn dư trong thịt lợn sẽ vào cơ thể người tiêu dùng gây ra ung thư, nhược cơ, tổn hại hệ thần kinh. Chính thông tin này đã khiến cho nhiều người đưa thịt lợn vào danh sách “hàng kiêng” vào thời điểm hiện nay.

Xã hội - Người chăn nuôi cả nước đang “lâm nạn”

Chưa phát hiện chất tạo nạc ở miền Bắc

Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo yên tâm cho người tiêu dùng trên cả nước, Cục QLTT đã chỉ đạo các chi cục tiến hành mở đợt kiểm tra các cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh chất cấm tạo nạc và nhiều loại kháng sinh, hóa chất khác có tác dụng tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ phát hiện ở một số địa phương khu vực phía Nam còn phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam... các lực lượng kiểm tra chưa phát hiện được trường hợp có sử dụng chất cấm này.

Theo ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), rất khỏ để phát hiện ra thịt lợn bị nhiễm chất cấm. Bởi vì, hiện trên thị trường đã có khá nhiều giống heo cho tỉ lệ nạc lên tới trên 60%. Vì thế, ra chợ nếu bằng mắt thường sẽ rất khó phát hiện và phân biệt đâu là thịt heo nạc thật, đâu là thịt heo nạc giả (dùng chất tạo nạc, giảm mỡ).

Xã hội - Người chăn nuôi cả nước đang “lâm nạn” (Hình 2).

Ông Hoàng Kim Giao

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, những ngày gần đây giá heo hơi giảm mạnh (giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng nửa tháng). Với giá heo như hiện tại, người nuôi heo đang bị lỗ nặng. Theo ông Công, trên thực tế cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ nhưng đang ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ ngành nuôi lợn. Nhiều người nuôi heo do thiếu vốn quay vòng nên đã bán tháo lợn chịu lỗ. Cũng có nhiều trang trại phá sản vì giá bán thịt lợn không bù được chi phí thức ăn gia súc.

1001 tác hại của chất siêu tạo nạc

Theo bà Trương Thị Kim Châu, chi cục phó chi cục Thú y TP.HCM cho biết: beta-agonists gồm clenbuterol, salbutamol, ractopamine... được dùng như thuốc làm giãn phế quản trong điều trị bệnh suyễn. Khi dùng liều cao chất này cho gia súc, sẽ giảm được lượng mỡ và tăng tượng nạc lên đáng kể. Khi con người ăn phải thực phẩm động vật có chứa chất này, sau một thời gian tích lũy sẽ dẫn đến hội chứng ngộ độc cấp cho người sử dụng với triệu chứng sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn...

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Thanh Liêm, Bộ môn Dinh dưỡng gia súc, độc chất học của Đại học Nông Lâm khẳng định, chất tạo nạc còn gây tác hại lâu dài đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người như gan, não. Nó đặc biệt có tác dụng xấu đối với trẻ em và phụ nữ.

Phát hiện chất cấm trong thực phẩm chức năng

Trong năm 2011, Cục ATVSTP đã lấy 278 mẫu thực phẩm chức năng để kiểm tra và phát hiện ba mẫu chứa chất cấm sử dụng hoặc ngụy tạo tân dược. Các chất này gồm, sibutramin trong thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, sildenafil trong thực phẩm chức năng hỗ trợ nam giới yếu sinh lý và pyroxicam trong thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cơ xương khớp, giảm đau. Theo Cục ATVSTP, hiện sibutramin bị cấm sử dụng do có tác dụng bất lợi lên hệ tim mạch.

Sẽ đóng cửa nhà máy cho chất tạo nạc vào thức ăn gia súc

Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN cho biết, sẽ đóng cửa các nhà máy cho chất cấm vào thức ăn gia súc. Được biết, từ năm 2005, Hiệp hội này đã quán triệt tới các hội viên, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cấm sử dụng chất Salbutamol, Clenbuterol vào thức ăn. Nếu hội viên nào có hành vi gian dối, sử dụng chất tạo nạc cùng thức ăn gia súc sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa nhà máy.

Phương Phương (tổng hợp)