Người thi hành công vụ có quyền lực cao hơn tòa án?

Người thi hành công vụ có quyền lực cao hơn tòa án?

Thứ 5, 14/03/2013 | 20:52
0
Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ do Bộ Công an chủ trì, nhiều luật sư đã bày tỏ lo ngại, quy định dễ dẫn đến lạm quyền, thậm chí góp thêm cho xã hội phần nguy hiểm.

Tại điều 17, 18 của dự thảo quy định, đối với hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa...

Cán bộ thi hành công vụ cũng có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Luật sư - Người thi hành công vụ có quyền lực cao hơn tòa án?
Nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ: Phải cân nhắc kỹ

Người thực thi công vụ nào cũng có quyền lực cao hơn cả Toà án?

LS Nguyễn Văn Tú, giám đốc Công ty luật TNHH Fanci: Dự thảo Nghị định như vậy sẽ tạo lên tình trạng lợi dụng và lạm quyền xảy ra thậm chí có thể đưa xã hội ta thêm phần không bình yên và nguy hiểm.

Phòng vệ chính đáng là quyền của tất cả công dân và đương nhiên người thực hiện công vụ cũng có quyền đó. Nhưng Nghị định hoá một phương pháp phòng vệ chính đáng cho riêng người thi hành công vụ bằng cách được dùng súng bắn vào công dân thì tôi cho rằng bản thân quy định này đã lạm quyền rồi.

Luật sư - Người thi hành công vụ có quyền lực cao hơn tòa án? (Hình 2).
LS Nguyễn Văn Tú

Nếu sau này người thực thi công vụ lại lạm quyền nữa thì ở đây có hai sự lạm quyền liên tiếp. Bắn người là có thể gây tử vong, pháp luật của một Nhà nước pháp quyền văn minh còn không áp dụng hình phạt tử hình và ở Việt Nam ta thì chỉ Toà án mới có quyền tuyên tử hình một con người.

Quy định như bản dự thảo Nghị định thì chẳng khác nào cho phép bất cứ người thực thi công vụ nào cũng có quyền lực cao hơn cả Toà án.

Đây là quy định mang tính chất phòng ngừa và răn đe. Thực tế khó có cơ chế nào kiểm soát và nếu không có cơ chế kiểm soát thì dù có quy định chế tài thì cũng không thể thực hiện được. Trao một quyền năng quá lớn cho người thi hành công vụ mà không viết rõ cơ chế kiểm soát thì thực sự nguy nan cho mỗi công dân Việt Nam thiếu hiểu biết pháp luật như hiện nay.

Tôi nghĩ không cần ban hành nghị định này. Vì định nghĩa và khái niệm về hành vi “chống người thi hành công vụ” như Nghị định đang dự thảo là có thể dẫn tới hiểu thế nào cũng được, quy kết thế nào thì công dân cũng rơi vào tình trạng chống người thi hành công vụ.

Tôi không biết nhiều về các nước khác nhưng Mỹ là một thí dụ: họ cho phép công dân được bảo vệ thứ quý giá nhất của con người là quyền được dùng súng để bảo vệ tính mạng.

Còn như Nghị định của chúng ta đang dự thảo thì bảo vệ một công vụ thôi người ta cũng được dùng súng rồi, trong khi đó người Nhà nước còn vô số lựa chọn khác dựa trên nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Là một luật sư tôi thấy Nghị định này còn cao hơn cả các văn bản pháp luật khác. Một cảm giác là người thi hành công vụ làm luôn cả mấy chức năng mà hiện nay phải cả công an, viện kiểm sát, toà án, luật sư và thi hành án mới làm được. Đó là thấy có dấu hiệu phạm tội thì có thể thi hành án ngay mà không cần một trình tự tố tụng nào.

Đáng lưu ý là trong trường hợp cưỡng chế liên ngành. Đó là mối quan hệ hành chính. Người thực thi công vụ lúc đó không có điều kiện đầy đủ để xác định người công dân đang chống mình thi hành công vụ là dấu hiệu phạm tội hay không, không thể biết đó là phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Thậm chí người thực thi công vụ lúc đó còn hành động theo cảm xúc rất nhiều do hành vi chống đối của công dân nên rất dễ họ sẽ sử dụng phương tiện, công cụ bảo vệ (thí dụ là súng) theo cảm xúc chứ không phải theo căn cứ pháp lý.

Ranh giới để xác định hành vi nào của công dân là hành chính, dân sự, phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hình sự v.v.. buộc phải có điều tra và xác minh tỉ mỉ bởi những người như luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán không dễ dàng gì kết luận.

Không thể xác định được ngay hành vi  chống người thi hành công vụ  có dấu hiệu tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu cảnh sát giao thông được nổ súng

LS Đỗ Ngọc Quang, Văn phòng Luật sư Lô-Dơ-By, Đoàn luật sư Hà Nội: Quy định như vậy trong lúc Bộ công an chưa tổng kết được bao nhiêu dạng, hoặc bao nhiêu hình thức thể hiện sự chống người thi hành công vụ mà mới chỉ nêu chung chung là có hành vi chống người thi hành công vụ.

Mặt khác Bộ Công an chưa xem xét có hay không hành vi của người thi hành công vụ đang lạm quyền xảy ra trong xã hội. Trong thực tế, điều này xảy ra rất nhiều. Có rất nhiều cảnh sát giao thông trên các tuyến đường giao thông tự ý buộc các lái  xe tải phải dừng lại để kiểm tra, mặc dù họ đang đi trên đường không có vi phạm gì. Phải chăng, cảnh sát giao thông buộc các xe tải phải dừng lại kiểm tra hay để “làm luật”. Đây có phải là sự lạm quyền của người thi hành công vụ không.

Vì chưa tổng kết nên Bộ Công an chưa cụ thể hóa được hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi lạm quyền của người thi hành công vụ. Do vậy, những quy định trong Dự thảo không sát thực tế, chưa cụ thể hóa mà chỉ quy định chung chung trong dự thảo. Điều này càng làm cho người thi hành công vụ lạm dụng quyền lực của mình.

Ví dụ, nếu  trong trường hợp người có hành vi chống người thi hành công vụ chỉ dùng tay không chống đối, hoặc có lời nói chống đối mà người cảnh sát giao thông đã nổ súng là không thể được, như trường hợp Cảnh sát giao thông Hà Nội Nguyễn Tùng Dương vào đầu những năm 1990  là không thể  chấp nhận được.

Hơn nữa, người thi hành công vụ là ai, trong dự thảo chưa nêu cụ thể, chắc chủ yếu là cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phường, kiểm lâm viên v.v… .

Những người đang thi hành công vụ này làm sao xác định được ngay  hành vi chống đối này có dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm  trọng, hay nghiêm trọng, hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để có hành vi tương xứng vì họ có phải là điều tra viên của cơ quan Cảnh sát điều tra đâu?

Thậm chí ngay đối với điều tra viên phải qua quá trình điều tra mới có thể xác định được hành vi chống đối có hay không dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm  trọng, hay nghiêm trọng, hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nên quy định như vậy là không hợp lý.

Luật sư - Người thi hành công vụ có quyền lực cao hơn tòa án? (Hình 3).
LS Nguyễn Hồng Bách

Cũng cần phải phân tích cụ thể, hành vi chống người thi hành công vụ đó là chống đối như thế nào để có biện pháp ngăn chặn thích hợp chứ không phải mọi trường hợp đều dùng vũ lực, dùng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật  hoặc nổ súng được.

Về quy định, cán bộ thi hành công vụ cũng có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đây cũng là quy định không hợp lý.

Ví dụ, trong dự thảo có nêu sự hỗ trợ của Quân đội nhân dân. Điều này trái với quy định chức năng của Quân đội nhân dân. Chức năng chính của quân đội nhân dân là chống kẻ thù xâm lược chứ không phải tham gia giải quyết trật tự an ninh.

Trong khi đó, hành vi chống người thi hành công vụ thực chất là mâu thuẫn trong  nội bộ nhân dân hoặc chỉ là tranh chấp dân sự thông thường.

Đối với hành vi tụ tập đông người thì người chống đối phải có hành vi tương xứng như thế nào chứ không thể cứ tụ tập đông người là chống người thi hành công vụ.

Ví dụ như người dân  tập trung trước nhà chủ tịch tỉnh để khiếu nại về đất đai, có thể cản trở giao thông thì không thể là chống người thi hành công vụ để có thể nổ súng đối với họ. Nếu cứ theo quy định này, thì các mối quan hệ dân sự đều có thể bị hình sự hóa và bất cứ hành vi tranh chấp dân sự thông thường nào cũng có thể bị coi là hành vi chống đối hình sự và  có thể bị bắn. Quy định như vậy là không chấp nhận được.

Hành vi chống đối quyết liệt thì nổ súng là cần thiết

LS Nguyễn Hồng Bách - văn phòng luật sư Hồng Bách: Quy định như dự thảo Nghị định là là quá rộng, không phù hợp. Bởi vì, việc xác định “có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là vấn đề rất phức tạp, lại phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của nguời thi hành công vụ nên sẽ rất dễ dẫn đến lạm quyền, tùy tiện trong việc nổ súng, gây bất ổn trong xã hội.

Việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng phải dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi chống người thi hành công vụ, hoặc thiệt hại cần ngăn ngừa.

Đối với những hành vi chống người thi hành công vụ quyết liệt, có mức độ nguy hiểm cao, đe dọa xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ, hoặc có thể gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội thì việc nổ súng trấn áp là cần thiết. 

Theo Nguyễn Vũ (Báo Đất Việt)

'Không ai có quyền tước đi sinh mạng người khác'

Thứ 2, 11/03/2013 | 07:22
Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Dự thảo Nghị định 'cho nổ súng' vi hiến và không cần thiết

Thứ 2, 11/03/2013 | 15:42
Nếu Nghị định này được đưa vào sử dụng thì đó là một sự vi hiến, vi phạm pháp luật và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng do việc lạm dụng quyền hạn của những người thi hành công vụ, từ đó, xã hội sẽ bị rối loạn, ông Lê Đức Tiết nhận định .

'Cho nổ súng' có thể không lường trước được hậu quả

Thứ 2, 11/03/2013 | 09:46
“Điều mà tôi quan tâm là dự thảo Nghị định này có tồn tại dưới dạng một Nghị định hay không khi nó xâm phạm đến quyền tự do thân thể của con người, kể cả tính mạng của con người”, ông Trần Quốc Thuận nói.