Theo dữ liệu Conference Board công bố hôm 30/8, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8/2022 đã tăng lên 103,2 từ mức 95,3 trong tháng 7, mức tăng đầu tiên sau 4 tháng.
Sự lạc quan của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố kế hoạch xóa nợ cho cựu sinh viên và phê duyệt Đạo luật Giảm lạm phát.
Chi tiêu của người tiêu dùng, động lực quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế Mỹ, đã duy trì mạnh mẽ ngay cả khi lạm phát Mỹ ở mức cao nhất lịch sử.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Forbes Advisor-Ipsos cho thấy, người tiêu dùng Mỹ đang cố gắng “bóp mồm bóp miệng” từng ngày. Khoảng 35% người được hỏi cho biết, họ đang cố gắng trang trải ít hơn bình thường. Con số này cao hơn 6% so với tháng trước.
“Nhà giàu cũng khóc”
Những người có thu nhập cao nhất chỉ chiếm 20% dân số Mỹ, nhưng lại đóng góp gần 40% tổng mức chi tiêu của người Mỹ trong năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ. Đặc biệt, nhiều dấu hiệu cho thấy người giàu ở Mỹ đang cố gắng chắt lót, đặc biệt là khi họ chứng kiến các khoản đầu tư - từ chứng khoán đến nhà cửa – dần mất giá.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Bank of America (BOfA) đã phát hiện ra rằng tổng các khoản chi bằng thẻ tín dụng của các hộ gia đình kiếm được hơn 125.000 USD/năm đã giảm trong 3 tháng liên tiếp, trong khi vẫn khá ổn định đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn.
Họ đang đang hạn chế mua những mặt hàng không thiết yếu như quần áo vì lạm phát đang buộc họ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn, ông John David Rainey, Giám đốc Tài chính của Walmart (WMT) cho biết. Ông cũng lưu ý rằng khoảng 3/4 doanh thu thực phẩm quý II của Walmart đến từ những hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 100.000 USD trở lên.
Thay vì đến các nhà hàng đắt đỏ, những người có thu nhập cao cũng đang chuyển sang các nhà hàng bình dân hơn như Applebee’s và IHOP, hai chuỗi nhà hàng của công ty Dine Brands.
Doanh thu từ các hộ gia đình có thu nhập trên 75.000 USD mỗi năm của 2 nhà hàng này tăng khoảng 6-8% trong quý II, ông John Peyton, CEO của Dine Brands, cho biết.
Con số này “cho thấy những thực khách trước đây thường xuyên dùng bữa tại các nhà hàng sang chảnh đã chuyển hướng sang Applebee’s và IHOP”, ông Peyton nói.
Omar McGee, chủ sở hữu của Posh Luxury Imports, một đại lý xe hơi và nhà cung cấp dịch vụ cho thuê xe cao cấp ở Los Angeles cho biết, tầng lớp đại gia vẫn thuê những chiếc Lamborghini và Bentley. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch chọn thuê những chiếc xe cao cấp đã giảm đáng kể.
“Nhiều khách hàng thuộc tầng lớp thượng trung lưu đã từng đến đây và vung tiền không tiếc tay, nhưng giờ đây, mọi việc không còn như trước nữa”, ông McGee cho biết.
Thời gian qua, nhiều người Mỹ đã hạn chế đặt vé máy bay, giảm bớt các kế hoạch ăn uống, nghỉ mát, thậm chí cả các dịch vụ thông thường như làm móng, làm tóc và dọn dẹp nhà cửa. Họ cũng tiến hành xây hồ bơi ở sân sau và tự sửa lại những mái nhà cũ kỹ, dột nát thay vì mua mới.
Chi tiêu của cả nhóm người Mỹ có thu nhập cao và thu nhập thấp đều đã giảm, trong những tuần qua, đặc biệt là đối với các dịch vụ, theo một phân tích về dữ liệu thẻ tín dụng của Barclays.
Theo phân tích của Barclays, chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và nhà hàng, vốn đã tăng hơn 30% so với mức năm 2021 trong năm nay, hiện đã giảm xuống còn một nửa.
Người Mỹ “nhịn ăn nhịn mặc” để đề phòng những rủi ro về tài chính. Họ lo ngại Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới nhằm kiểm soát lạm phát, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ.
Những đợt tăng lãi suất khiến người tiêu dùng thêm lo lắng về các khoản vay. Ngoài ra, nỗi lo mất việc làm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng buộc họ phải tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu dè sẻn hơn.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, Forbes, Washington Post)