Người thắp lửa đền Đô và khoảnh khắc “Bát đế hiển linh”

Người thắp lửa đền Đô và khoảnh khắc “Bát đế hiển linh”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Anh hùng lao động, nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), là người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”, người đã có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, ít người biết rằng ông còn là một nhiếp ảnh gia thực sự với hàng vạn bức ảnh chụp về Đền Đô, đặc biệt là những bức ảnh “Bát đế hiển linh” ghi lại khoảnh khắc 8 đám mây thế rồng hội tụ trên đỉnh Đền Đô đã được nhiều người biết đến.

Máu đam mê chụp ảnh có từ thuở là đội viên thiếu niên du kích

Tôi đã từng gặp nhiếp ảnh gia đặc biệt ấy vào một ngày tháng 8 năm 2011 trong một lần đưa mẹ về thăm Đền Đô. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về một “ông già” người nhỏ nhắn, hơi gầy, bước chân thoăn thoắt lúc nào cũng như vội vàng, miệng tươi cười và giọng nói ấm áp truyền cảm đã rất hào hứng hướng dẫn viên cho mẹ con tôi về lịch sử Đền Đô.

Lạ một nỗi, ông già ấy cứ nói, nói như muốn chúng tôi nuốt từng lời một về lịch sử và sự linh thiêng của nơi thờ tự 8 vị vua triều Lý mà không chờ đợi dù chỉ một lời cảm ơn. Rồi ông già ấy cứ kéo mẹ con tôi và say mê ngắm chụp những bức hình thật đẹp giúp hai mẹ con. Lạ hơn nữa khi tôi nhìn nhanh vào mười ngón tay ông đều đã bị thui cụt. Đó là di chứng của người bị bệnh phong. Cho đến một ngày tôi tình cờ xem bộ phim phóng sự tài liệu “Người thắp lửa” mà ông già ấy là nhân vật chính, tôi bỗng giật mình: Mình đã may mắn gặp một tấm lòng trong cuộc sống.

Xã hội - Người thắp lửa đền Đô và khoảnh khắc “Bát đế hiển linh”

Thầy Thìn vẫn đam mê chụp ảnh ngay cả khi những ngón tay đã mất cảm giác

Lần này, tôi tìm về với Đền Đô đã có sự liên hệ từ trước để được gặp ông. Giữa cái nắng bỏng rát của tháng 7, thầy Thìn đang rất bận rộn với vai trò là thành viên của hội khuyến học tỉnh Bắc Ninh nhưng vẫn dành thời gian quý báu cho tôi. Hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện, tôi đặc biệt chú ý đến cái “ngón nghề” tay trái của thầy: Chụp ảnh Đền Đô.

Kể về niềm đam mê của mình, ánh mắt thầy sáng lên đầy tinh nghịch như cái thuở thiếu thời vừa mới ngay ngày hôm qua. Giọng thầy hào sảng: “Ngày ấy vì ham thích chụp ảnh mà tôi đã dành tiền chị dâu cho ăn quà để mua một chiếc máy ảnh Roc ở hiệu ảnh Hạ Long trên phố Hàng Trống, Hà Nội khi mới 11 tuổi. Máy ảnh lúc đó mỗi cuộn phim chỉ chụp được 12 kiểu thôi và lại phải tự mày mò học hỏi cách tráng ảnh. Chả hiểu sao tôi hiếu kỳ và thú vị với cái việc người ta chỉ chui vào trong chăn tối om khoảng 10 – 15 phút đã cho ra đời những hình chụp lý thú. Vì thế, tôi quyết học cho bằng được.

Tôi có biết thổi kèn Acmonica và biết một chút tiếng Pháp nên thổi được cả những bài dân ca Pháp. Chính đó là một lợi thế để “hoạt động” mà các anh chỉ huy đã giao nhiệm vụ cho tôi khi tôi tham gia vào Đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Hàng ngày tôi ung dung nhảy chân sáo thổi kèn và đi vào giữa vùng lính lê dương chiếm đóng. Những bài dân ca khiến tụi lính nhớ da diết quê hương nên không mảy may nghi ngờ sự có mặt của tôi. Tôi lén cầm máy ảnh và chụp lại tất cả những nơi tôi đi qua và trao lại ảnh cho du kích để nắm tình hình địch chiếm đóng. Có lẽ máu nghề của tôi trưởng thành từ những lần như thế”.

Thầy chia sẻ: “Mãi đến tận những năm 1965 – 1966, khi xưởng phim tài liệu trung ương làm phim về thiếu nhi ở Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh (Quê hương đồng chí Ngô Gia Tự), tôi được gặp đạo diễn Đào Lê Bình. Anh bảo tôi có con mắt nghệ thuật nên muốn để lại cho tôi chiếc máy ảnh “Féc – đơ” có giá trị bằng cả tháng lương của tôi lúc đó. Tôi vui lắm và đã đồng ý ngay. Và phải đến tận năm 1976, khi gặp lại người mẹ sau 20 năm xa cách vì đất nước chia cắt hai miền Nam – Bắc, tôi mới được mẹ cho tiền để mua một chiếc máy ảnh hiệu Canon cho riêng mình”.

Xã hội - Người thắp lửa đền Đô và khoảnh khắc “Bát đế hiển linh” (Hình 2).

Bức ảnh "tiếng vọng cội nguồn"

“Phải lãng mạn để đắm say”

Điều mà tôi cảm nhận được qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với người thầy đa tài, đa mê ấy là sự thăng hoa trong từng công việc của mình. Với nghề giáo, vì không muốn làm một người dạy học bình thường mà khát khao làm nhà giáo dục chân chính mà thầy đã không ngừng cống hiến.

Từ những lớp bình dân học vụ mà thầy phụ trách lúc tuổi mười tám đôi mươi cho đến những ngày vật lộn với con vi khuẩn Han – sen quái ác cứ gặm nhấm dần những tế bào da thị trên cơ thể... thầy luôn đau đáu một trăn trở là làm sao cho các em thiếu nhi ngày hôm nay không có lý do gì để bị gián đoạn lại công việc học tập của mình như chính thầy đã từng phải trải qua do chiến tranh đạn lạc. Bởi thế, ở đâu, làm gì, và trong hoàn cảnh như thế nào, thầy cũng thắp sáng một ngọn lửa đam mê học tập bằng chính cái tâm sáng của mình.

Đối với nghề nhiếp ảnh cũng vậy, thầy cứ đắm say, cứ miệt mài để cho ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Mỗi bức ảnh chụp, thầy Thìn đều có cảm hứng riêng cho mình để thăng hoa. Tùy vào đối tượng trước ống kính mà thầy luôn có những góc nhìn rất thi sĩ. Tôi có hỏi thầy về kỷ niệm mà thầy nhớ nhất trong những lần chụp ảnh của mình, thầy lưỡng lự một chút. Dường như thầy có quá nhiều điều để nhớ. Và sau phút chắt lọc suy tư, thầy nhắc với tôi về hai bức ảnh treo nghiêm trang giữa Đền Đô. Đó là hai bức ảnh có tên: “Bát đế hiển linh” và “Tiếng vọng cội nguồn” .

Xã hội - Người thắp lửa đền Đô và khoảnh khắc “Bát đế hiển linh” (Hình 3).

Bức ảnh "Bát đế hiển linh"

Rồi thầy dẫn tay tôi tới bức ảnh mang tên “Hoàng long linh hiển”. Ai đến với Đền Đô cũng phải dừng bước trước bức ảnh được coi là có một không hai ấy. Vì theo lời thầy và mọi người chứng kiến sự việc thì khi thầy giơ tay định chụp thêm một bức ảnh nữa thì đám mây đã tự tan biến.

Đó là khoảnh khắc thiêng liêng vào ngày 1/9/1998, vào đúng giờ Dần (4h45”), kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh tổ chức rước bài vị của Lý Thái Tổ ra Thăng Long để cùng tham gia Đại lễ. Hôm đó, 300 người ăn mặc theo lễ phục xuất phát từ Bắc Ninh đi từ rất sớm để kịp 6h tham dự đại lễ tại Hà Nội. Khi đoàn bắt đầu đi thì cũng là lúc thầy Thìn theo thói quen đã sẵn sàng chiếc máy ảnh ở chế độ “tốc độ 30, ống kính 4, vô cực” và chụp ngay lại khoảnh khắc kỳ diệu ấy. Sau đó thầy có chụp thêm một bức ảnh nữa nhưng rất tiếc đám mây có thế rồng bay từ hướng lăng mộ bát đế bay về đã tan vào với trời đất.

Khi kể đến đây, nét mặt thầy Thìn ánh lên niềm tự hào vô cùng. Bởi theo thầy: “Tôi sinh giờ Dần, ngày 1/9/1940 (Canh Thìn), ảnh chụp giờ Dần ngày 1/9/1998 (Mậu Dần). Như thế là “Long hổ tương phùng”. Cuộc đời tôi sinh ra tại quê hương bát đế, gắn bó và tự hào, lại chộp được những bức ảnh rồng vàng, bát đế hiển linh. Tôi thật sự thấy mãn nguyện. Dù cuộc đời còn nhiều gai góc, nhưng với tôi thế cũng đủ là một cuộc đời ý nghĩa”.

Dương Thu