Người mẹ trẻ có con cách ly “hiến kế” thêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Người mẹ trẻ có con cách ly “hiến kế” thêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 23/03/2020 10:09

Có con từ nước ngoài trở về Việt Nam và được đưa đi cách ly tập trung, được trực tiếp nhìn thấy những nỗi khổ, vất vả của các lực lượng tham gia quản lý và giám sát việc cách ly như đội ngũ y bác sĩ, y tế dự phòng, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm… người mẹ ấy đã suy nghĩ đề xuất giá như có chính sách thu tiền ăn ở, chi phí cho việc cách ly thì các bố mẹ, người thân của những người đi cách ly, những người nước ngoài...cũng sẵn lòng.

Lời đề xuất của người mẹ ở Hà Nội (xin ẩn danh), cũng là người đang công tác trong ngành y chia sẻ với những người bạn của mình.

“Mình chỉ nghĩ, giá như có chính sách thu tiền ăn ở, chi phí cho việc cách ly đối với những người ở nước ngoài về thì các bố mẹ, người thân của những người đi cách ly, những người nước ngoài cũng sẵn lòng (trừ những trường hợp nhân viên y tế hoặc các nhân viên khác bị cách ly do đang làm nhiệm vụ hoặc những khu vực dân cư bị phong tỏa đột ngột do có người nhiễm)

Xin hãy dùng tiền đó để tăng bồi dưỡng cho những lực lượng đang chịu nhiều vất vả và nguy hiểm nơi tuyến đầu (Các y bác sỹ, các đơn vị quân đội, y tế dự phòng....), cho những người nghèo, những bệnh nhân gặp khó khăn đang nằm viện mà thời gian qua các đoàn từ thiện cũng hạn chế vào thăm...

Mình tin rằng đề xuất này sẽ có nhiều người ủng hộ và chung tay- trong đó có gia đình mình”, người mẹ này viết.

Ngay sau đó, lời đề xuất ấy cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người.

Tin nhanh - Người mẹ trẻ có con cách ly “hiến kế” thêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Hình ảnh các tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần... tranh thủ chợp mắt trong những ca làm thâu đêm suốt sáng vào sáng 19/3, giữa các chuyến xe đưa người tới cách ly tại ký túc xá Đại Học Quốc Gia (Quận Thủ Đức) gây xúc động mạnh những ngày qua.

Dưới góc độ của một người truyền tải thông tin, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với người mẹ này về những cảm xúc của mình khi có con đi cách ly, cũng như những trăn trở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chào chị, chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi hay tin con trở về nước và được đưa vào khu cách ly?

Trước khi con trở về nước, tôi có một sự chuẩn bị rất rõ ràng. Tôi đã viết thư cho con, lập danh sách những việc cần làm, dặn dò con rất kỹ trong quá trình đi đường để hạn chế sự lây nhiễm. Đồng thời, tôi cũng làm công tác tư tưởng với con rằng khi con về Việt Nam, có thể con sẽ phải đi cách ly tập trung, tôi chuẩn bị sẵn tinh thần cho con đối mặt với chuyện đó.

Khi con về nước, gia đình tôi đã thống nhất chỉ để 1 mình bố cháu đi đón con và xác định 2 phương án :

1. Nếu con được đưa đi cách ly tập trung thì cũng vui vẻ chấp hành.

2. Nếu con chưa đi cách ly tập trung thì gia đình sẽ thực hiện phương án 2. Đó là chỉ bố cháu đưa cháu từ sân bay về nhà trên xe ô tô của gia đình, hai bố con thực hiện nghiêm túc quy định về cách ly tại nhà, còn những người còn lại di tản đi nơi khác để tránh có thêm người tiếp xúc.

Hôm đó chuyến bay của cháu chưa có quyết định đưa đi cách ly tập trung nên bố cháu đưa cháu về nhà. Đến ngày hôm sau, trung tâm y tế quận muốn đưa con vào bệnh viện Thanh Nhàn cách ly tập trung, gia đình tôi cũng ủng hộ. Và hiện con đang thực hiện việc cách ly tập trung tại bệnh viện Thanh nhàn. Việc tuân thủ theo quy định của Nhà nước, theo tôi là điều rất cần thiết, tránh lây lan ra cộng đồng.

Thông tin về dịch Covid-19 thời gian qua khiến chị có những suy nghĩ, trăn trở gì?

Ngày 29 Tết, khi trên các báo thông tin rằng có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, điều này đã tác động lớn đến cảm xúc của mọi người. Trong suốt thời gian qua, tôi cũng theo dõi sát diễn biến từ Vũ Hán cũng như ở Việt Nam và cả trên thế giới. Điều mà tôi cũng như rất nhiều người nhìn thấy rất rõ, đó là Chính Phủ Việt Nam chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời cũng như có sự đoàn kết một lòng, sự kết hợp tuyệt vời của quân và dân, của cả một hệ thống gồm toàn bộ các lực lượng y bác sỹ, y tế dự phòng, quân đội, công an, ủy ban nhân dân các cấp....đã cho chúng ta một kết quả rất đáng ngưỡng mộ khi khống chế được dịch bệnh một thời gian dài, cho đến ngày 6/3/2020.

Từ ngày 6/3/2020 đến nay, số ca Covid-19 tăng nhanh một phần do tính chất dịch bệnh dễ lây lan, do nhiều người nước ngoài mang bệnh và do nhiều người Việt từ nước ngoài về nước, nhưng cũng một phần là ở ý thức của người dân. Tôi cho rằng ý thức, sự hiểu biết về bệnh của người dân cần phải được chú trọng, tuyên truyền, nâng cao nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thật sự tôi lo lắng cho nền kinh tế, khi đã và sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, tình trạng thất nghiệp tăng lên và mất an ninh xã hội. Rất mong Nhà nước có những chính sách kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các chủ nhà cho thuê mặt bằng có thể chia sẻ với những người đang thuê, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Được biết, chị mong muốn giá như có chính sách thu tiền ăn ở, chi phí cho việc cách ly? Lý do vì sao?

Con của tôi cũng là một trong những người đang đi cách ly tập trung. Cho dù điều kiện chỗ ở cũng chưa thật sự tốt nhưng gia đình tôi luôn biết ơn Chính Phủ Việt Nam đã dang tay đón những người con trở về. Tôi biết rằng với lượng người về quá tải như hiện nay mà Nhà nước vẫn đang gồng mình, các lực lượng vất vả và chịu nhiều nguy hiểm để chăm sóc cho những người cách ly ngày 3 bữa, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm toàn bộ...thì thật sự là một gánh nặng lớn cho đất nước.

Bên cạnh đó, tôi là người đã trực tiếp vào các bệnh viện, nói chuyện với các y bác sĩ, các lực lượng y tế dự phòng cũng như thông qua các hình ảnh trên mạng thì thấy các lực lượng đó đang rất vất vả và chịu nhiều nguy hiểm cho việc giám sát, quản lý cách ly…

Tin nhanh - Người mẹ trẻ có con cách ly “hiến kế” thêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Hình 2).

Người mẹ này có một đề xuất giá như có một chính sách thu tiền ăn, ở chi phí cho việc cách ly này (Đối với những người từ nước ngoài về) (Ảnh: Phạm Tùng).

Chính vì vậy, gia đình tôi rất mong muốn được đóng góp thêm một phần nào đó cũng như rất mong có thêm những hỗ trợ để các lực lượng có thêm sức khỏe, được động viên chia sẻ nhiều hơn và yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng cần có những chính sách rõ ràng, tổng thể từ Nhà nước cho những lực lượng đó khi đang phải chịu bao gian khổ, thậm chí đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Vì vậy, tôi có một đề xuất giá như có một chính sách thu tiền ăn, ở chi phí cho việc cách ly này (Đối với những người từ nước ngoài về) và tôi tin, chúng tôi cùng nhiều gia đình luôn sẵn lòng.

Bản thân chị cũng là một người làm trong ngành y, vậy chị có đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch của Chính Phủ, cũng như của hệ thống ngành y và toàn dân?

Tôi vô cùng tự hào về những gì mà Chính Phủ Việt Nam, toàn bộ lực lượng tham gia chống dịch gồm: Nhân viên ngành y tế, y tế dự phòng, các lực lượng quân đội, công an, ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức tổ dân phố đã thực hiện suốt thời qua. Phải nói rằng, sự phối hợp của các tổ chức tại Việt Nam cực kỳ tốt, chúng ta đã làm tốt giai đoạn đầu một cách ấn tượng. Chúng ta là một đất nước ở gần Trung Quốc, có nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng đã duy trì chỉ có 16 bệnh nhân cho đến ngày 6/3. Mặc dù đến hôm nay số ca nhiễm lên đến 113 nhưng vẫn là những con số có ý nghĩa đáng kể so với cả thế giới.

Tin nhanh - Người mẹ trẻ có con cách ly “hiến kế” thêm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Hình 3).

Rất mong dịch Covid-19 bị đẩy lùi và cuộc sống bình yên, tốt đẹp sớm trở lại (Ảnh: Phạm Tùng).

Tuy nhiên, để giảm tải cho ngành y tế, tôi nghĩ rằng cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cách ly tại nhà. Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên:

Hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn  việc thực hiện cách ly tại nhà (đặc biệt nên nhấn mạnh: Hạn chế số người nhà tiếp xúc với người cách ly, nếu có thể người nhà cũng tự ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người ngoài để tránh phát sinh các F sau này).

Hệ thống truyền thông (sử dụng tối đa các kênh tiếp cận cộng đồng: TV, loa đài., tờ rơi...) tập trung hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà, các biện pháp cần cách ly khi có người thân từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam, thậm chí từng chi tiết như: Hạn chế đi taxi hoặc nếu phải đi taxi cần mở cửa, đeo khẩu trang, thậm chí đồ bảo hộ, nên lấy điện thoại taxi để sau có thể liên hệ. Bởi vì, tôi thấy rằng có nhiều trường hợp do nhiều người hiểu một cách nửa vời mới dẫn đến tình trạng cách ly các F sau nhiều như vậy.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng nếu lượng người nhập cảnh quá tải thì nên có những tờ rơi để mọi người  chủ động đọc và làm theo hướng dẫn. Như vậy, cũng tiết kiệm được thời gian và người tư vấn.

Một số trường hợp người bị nghi ngờ có xét nghiệm âm tính 2 lần, chưa cách ly đủ 14 ngày hoặc F1 đã có kết quả âm tính, có thể xét hoàn cảnh từng gia đình để thực hiện cách ly tại nhà. Có thể yêu cầu gia đình cam kết và đưa ra chế tài thật nặng, thậm chí xử lý hình sự hóa nếu vi phạm quy định về cách ly tại nhà.

Thêm nữa, điều tôi nghĩ rất quan trọng là cần khẩn trương có sự hỗ trợ thiết thực cả về tinh thần, vật chất trang thiết bị bảo hộ đối với những người đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.  

Rất mong dịch Covid-19 bị đẩy lùi và cuộc sống bình yên, tốt đẹp sớm trở lại với tất cả chúng ta!

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.