Người thương binh mù lòa dạy chữ cho học sinh nghèo

Người thương binh mù lòa dạy chữ cho học sinh nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi đôi mắt của thương binh Nguyễn Văn Khoa (trú xóm 2, Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn Nghệ An). Mất đi ánh sáng, tưởng chừng cuộc đời còn lại của mình sẽ là chuỗi ngày nhàm chán thì vô tình ông tìm thấy cho mình một chân lý sống.

Chân lý tàn nhưng không phế của Bác Hồ đã soi đường chỉ lối để ông có một cuộc sống có ích với xã hội.

Lớp học mang tên tình thương

Tâm sự với chúng tôi, ông Khoa cho biết, giờ đây niềm đam mê, trách nhiệm với những học trò nghèo quê mình là cách tốt nhất để ánh sáng tri thức thêm lan tỏa. Trong một lần tình cờ gặp mặt, người đàn ông này kể về những ngày tháng phục vụ tổ quốc ngoài chiến địa.

Xã hội - Người thương binh mù lòa dạy chữ cho học sinh nghèo

Bên cạnh thầy luôn có người trợ giảng

Năm 1965, ông Khoa tham gia nhập ngũ Đoàn 559 binh đoàn Trường Sơn chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Chiến tranh khốc liệt khiến bao người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc. Được biết, trong lúc chiến đấu, tháng 11/1968 tại binh trạm 14, ông bị thương nặng ở mắt. Ngày về cũng là ngày đôi mắt ông không còn nhìn thấy áng sáng.

Sau khi về quê, ông tham gia công tác tuyên truyền viên và hoạt động văn nghệ cổ động tinh thần nhân dân lao động Nam Đàn. Năm 1973, sau bao ngày bom đạn cày xới, người dân quê ông đang tích cực khôi phục chiến tranh nhưng lúc này thông tin cực kì hiếm hoi. “Khi đó tôi được bầu làm tuyên truyền viên chỉ là bắc thang lên cây truyền đạt thông tin cho bà con. Đến khi nhờ gửi hàng liên tục cho Quân khu 4 họ thưởng cho một cái đài và cái loa”, ông Khoa kể. Lúc đó, huyện Nam Đàn thành lập tổ thông tin gồm bảy người phụ trách hai đội. Công việc của ông chủ yếu là biên tập thông tin. Ông cố gắng miệt mà học chữ nổi dành cho người mù với mục đích ghi chép lại thông tin để truyền đạt cho người dân.

Cái đài như người bạn luôn ở bên cạnh người thương binh để nắm bắt thông tin. Ông nói: “Một ngày không nghe, không đọc, không viết thì có ngày mình sẽ tụt hậu. Trước mắt tôi là cả một màu đen tối nhưng trong trái tim ông là cả một chân trời tươi sáng. Tôi luôn lạc quan yêu đời và tin tưởng về một tương lai tươi sáng ở phía trước”. Đến năm 2003, ông hoàn thành nhiệm xuất sắc rồi về hưu.

Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của nó vẫn luôn còn âm ỉ trong từng con người, trên từng mảnh đất. Khi trở về quê hương, nghĩ đến những đồng đội phải nằm lại trên chiến trường lòng ông bứt rứt không yên. Thấy hoàn cảnh các em học sinh trong làng còn nghèo, chủ yếu là con thương binh liệt sỹ không có tiền để đi học, ông Khoa đã nảy ra ý định dạy học miễn phí cho các cháu.

Lúc đầu gia đình ông cũng ngăn cản: Ông mắt mù như thế làm sao mà dạy được chữ. Ông bỏ ngoài tai và cố gắng lên lớp giảng dạy hàng ngày. Người thương binh già cho biết, lớp học tình thương lúc đầu cũng nhiều vất vả, khó khăn lắm. Bắt đầu ít người thì học ở nhà dân. Về sau, người thầy mù dạy luôn tại nhà cho thuận tiện việc đi lại. Không những vậy, khi mới đi dạy, ông Khoa còn bị thiên hạ dèm pha: “Học người sáng mắt còn không được, huống chi học người khiếm thị”.

Do mắt không thấy bảng nên người thầy mù phải nhờ một em học sinh học lực khá nhất lớp làm trợ giảng. Học sinh sẽ đọc đề bài để thầy giáo nghe. Ông lập tức mường tượng, vẽ hình trong đầu rồi hướng dẫn em trợ giảng vẽ lên bảng. Thật lạ kỳ, cách giải và kết quả của ông giống hệt như những người giáo viên trường Trung học cơ sở gần đó. Cứ như vậy, đều đặn mỗi tuần vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, các em học sinh lại đến lớp học của ông Khoa.

Từ khi mở lớp học tình thương đến nay đã có hơn 100 em đến lớp học chủ yếu là học sinh lớp 6 đến lớp 12. Điều đáng mừng là sau khi theo học lớp các em đã tiến bộ rõ rệt. Hầu hết các em đều đạt danh hiệu tiên tiến, có một số đậu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Trong những kì thi chuyển cấp hoặc thi lên Đại học các em đều đạt điểm cao. Đặc biệt là năm 2012 cả lớp tổng số 25 em, trong đó có một em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, năm em giỏi huyện và 15 là học sinh tiên tiến.

Mặc dù chưa qua một khóa đào tạo nào nhưng ngày 30/8/2009, ông Khoa được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng thầy thẻ Nhà giáo. Trong cuộc thi “Nét bút tri ân”, thầy cũng là người được nhận nhiều lá thư cảm ơn và chứa chan những biết ơn của học trò. Với thầy Khoa đó là niềm vinh dự cũng niềm tự hào lớn lao, là động lực để thầy làm tốt hơn niềm đam mê của mình

Chiều ngày 7/7/2012, lớp tình thương được Giám đốc Quỹ Tín dụng Vân Diên, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nam Đàn, UBND xã đến dự giờ và tặng quà động viên thầy trò tiếp tục cố gắng vươn lên.

Xã hội - Người thương binh mù lòa dạy chữ cho học sinh nghèo (Hình 2).

Thầy trò Nguyễn Đăng Khoa được hội khuyến học trao quà tấm gương vượt khó

Người chơi nhạc tài ba

Ông Khoa tâm sự, mất đi ánh sáng, âm thanh trở nên vô cùng quan trọng . Âm thanh âm nhạc, âm thanh báo chí, nó sẽ là một niềm chia sẻ với ông. Trong lúc điều trị ở Bệnh viên Quân khu 4, ông đã cố gắng học đàn violon do một người bạn cùng điều trị dạy. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với một ít vốn liếng văn hóa và khả năng chơi đàn, người đàn ông mù được huyện bố trí phụ trách công tác tuyên truyền. Vui và say mê nhất là thời gian ông hoạt động trên công trường từ (1973 -1993). Mỗi đêm dựng loa đài ở ngoài đồng vừa văn nghệ vừa nắm tiến độ sản xuất. Đội tuyên truyền do ông phụ trách lớn mạnh nhanh chóng và trở thành đội tuyên truyền mũi nhọn thời bấy giờ.

Trau dồi kiến thức bằng đôi mắt của vợ

Được biết, ông Khoa vốn học giỏi từ nhỏ. Tuy nhiên, đến lớp 10 thì ông đành bỏ dở vì bom đạn chiến tranh. “Tuy nghỉ học đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ các kiến thức đã học đặc biệt là ba môn Toán, Lý, Hóa. Môn hình làm tôi say mê nhất vì nó đòi hỏi sự liên tưởng và logic”, người thầy già bảo. Những kiến thức nào quên hoặc mới bổ sung ông Khoa mua sách về bảo vợ đọc và tìm cách giải. Đến khóa thứ hai ông được chính quyền địa phương, Trường Tiểu học Nam Lĩnh đầu tư và bắt đầu hình thành nên lớp học mang tên lớp học tình thương. Lớp học được khai giảng vào đầu hè và kết thúc khi vào năm học mới. Đối tượng lớp học chủ yếu là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con thương binh, liệt sỹ không có tiền để đi học thêm.

Lúc bấy giờ phong trào văn nghệ đang là then chốt động viên người nông dân hăng hái tham gia sản xuất. Nhận thấy ban nhạc phải có một người đánh đàn, một người đánh trống, người thổi kèn... thì phí quá. Nếu một người có thể đảm trách tất cả các nhiệm vụ trên thì sẽ có thêm người trực tiếp lao động. Ông đã nãy ra một ý tưởng cực kì mới lạ, một người cùng lúc có thể sử dụng bốn nhạc cụ biểu diễn.

Người thương binh 1/4 tự mày mò chế tạo một dàn nhạc cho riêng mình. Đàn cầm tay, kèn acmonica gắn trên tay cầm của đàn, chỗ vừa với vị trí của miệng. Chân trái của ông đảm trách nhiệm vụ của một tay trống khi gắn dưới dép một chiếc dùi. Chân phải sẽ có nhiệm vụ đánh xập xèng phụ trợ.

Sau một thời gian luyện tập, các bộ phận cơ thể đã ăn khớp với nhau trong việc điều khiển các nhạc cụ. Khi đã thành thạo, các nốt nhạc cũng hòa quyện vào nhau hơn. Một mình ông làm thay công việc của bốn nhạc công để phục vụ anh em công nhân trên các công trường, phục vụ bà con nhân dân lao động. Người thương binh đa tài này còn được nhận Huy chương Vàng Tiếng hát thương binh, Huy chương Bạc Hội thi toàn quốc vào năm 2003.

Tất cả những điều mà ông làm cho các học sinh và lớp học thật đáng trân trọng., bởi nó xuất phát từ trái tim yêu thương con trẻ. Nhưng có lẽ hơn hết, ông đã truyền cho các em niềm say mê tri thức, lòng can đảm vượt qua mọi khó khăn cuộc đời, mà thầy chính là một tấm gương sáng. Mỗi bài học hôm nay của ông không chỉ có giá trị về kiến thức, mà còn là một bài học về tình nhân ái, bao dung, nghị lực của một con người. Từ lớp học này, các em sẽ nên người, đó là niềm mong mỏi lớn nhất của ông.

Hằng Hà