Bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào trung tuần tháng 6, Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ngồi khóc thút thít khi bị hàng chục con mắt uất hận của bị hại đổ dồn về phía mình.
Ngay phần thủ tục phiên tòa, các bị hại đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm những người liên quan trực tiếp đến vụ án. Họ cho rẳng, vụ án còn đồng phạm.
Xét thấy rất nhiều bị hại ở xa đến, phiên tòa đã hoãn nhiều lần, HĐXX quyết định tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Tham dự tòa, nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao một người đàn bà vô công rỗi nghề lại có thể dễ dàng lừa đảo 31 người bị hại, chiếm đoạt của họ số tiền gần 300 tỷ đồng.
Thủ đoạn gian dối của Lan nhanh chóng bị bóc trần qua phần công bố bản cáo trạng của vị đại diện VKSND TP.Hà Nội.
Theo đó, Lan là đối tượng không có nghề nghiệp, để có tiền xài cá nhân, Lan đã dùng thủ đoạn nói với những người xung quanh là mình có quan hệ làm ăn với lãnh đạo Tổng Giám đốc công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và các quan chức trong ngành xi măng, có thể mua được các máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ, đem bán ra ngoài sẽ được lợi nhuận cao.
Lan nói với mọi người, nếu đầu tư tiền cho Lan thì Lan sẽ chia lợi nhuận. Cũng chính vì tin tưởng vào viễn cảnh mà Lan vẽ ra, nhiều người đã “tiền mất tật mang”.
Để “con mồi” tin tưởng, Lan dùng thủ đoạn sử sụng zalo, số điện thoại di động giới thiệu giả mạo là lãnh đạo Tổng Giám đốc công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam điện thoại, nhắn tin hỏi vay tiền; lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống để cho các bị hại xem nhằm tạo lòng tin… Tưởng thật, nhiều người đã đưa tiền cho Tổng giám đốc “dởm” – chính là Lan.
Ranh mãnh hơn, để các nạn nhân tin tưởng, sau đó vài ngày, Lan đã trả lại số tiền gốc và kèm theo một số tiền nói là lợi nhuận, sau đó, Lan bảo các bị hại đưa tiền đầu tư nhiều hơn.
Tuyệt nhiên, lần này, các bị hại đang hí hửng chờ lợi nhuận cao mà không biết Lan đã lặn mất tăm từ bao giờ.
Hồ sơ thể hiện, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 09/2017, bằng thủ đoạn trên, Lan đã lừa đảo 31 bị hại ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội, chiếm đoạt số tiền gần 300 tỷ đồng.
Tại tòa, Lan khai chị ta đã dùng tiền của 31 người đưa cho ba người đàn ông. Nhưng cả ba người này đều không thừa nhận.
Xét thấy có một số tình tiết phát sinh mà không thể làm rõ tại phiên tòa nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.