Thầy Hùng Vĩ trong mắt tôi

Thầy Hùng Vĩ trong mắt tôi

Thứ 5, 16/11/2017 | 16:19
0
Nhìn thấy bóng dáng thầy ở sân trường là mắt lũ học trò chúng tôi lại sáng long lanh, chào thầy thật to và thầy đáp lại chúng tôi bằng nụ cười hiền từ.

Văng vẳng đâu đây lời hát “Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời… tôi sẽ viết nên câu chuyện của riêng tôi”, đúng rồi mỗi người đều sẽ viết lên một câu chuyện riêng của mình.

Và rồi, kết thúc câu chuyện đời đó, ta lại về với cát bụi. Điều quan trọng là ta để lại dấu ấn gì trong lòng người ở lại. Nên chắc chắn rằng, giá trị của một kiếp người không phải được đo bằng của cải hay vinh hiển mà bằng sức tỏa và hương sắc mà mọi người gìn giữ.

Vậy sống thế nào để cuộc đời này, ta có hương sắc lan tỏa, dù cho ta chỉ là một hạt cát vô danh giữa biển đời mênh mông. Những băn khoăn đó, có một người đã giúp tôi nhận ra. Đó là thầy. Thầy giản dị nhưng lại rất hùng vĩ. Đúng như cái tên Nguyễn Hùng Vĩ, cả cuộc đời thầy là một con đường dài lớn lao, trong sự nghiệp trồng người.

Cafe8 - Thầy Hùng Vĩ trong mắt tôi

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên bộ môn văn học dân gian, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Nếu ai đã từng tiếp xúc với thầy sẽ thấy thầy thật giản dị nhưng ẩn chứa bên trong là một tấm lòng ngọc. Mái tóc thầy đã bạc dần theo thời gian, trên khuôn mặt thầy, những nếp nhăn ở đuôi mắt gợi lên vẻ khắc khổ. Nhưng nếu ai đã từng được học thầy, được nghe những bài giảng về văn học của thầy mới thấy được những nếp nhăn đó là vết tích của những trăn trở, băn khoăn trong chuyên ngành thầy nghiên cứu: văn học dân gian.

Vậy mà tôi lại thích ngắm khuôn mặt khắc khổ của thầy. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu hết, đằng sau khuôn mặt khắc khổ mà hiền từ ấy là cả một bầu trời thao thức mà thầy dành cho nghề. Có lẽ, đó là dấu ấn của thầy, khiến tôi chẳng thể lẫn thầy với một người thầy nào khác.

Trong mắt đám học trò cũ, bao năm trôi qua, thầy vẫn vậy. Vẫn hàng ngày tới trường bằng con xa cup đời cũ, vẫn bộ quần áo năm nào: áo trứng sáo, quần đen ống rộng. Đặc biệt, ánh mắt hiền từ ấy của thầy, khiến chúng tôi say mê, chăm chú vào từng câu nói trên giảng đường đại học.

Nhìn thấy bóng dáng thầy ở sân trường là mắt lũ học trò chúng tôi lại sáng long lanh, chào thầy thật to “em chào thầy Vĩ ạ” và thầy đáp lại chúng tôi bằng nụ cười hiền từ.

Giọng thầy từ tốn, trầm ấm, mỗi lần thầy giảng bài, tôi đố đám bạn tôi ngồi nói chuyện trong giờ học. Ai cũng bị cuốn hút bởi giọng người xứ Nghệ ấy, trầm bổng như một bản nhạc truyền kiến thức đến cho lũ học trò nghịch ngợm. Đúng là “giọng thầy như tiếng hát, lời thầy như bài thơ”.

Nhớ buổi học đầu tiên trên giảng đường, không phải là một bài học đại cương mà là những tâm tình chia sẻ thầy khuyên chúng tôi. Thầy bảo: "Mái trường Nhân Văn này đa phần là con nhà nông thôn ở các tỉnh lẻ về học". Nên thầy thương chúng tôi lắm, thương chúng tôi xa nhà, xa cha mẹ, sống một cuộc sống không người thân thích giữa cái thành phố ồn ào đầy cám dỗ.

Bài học đầu tiên, thầy dạy chúng tôi yêu thương cha mẹ, thầy kể cho chúng tôi về nỗi vất vả của cha mẹ thế nào, những tâm tư mà cha mẹ chúng tôi đã giấu kín. Chúng tôi những cô cậu 18 tuổi ấy phải học cách biết suy nghĩ cho người thân yêu. Bài học về tình yêu thương thầy đã chỉ bảo chúng tôi vậy đó.

Còn nhiều, rất nhiều nữa. Những buổi học của chúng tôi như một bản nhạc trong bản hòa ca đại học… Ấy vậy, giờ đã thành những mảnh vỡ kí ức, tàn nhẫn lắm thay! Kí ức là điều gì đó trong tâm tưởng mỗi người mang cả sự dịu ngọt, cay đắng, nuối tiếc. Và chuyến đi ấy, với tôi là một ký ức đầy huy hoàng.

Nắng hanh, tiết trời se lạnh, lũ sinh viên năm nhất khoa Văn học lẽo đẽo bám theo thầy đi tham quan một vài di tích văn hóa tại Bắc Ninh. Đoàn tham quan ấy có đến gần 50 sinh viên đi theo thầy Vĩ.

Đi đến đâu, chúng tôi lại bao quanh lấy thầy để nghe từng câu chuyện gắn với văn hóa một thời của di tích đó. Thấy kể rất nhiều, về thời nhà Trần, nhà Lý, những công trình kiến trúc, những nét văn hóa riêng.

Giờ đây, mỗi lần đến với một vùng đất mới, tôi lại nhớ đến những lời giảng dạy của thầy tìm hiểu về văn hóa của vùng đất đó. Thầy bảo: "Văn hóa nước Việt mình đặc sắc, mỗi vùng miền có một nét đẹp riêng, hay yêu lấy những nét đẹp và gìn giữ chúng".

Và chính thầy, thầy đã cho chúng tôi thấy được văn hóa dân gian mình cần gìn giữ và lan tỏa. Thầy ấp ủ chương trình đưa nghệ thuật truyền thống đến với sinh viên. Chương trình mà thầy ấp ủ thành công lắm thầy à. Sinh viên Nhân văn hát rất hay chèo, xẩm, quan họ… và đóng kịch rất giỏi đấy thầy.

Thầy vẫn hàng đêm cặm cụi bên bàn làm việc nghiên cứu văn hóa dân gian nước mình. Thầy – một người thầy không học hàm, học vị nhưng đối với học trò thì không có một học hàm, học vị nào có thể chứa đựng được những công lao to lớn của thầy. Và tôi vẫn luôn tự hào khi được học dưới mái trường Nhân Văn, được ngồi nghe thầy giảng – nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Thời gian là thứ nghiệt ngã, có thể những kí ức về thời đại học, tôi sẽ bị rơi rụng dần. Và biết đâu, một ngày nào đó, tôi quên sạch, quên cả thầy là ai. Nhưng có sao đâu, thời gian có thể lấy đi kí ức của tôi về thầy. Nhưng những gì thầy đã ảnh hưởng tới tôi thì chẳng bao giờ lấy đi nổi.

Những bài học thầy dạy tôi, đã ngấm sâu trong tâm tưởng, mỗi bước chân trong cuộc đời này đều vang đâu đây bài học làm người mà thầy giảng ngày nào. Cám ơn cuộc đời, đã cho tôi là học trò của thầy. 

Phong Linh

Tag: Bắc Ninh
Cùng tác giả

Có mặt bằng cho thuê trong phố, làm sao để không ế ẩm?

Thứ 6, 11/02/2022 | 16:32
Theo chuyên gia của Savills, ngoài việc chủ cho thuê cân nhắc giảm giá thuê 20-30% thì còn nên tạo ra những chương trình ưu đãi để hút khách thuê.

Công ty bầu Đức bán tiếp 25,4 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ ngân hàng

Thứ 6, 11/02/2022 | 12:03
Bán thành công 48,1 triệu cổ phiếu HNG thu về gần 500 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai bán tiếp 25,4 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ ngân hàng.

Nhà Thủ Đức bầu Chủ tịch tạm thời thay ông Lê Chí Hiếu

Thứ 6, 11/02/2022 | 11:22
Ông Lữ Minh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Nhà Thủ Đức được bầu làm Chủ tịch HĐQT tạm thời cho đến khi công ty tổ chức họp cổ đông thường niên 2022.

Ai đang là chủ nợ lớn nhất của Xây dựng Hòa Bình?

Thứ 5, 10/02/2022 | 16:26
Ngân hàng BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của Xây dựng Hòa Bình khi cho vay hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% nợ vay tài chính của Tập đoàn này.

Dấu hỏi về dòng tiền của Khải Hoàn Land

Thứ 5, 10/02/2022 | 14:20
Doanh thu tăng mạnh, Khải Hoàn Land lãi kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 4 lần năm 2020 nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm gần 2.500 tỷ đồng.