Người may chiếc áo Bác Hồ mặc ngày độc lập

Người may chiếc áo Bác Hồ mặc ngày độc lập

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Chiếc áo chủ tịch Hồ Chí Minh mặc khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 làm rất nhiều người ấn tượng bởi nó vẫn thể hiện phong cách giản dị của Người nhưng không kém phần trang trọng.

Nhắc đến những bộ quần áo của Hồ Chủ Tịch, điều ấn tượng với những ai từng gặp, được sống và làm việc bên cạnh Người là sự giản dị, trang trọng, lịch sự và gần gũi. Bộ quần áo Người mặc ngày đọc Tuyên ngôn, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chiếc áo kaki, màu vàng đã trở thành hình ảnh quen thuộc của mỗi người dân nước Việt. Và thế là, cứ đến ngày độc lập hàng năm, hình ảnh Người quen thuộc, thân thương được quốc dân đồng bào trang trọng hồi tưởng lại với chiếc áo - đại cán. Ít ai biết rằng đằng sau chiếc áo Bác mặc đọc Tuyên ngôn độc lập là cả một sự tinh tế của Người kết hợp với sự sáng tạo của người thợ may tài hoa.

Xã hội - Người may chiếc áo Bác Hồ mặc ngày độc lập

Ông Giực chia sẻ về những tư liệu ghi chép việc may áo cho Bác Hồ của cụ Phúc Hưng

Chiếc áo "đại chúng"

Tại Viện Bảo tàng Cách mạng, mỗi gian phòng trưng bày các kỷ vật về Bác đều ấn tượng với khách tham quan. Nhưng có lẽ gian phòng trưng bày những hiện vật liên quan đến thời điểm lịch sử ngày 2/9/1945 gồm: Chiếc micro Hồ Chủ Tịch sử dụng trong Lễ Tuyên ngôn độc lập, một số kèn đồng mà đội quân nhạc cử Quốc ca tại quảng trường Ba Đình; đặc biệt đó là quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày lễ khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khiến mỗi người xem xúc động. Một chiếc áo màu kaki vàng quen thuộc gắn liền với hình ảnh của Bác và nói lên sự tinh tế, sáng tạo của người may.

Theo nhà giáo Trịnh Lương, con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô, chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, thì: "Ngày 23 tháng 8 năm 1945 Hồ Chủ Tịch về đến thôn Gạ (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), và nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau, Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 của nhà chúng tôi. Trong ký ức của mẹ tôi và các thành viên trong gia đình, hôm đó Bác mặc áo sơ mi, quần soóc nâu, đội mũ cam bạc, chân đi dép có in hình con hổ màu trắng. Ông cụ cao gầy, trán cao, gương mặt sạm nắng, nhưng dáng đi nhanh nhẹn và đặc biệt có đôi mắt rất sáng. Cả nước đang sôi sục trong khí thế chiến thắng và chuẩn bị cho ngày trọng đại, ngày ra mắt chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Lúc đó vào khoảng những ngày 26 - 27/8, trong không khí náo nức chuẩn bị cho ngày lễ Độc lập, các đồng chí có mặt tại nhà cụ Bô mới sực nhớ ra cần phải trang bị cho mỗi người một bộ quần áo thật tươm tất lúc ra mắt trên lễ đài, bộ quần áo Hồ Chủ Tịch mặc - người đọc Tuyên ngôn là phải được đặc biệt quan tâm. Vì, hầu hết các đồng chí đều vừa từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá.

Ông Lương chia sẻ: "Lúc đó, bố mẹ tôi làm nghề buôn bán vải. Các tiệm may lớn, nổi tiếng ở Hà Nội thường may những bộ quần áo biếu cụ nhà tôi. Ở Hà Nội thời đó, rất nhiều của hàng may nổi tiếng như Phúc Hưng, Tân Đại Việt, Đức Hạnh… Họ đều là bạn hàng, là khách mua vải quen thuộc của gia đình. Khi đó, nói đến Phúc Hưng là nói đến những bộ trang phục trang trọng lịch sự, nói đến Đức Hạnh là nói đến quần áo trẻ em. Tủ quần áo của cha tôi có rất nhiều quần áo của các bạn hàng biếu tặng, trong tủ có hàng chục bộ quần áo mà cụ chưa hề mặc lần nào. Thời gian khá gấp gáp, chỉ còn vài ngày là đến lễ Độc lập nên không thể có thời gian may cho tất cả mọi người. Mẹ tôi lấy tất cả quần áo trong tủ của bố tôi ra cho các đồng chí mặc thử. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy…".

Khi nghe gia đình cụ Bô ngỏ ý muốn may cho Bác bộ đồ mới mặc trong ngày đặc biệt của dân tộc. Bác liền bảo: "Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất, giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt đâu". Một người trợ lý của cụ Bô chợt nhớ tới một bức ảnh của lãnh tụ nước Nga Xô viết Stalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: "Nhưng mình có phải là Stalin đâu?". Theo ông Lương, Bác chia sẻ ý tưởng về chiếc áo đó không giống Stalin, cũng không được giống áo của ông Mao Trạch Đông (Trung Quốc). Kiểu áo mà lãnh đạo Stalin mặc là áo đại cán kiểu Anh, cổ đứng. Kiểu áo đó cũng không phải là áo 4 túi mà lãnh đạo Trung Quốc - Mao Trạch Đông hay mặc. "Bác luôn học hỏi tinh hoa nhưng không chấp nhận bắt chước khuôn mẫu sẵn" - nhà giáo Lương nói.

Lúc đó bà Bô đã cho mời một người thợ may là chỗ bạn hàng quen thuộc thường hay lấy vải của gia đình đến và giới thiệu với người thợ may: "Tôi có người nhà là cụ Lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với trang phục". Sau khi nghe bà Bô trình bày yêu cầu về bộ quần áo, ông Phúc Hưng đã mường tượng ra chiếc áo đặc biệt này.

Người thợ may đặc biệt

Theo chia sẻ của nhà giáo Trịnh Lương, ngày 28/8, ông Phúc Hưng đến đo và đúng ngày 30/8, chiếc áo được hoàn thành để Bác thử. Khi Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: "Được, thế này là hợp với mình. Một chiếc áo vừa toát lên vẻ trang trọng nhưng không làm giảm đi sự gần gũi với đông đảo dân chúng".

Với hy vọng tìm lại được ít nhiều thông tin về người thợ may đặc biệt và tinh tế hiểu được ý tưởng về chiếc áo mà lãnh tụ đã mặc trong ngày trọng đại cách đây 67 năm, chúng tôi đã đi tìm các chứng nhân lịch sử một thời. Ngôi nhà trên phố Hàng Trống, nơi từng là cửa hàng nổi tiếng với thương hiệu Phúc Hưng giờ đã có nhiều đổi thay. Toàn bộ tầng một đã được một công ty thương mại nhà nước sử dụng làm mặt bằng kinh doanh. Một chút hy vọng, một niềm tin tìm được người có thể giúp chúng tôi hiểu hơn về chiếc áo đặc biệt và người thợ may tinh tế ngày nào.

Khá may mắn, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Phương Giực (cháu rể cụ Phúc Hưng) đang sinh sống tại chính cửa hàng may Phúc Hưng ngày nào. Theo chia sẻ của ông Giực, cụ Phúc Hưng có tên thật là Bùi Văn Cửu (sinh vào khoảng năm 1913). Cụ sinh ra ở thôn Cửu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội, xuất thân từ một gia đình bần nông. Năm 11 tuổi, ông Cửu theo anh trai là Bùi Văn Lai ra Hà Nội học nghề may. Gia đình cụ có 4 anh em trai, trong đó có đến 3 người cùng làm nghề may khá nổi tiếng ở khu vực phố cổ Hà Nội với thương hiệu Phúc Tường, Phúc Mỹ và Phúc Hưng.

Ông Giực tâm sự: "Ít khi gia đình được nghe cụ Phúc Hưng kể về việc may quần áo cho cụ Hồ mặc ngày độc lập năm 1945. Cuộc sống bươn chải, chìm nổi, hai vợ chồng cụ nuôi 11 người con trong giai đoạn khó khăn khiến cụ Phúc Hưng phải rời xa Hà Nội. Tuy nhiên trong những tài liệu mà hiện còn lưu lại thì cụ Phúc Hưng đã vinh dự được hai lần may áo cho Bác.

Theo những tài liệu mà gia đình còn giữ được, năm 1955, trong bản kê khai tham gia công tư hợp doanh, cụ Phúc Hưng có chia sẻ về việc may chiếc áo cho cụ Hồ Chủ Tịch". "Sau Cách mạng tháng 8, tôi được vinh dự đo và cắt quần áo cho cụ Hồ Chủ Tịch, các bộ trưởng và cán bộ cao cấp trong chính phủ tại nhà ông Trịnh Văn Bô, thường vào hồi từ 9h đến 12h đêm. Khi Hồ Chủ Tịch sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946, tôi cũng có may một bộ gabardine len biếu người" - ông Giực nói - (Trích bản kê khai năm 1955).

"Giữa năm 1955, cụ Phúc Hưng di chuyển vào sống hẳn ở miền Nam. Ở nơi đất khách quê người, cụ cũng không còn tiếp tục nghề may của gia đình nữa mà chuyển sang làm công việc khác. Đến năm 1973, cụ Phúc Hưng đã sang Pháp sống cùng các con. Đến năm 2005, gia đình chúng tôi nhận được tin cụ từ trần ở Pháp, hưởng thọ 92 tuổi. Suốt từ ngày rời xa Việt Nam, cụ cũng chưa một lần quay lại Hà Nội nhưng tôi hiểu trong trái tim cụ luôn giữ những hình ảnh Việt Nam và kỷ niệm về việc vinh dự được may áo cho vị khách đặc biệt - cụ Hồ Chí Minh ngày nào", ông Giực tâm sự.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những chứng nhân lịch sử ngày nào giờ đa số đã là người trong cõi thiên cổ. Nhưng với mỗi người dân Việt Nam thì khoảnh khắc ngày lễ Độc lập, ngày Quốc khánh 2/9 mỗi năm đều là một ngày lễ trọng đại. Và hình ảnh vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu với bộ quần áo kaki màu vàng quen thuộc vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí và trái tim mỗi người.

Đ.T