Tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 8/3, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù dịch đang kiểm soát tốt nhưng theo ý kiến nhận định của ngành y tế thì người dân tuyệt đối không được chủ quan khi dịch bệnh trên thế giới và một số tỉnh thành vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Dịch có thể lây nhiễm, xâm nhập bất kỳ lúc nào và ngành y tế nhận định có thể có những biến chủng mới vào nước ta.
Theo bà Hà, vắc-xin tiêm trong đợt đầu này là vắc-xin của AstraZeneca, là một trong 3 loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và đã được sử dụng trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vắc-xin này được bảo quản ở điều kiện từ 2 – 8 độ C. Mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau là 12 tuần. Sẽ tiêm 0,5ml/lần tiêm bắp.
"Đây là loại vắc-xin mới, ngành ngành y tế đảm bảo an toàn trong việc tiêm chủng. Với nội dung này, ngành y tế đã xây dựng kịch bản rất rõ về mô hình tiêm chủng và lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực vắc-xin.Tuyệt đối đảm bảo nhân lực y tế khi phát hiện, xuất hiện các trường hợp phản ứng sốc để xử trí kịp thời", bà Hà nhấn mạnh.
Theo bà Hà, ngành Y tế TP đã có những ý kiến cụ thể liên quan đến chuyên môn. Vấn đề ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tiêm chủng trong các khu vực tiêm chủng cũng như khu vực phòng chống dịch, đảm bảo 5k trong khi tiêm chủng….
Nói về các phản ứng có thể có khi tiêm vắc-xin, bà Hà cho biết, vắc-xin Covid-19 cũng giống như các loại thuốc và vắc-xin khác là có những triệu chứng phản ứng phụ không mong muốn khi tiêm như sốt, đau đầu, buồn nôn… người dân hoàn toàn yên tâm thực hiện tiêm chủng. Ngành y tế đã xây dựng sổ theo dõi sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe, cũng như phản ứng sau tiêm với các cán bộ y tế, cơ sở y tế lập tức, kịp thời và có hệ thống.
Bà Hà nhấn mạnh, vắc-xin là biện pháp phòng bệnh nhưng không phải biện pháp duy nhất. Do đó, ở thời điểm, chỉ dựa vào vacine là chưa đủ, nên người dân không thể chủ quan, mà kết hợp vắc-xin với hướng dẫn 5k của bộ Y tế.
Trước đó, trả lời báo chí sáng 8/3 tại buổi tiêm vắc-xin Covid-19 ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay, bất cứ loại thuốc, vắc-xin hay sinh phẩm nào được đưa vào cơ thể đều có thể dẫn đến những tác dụng phụ nhất định.
"Tác dụng phụ được ghi nhận nhiều nhất với vắc-xin Covid-19 là đau ở vị trí tiêm. Một số trường hợp áp-xe tại vị trí này. Đáng chú ý, tác dụng phụ nặng nề nhất là sốc phản vệ. Do đó, các cơ sở y tế khi tiêm vắc-xin cần chuẩn bị đầy đủ phương án cấp cứu cũng như tìm hiểu kỹ tiền sử bệnh nền, dị ứng, phản vệ của đối tượng", ông Kính cho hay.
Ông Trương Quang Việt – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, bắt đầu từ sáng mai (9/3), hoạt động tiêm vắc-xin sẽ bắt đầu diễn ra tại bệnh viện Thanh Nhàn và ưu tiên tiêm cho các cán bộ, nhân viên y tế thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Ông Việt cho biết, tổng số lượng vắc-xin tiêm cho Hà Nội trong đợt 1 là hơn 8.000 liều, Sở Y tế đang đề xuất chuyển từ kho trung ương về kho lưu trữ Hà Nội để chủ động hoạt động tiêm chủng.
Theo ông Việt, đến nơi, CDC Hà Nội mới nhận được danh sách của 10 đơn vị y tế, TTYT trên địa bàn. Do đó, ông Việt đề nghị các đơn vị khác thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin đợt 1 khẩn trương gửi danh sách để sớm tiến hành tiêm vắc-xin.
Thu Huyền