Người

Người "cướp cơm hà bá" ở khúc sông tử thần

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Hàng chục năm nay, ông lão lái đò cứ miệt mài mưu sinh trong khốn khó nhưng sẵn sàng lao vào hiểm nguy cứu vớt những người bị nước cuốn trôi.

Người dân xã Tân Lập, huyện Lục Yên, Yên Bái vẫn thường hay gọi ông Thạch Văn Quang (59 tuổi) là ông lão "cướp cơm hà bá". Cả cuộc đời mưu sinh bên dòng sông Chảy, ông lái đò đã bao lần lao mình xuống dòng sông Chảy cứu vớt những thân phận bị hà bá cuốn trôi.

Xã hội - Người 'cướp cơm hà bá' ở khúc sông tử thần

Ông Thạch Văn Quang bên mâm cơm gia đình

Ông lái đò trên dòng sông Chảy

Trong một chuyến ngược dòng sông Chảy, tôi đã gặp ông lão đánh cá ở khúc sông Hang Hồ, đoạn con sông Chảy qua xã Tân Lập. Trong ngôi lều chơ vơ bên dòng sông Chảy, lời ông lái đò chất chứa những tiếng thở than của sông nước.

Chẳng nhớ tự bao giờ, hai vợ chồng ông lão kéo nhau ra bờ sông Chảy dựng lều. Căn nhà chính của ông ở thôn Xiêng II (xã Tân Lập) nhưng chẳng mấy khi ông về nhà. Gia đình có đến 8 miệng ăn, ruộng đất chỉ vỏn vẹn vài sào ruộng, mùa nước lên chẳng cấy hái được gì. Vợ ông lại mắc bệnh tim, cứ lâu lâu lại ngã khụy, bà lão cũng chẳng rời ông lão được bước nào. Vì gia cảnh nghèo khó, vợ chồng ông lão đành rủ nhau ra bờ sông dựng lều, kéo lưới, kích cá kiếm tiền nuôi con.

Ở cái tuổi lục tuần, ông lão vẫn một mình bơi thuyền ra giữa dòng sông đánh cá. Đôi mắt như tia chớp nhìn thấu sóng nước, đôi tay vẫn nhanh thoăn thoắt bắt gọn những con cá bị kích điện giật chao đảo giữa lòng sông. Ngoài công việc mưu sinh chính là bắt cá trên dòng sông Chảy, ông còn có một nghề khác đó là cướp cơm hà bá ở khúc sông tử thần.

Khúc sông tử thần

Khúc sông Hang Hồ dài 200m, nối liền thôn Xiêng II và làng Thêm (xã Hồng Quang, Lục Yên), không có cây cầu nối liền đôi bờ. Khúc sông lại khá dài, bãi trồng màu của người dân lại bên kia sông. Vì thế, người dân gọi đoạn sông Chảy này là "khúc sông tử thần". Nhìn dòng sông êm đềm chảy, nhưng ẩn dưới dòng sông ấy có rất nhiều xoáy nước mạnh, nhất là mùa nước lũ, đã có biết bao người làm mồi cho hà bá. Người dân vẫn còn kinh hãi khi nhắc đến chuyện bà Rên (làng Xiêng I) chết đuối dưới dòng nước lũ. Chuyện bà cụ giận con cái vì đợi lâu không thấy sang đón đã lội sông một mình mà bị xoáy nước nuốt chửng. Rồi chuyện một thanh niên ở làng Xiêng I đi chơi gái bên làng Thêm cũng bị dòng sông hung dữ cuốn trôi, hay chuyện ông Nguyện nhảy xuống sông bắt cá chẳng thấy nổi lên.

Đã mấy chục năm nay, ông Quang vẫn một mình, một thuyền đánh cá ở khúc sông tử thần này. Ông đã thuộc từng ngợm nước trên sông, biết từng vị trí của những xoáy nước ngầm. Ông còn dám lặn xuống dòng sông để săn những con cá lớn. Đối với ông, việc sống chung với con sông hung dữ này đã quá bình thường. Mỗi khi thấy có khách gọi, ông lại nguyện làm ông lái đò không công đưa khách sang sông…

"Cướp cơm hà bá"

Ông lão đánh cá còn nhớ rất rõ cảnh giải cứu hai nạn nhân đang chới với giữa dòng nước dữ. Lúc đó, ông ngủ ở trên túp lều, nghe tiếng kêu cứu của hai đứa trẻ con ở giữa dòng sông, ông vội xuống nhổ neo thuyền. Nhanh như cắt, ông lão đã bơi thuyền ra giữa dòng sông. Vốn đã có thâm niên lâu năm trong nghề cứu người chết đuối, ông lão chỉ dùng sức đôi chân để giữ thăng bằng cho xuồng khỏi lật úp, dùng sức cánh tay túm lấy đầu hai đứa trẻ đưa lên xuồng.

Trong một lần nước lũ, bốn mẹ con trong làng đi thu đỗ tương bên bãi. Con đường này phải qua dòng sông hung dữ. Thuyền chở nặng nên bị dòng nước xoáy hút, chìm xuống sông. Nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, ông lão nhảy xuống lều, phi thẳng ra chiếc xuồng, nổ máy phóng một mạch đến những cánh tay vẫy vùng giữa dòng nước lũ, cứu được 3 mẹ con, còn một nạn nhân không thể cứu được. Đôi mắt ông ứa đỏ khi nhắc đến những lần đã không thể cứu thành công.

Cả cuộc đời mưu sinh ở khúc sông tử thần, ông đã cứu được hàng chục mạng người. Cuộc sống của ông tuy nghèo khó nhưng lại giàu lòng thương người. Cả cuộc đời làm người lái đò không công cho dân làng, ông coi cái việc cứu người như những việc cần làm của con người đối với con người chứ chẳng đòi hỏi ơn huệ gì cả. Với riêng ông, sống là cho, không giữ lại riêng mình.

H.T.T