Người giữ gìn nghệ thuật cải lương tuồng cổ bằng... nghề may

Người giữ gìn nghệ thuật cải lương tuồng cổ bằng... nghề may

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
1
Từ kép hát bội nổi danh Hai Thắng, Minh Tơ đến lớp con cháu Thanh Tòng, Thanh Loan, Quế Trân, Tú Sương..., gia tộc bầu Thắng Minh Tơ mang một dấu ấn riêng mà trong đó không thể thiếu mắt xích nghệ sĩ, người thiết kế trang phục sân khấu Công Minh.

Con nhà tông nhưng chỉ đứng xa ở... vòng ngoài

Nghệ sĩ Công Minh thừa nhận: “Mặc dù, sinh ra trong dòng dõi nhiều đời theo sân khấu, nhưng tôi chỉ thích ngồi xem hát và “chạy vòng ngoài” lo nhạc cụ, ánh sáng, trang phục chứ không mê ca diễn như mấy anh chị khác”. Thế nhưng, máu nghệ sĩ vẫn chảy trong người anh. Dù tình yêu nghệ thuật thể hiện qua cách anh chăm chút cho từng chiếc áo, thanh kiếm, cái trống, cây đàn nhưng nó vẫn rất mãnh liệt và trào dâng trong người con nhà “tông”.

Xã hội - Người giữ gìn nghệ thuật cải lương tuồng cổ bằng... nghề may

Công Minh và trang phục người Nhật đang trong giai đoạn thành phẩm

Anh tâm sự: “Cha tôi là người có tầm nên tất cả con cái trong gia đình đều được hướng dẫn để trở thành một người ca diễn giỏi lại biết quán xuyến, quản lý từ vòng trong đến ngoài. Trong những ngày được cha hướng dẫn cách dàn cảnh, chuẩn bị đồ diễn, đạo cụ, trong tôi dâng lên niềm yêu thích kì lạ”. Từ đó, Công Minh say sưa với công việc phụ giúp mấy chú, mấy anh chị lớn lo hậu trường.

Mê chuẩn bị hậu trường, nghệ sĩ Công Minh quên hẳn học ca diễn. Đến năm nghệ sĩ 17 tuổi, cha và anh trai ra sức “kêu gọi, thúc ép” bắt anh phải tập ca diễn để lên sân khấu. Nhân dịp một nghệ sĩ trong đoàn từ chối không diễn vai Tào Tháo, mọi ánh mắt đổ dồn về cậu bé “mê xem hát và lo hậu trường” Công Minh. Mười bảy năm ăn cơm và sống cùng sân khấu đã cho anh sẵn bản năng của người nghệ sĩ, nên khi cha và anh trai “ép” lên diễn, anh đã gật đầu.

Những ngày, anh được anh trai Thanh Tòng hướng dẫn từ lối ca đến điệu bộ, cách thức diễn trên sân khấu. Nghệ sĩ nhớ mãi lần học điệu bộ vuốt râu của nhân vật Tào Tháo, anh đã phải khóc hết nước mắt vì anh trai giảng dạy quá nghiêm khắc. Nhưng nhờ vậy, lần đầu tiên lên sân khấu, mọi người đều có cảm tình với anh kép đóng vai phản diện Tào Tháo, còn có cả bà cụ vào cánh gà tìm “nghệ nhân Tào Tháo” vì quá yêu mến.

Khoảng thời gian sau đó, Công Minh tập trung vào diễn xuất, ít “chạy” phía sau hậu trường. Tuy nhiên, những lúc không diễn, anh thường ngồi quan sát từng nét vẽ trên khuôn mặt nghệ sĩ, từng đường chỉ họa tiết thêu thùa của trang phục biểu diễn. Anh không ngờ chính sự yêu thích khác thường này đã mang anh đến với nghề thiết kế trang phục sân khấu và điện ảnh.

Năm 1992, cải lương đang bước vào giai đoạn thưa vắng khán giả, nhiều nghệ sĩ phải đổi nghề hay tìm thêm nghề tay trái để mưu sinh và sống với nghề. Nghệ sĩ Công Minh không nằm ngoài guồng quay khó khăn đó. Khi những sô diễn thưa dần, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, những nghệ sĩ có tâm huyết cố gắng vực dậy bộ môn cải lương giàu tính truyền thống đã khó lại càng thêm khó. Anh nhớ lại cơ duyên đưa mình gắn bó với nghề thiết kế trang phục tuồng, anh chia sẻ: “Khi nghệ sĩ Diệp Lang, Minh Phụng dựng vở Tây Thi, máu mê nghề nghiệp lại trỗi dậy, tôi liền đồng ý lời đề nghị thiết kế trang phục của mấy anh cho vở diễn này. Tôi tự sáng chế dựa trên truyền thống trang phục tuồng cổ được anh em nghệ sĩ tán dương, ủng hộ, từ đó bén duyên với nghề may.”

Bảo lưu truyền thống bằng con mắt nhà nghề

Thời gian đầu, nghệ sĩ Công Minh thiết kế trang phục tuồng dựa theo kiểu dáng quần áo Trung Hoa nhưng càng về sau, lòng tự tôn dân tộc và do có nhiều điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa, đặc biệt những đặc trưng về lịch sử buộc anh phải trăn trở, sáng tạo trên quan điểm tôn trọng văn hóa-lịch sử quốc gia. Nghệ sĩ Công Minh lấy ví dụ để bày tỏ quan niệm của mình: “Vua Quang Trung nước ta ra trận không thể mặc trang phục giống Trung Quốc được, phải đúng chất người Việt và khác biệt rõ ràng. Với lối suy nghĩ đó, tôi nỗ lực sáng tạo và tìm hiểu lịch sử để có thể thiết kế trang phục biểu diễn gần gũi, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Theo anh, để sáng chế và may hoàn chỉnh một bộ trang phục cải lương tuồng cổ, Công Minh mất gần một tháng trăn trở và cặm cụi bên bàn máy may. Nhưng lâu dần, thời gian rút ngắn lại, nhờ quen tay, trang phục ngày càng tinh tế và đẹp mắt. Tùy theo độ phức tạp của trang phục, anh mất khoảng từ 3 đến 5 ngày để hoàn thiện. Gặp không ít khó khăn, nhiều lần sản phẩm làm ra nhưng chưa ưng ý, anh tự nhủ “thất bại là mẹ thành công” nên chẳng thấy nản lòng.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong cái nghề hiếm giữa lòng Sài Gòn hiện đại, anh cho biết: “Điều đáng ngại nhất là khi khách hàng không hiểu và không tâm huyết với trang phục cho các vai diễn. Ví như vai diễn là một công tử của một vị quan huyện không thể mặc một bộ trang phục với chất liệu vải và họa tiết như trang phục của một công tử con quan đại thần, con tể tướng, con vua; cũng như việc một thầy đồ ở làng không thể mặc chất liệu tơ tằm, nhung lụa như một thầy đồ ở thành thị được ...”.

Đến nay, khi nghệ thuật cải lương đã nhường chỗ cho nhiều loại hình nghệ thuật khác vượt lên chiếm lĩnh khán gia nhưng nghệ sĩ Công Minh vẫn tự hào cho biết: “ Cả gia đình tôi giờ sống được và nên danh được anh em đồng nghiệp quý mến cũng nhờ nghề thiết kế trang phục tuồng này. Thậm chí, trang phục anh thiết kế được các nghệ sĩ hải ngoại yêu thích nên có những đơn hàng từ nước ngoài đặt về. Vậy là những phục trang do tôi thiết kế có cơ hội chu du các nước Mỹ, Úc, Canada góp phần truyền bá văn hóa, nghệ thuật sân khấu dân tộc ra thế giới”.

Ngọc Lài