Người trả lại nguồn gốc thực sự cho gốm hoa lam Chu Đậu

Người trả lại nguồn gốc thực sự cho gốm hoa lam Chu Đậu

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:06
0
Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", cần phải nghỉ ngơi, thế nhưng ông vẫn cần mẫn đi tìm lời giải đáp cho những bí ẩn ở mỗi công trình khai quật. Với ông, làm khảo cổ học cũng như giải toán, song phải "giải toán nguợc" mới tìm được đáp số.

Trở thành nhà khảo cổ học nhờ tự học

Chúng tôi tìm đến nhà của nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành tại TP.Hải Dương giữa một ngày đông giá rét. Phòng khách của gia đình khá đơn sơ, giản dị so với tiếng tăm của ông. Ông được mọi người đặt cho biệt danh "kỳ nhân mộ cổ" bởi bất cứ ngôi mộ cổ nào "rơi" vào tay, ông đều tìm ra lời giải cho những bí ẩn cách đây hàng nghìn năm.

Tăng Bá Hoành sinh năm 1941. Ông đã có hơn 40 năm chuyên làm công tác khảo cổ học. Nhưng ít ai biết, con đường đến với khảo cổ của ông là do tò mò, muốn tìm ra căn nguyên, ngọn ngành những điều mình quan tâm, thích thú chứ không qua trường lớp đào tạo chính quy nào. Khi còn nhỏ, Tăng Bá Hoành phải bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình vì nhà quá nghèo nhưng sự đam mê học hành của ông không hề dừng lại. Ngoài thời gian làm việc, mỗi khi rảnh, Tăng Bá Hoành lại chăm chỉ đọc sách, hỏi bạn bè những điều mình chưa biết. Nhờ sự siêng năng ấy, dù không đi học, ông vẫn theo kịp bạn bè về kiến thức, đặc biệt là môn toán (ngày ấy, ông là một trong số những người đoạt giải trong cuộc thi báo Toán học tuổi trẻ đầu tiên).

Xã hội - Người trả lại nguồn gốc thực sự cho gốm hoa lam Chu Đậu

Nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành.

Xuất thân từ toán học (ông vừa học vừa làm ở trường Lao động thương binh xã hội chủ nghĩa cũ), thấy ông giỏi toán, cơ quan liền cử ông đi học đại học. Vào đại học, ông cứ ngỡ mình sẽ theo con đường toán học với hi vọng sau khi ra trường, sẽ trở thành thày giáo dạy toán. Nhưng "người tính không bằng trời tính", tốt nghiệp đại học rồi, ông lại không làm thầy giáo như dự tính. Năm 1968, ông chuyển sang làm nhân viên kiểm kê ở kho cổ vật của bảo tàng Hải Dương. Quá trình làm việc tại bảo tàng, ông thấy trong lịch sử Việt Nam có vô số điều vẫn còn là bí ẩn, chưa được giải mã... nhưng muốn giải được những điều này, cần có kiến thức về lịch sử, chữ Hán... Biết ông có ý định muốn tìm hiểu, giải mã cổ vật, các đồng nghiệp của ông giúp đỡ rất nhiệt tình. Ngoài thời gian làm việc tại kho cổ vật, ông tìm tài liệu về chữ Hán và tiếng Pháp có trong bảo tàng, thư viện để tự học lại từ đầu (Trước đó, ông đã từng học chữ Hán từ ngày còn bé trong gia đình và tiếng Pháp khi đi học...).

Có thể nói từ ngày làm ở bảo tàng, niềm đam mê khảo cổ học đã "nhiễm" vào ông. Sau nhiều năm tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, năm 1974, ông quyết định thi vào đại học Tổng hợp, chuyên ngành Lịch sử. Trong quá trình học, ông được cử đi nước ngoài, nhưng vì nhiều lí do, ông đã từ chối. Với quan niệm học phải đi đôi với thực hành, sau khi tốt nghiệp, tháng 4/1979, ông bắt tay vào cuộc khai quật ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Đây là cuộc khai quật đầu tiên và đó cũng là cuộc khai quật quan trọng, để lại ấn tượng sâu đậm, đánh dấu tên tuổi của ông trong "làng" khảo cổ học.

"Tôi chọn Côn Sơn để làm cuộc khai quật đầu tiên bởi đây là nơi có rất nhiều di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến những danh nhân lớn: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Pháp Loa..., cần phải khám phá. Có thể nói, cuộc khai quật ở Côn Sơn là cuộc khai quật vô cùng quan trọng và đạt hiệu quả cao không chỉ về khoa học mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị (năm 1980 là năm kỷ niệm Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi). Ngoài một số tài liệu còn sót lại, người ta không biết chính xác nơi Nguyễn Trãi ở, nơi nào là Thanh Liêm động cũng như lịch sử về Côn Sơn...

"Sau một số thành quả thu được, giáo sư Phạm Huy Thông đã đánh giá cao cuộc khai quật này và dành cho tôi nửa ngày để trình bày vấn đề này trong một hội thảo đang diễn ra tại Hà Nội. Có thể nói những thành công chúng tôi thu lượm được ở cuộc khai quật này đã để lại dấu ấn cho tôi trong cuộc đời làm khảo cổ học của mình", nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành tâm sự.

Xã hội - Người trả lại nguồn gốc thực sự cho gốm hoa lam Chu Đậu (Hình 2).

Chân dung nữ tài Bùi Thị Hý.

Mỗi cuộc khai quật là một thử thách lớn

Với nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành, mỗi cuộc khai quật là "một bài toán" mà ông phải tìm ra đáp số bằng mọi cách. Còn nhớ trong lần khai quật Côn Sơn kéo dài 40 ngày, mọi kinh phí cho cuộc khai quật đều là tự túc. Có lúc hết sạch tiền, ông và người bạn hoạ sỹ phải "ăn chực" cơm của nhà chùa. Bên cạnh việc đói kém, hoàn cảnh khai quật lúc ấy cũng vô cùng gian nan bởi chiến tranh. Vừa khai quật, các ông vừa cầm súng chiến đấu... Khổ thế nhưng ông vẫn vượt lên hoàn cảnh để đạt được kết quả cuối cùng. Ông kể: "Ngày ấy khó khăn lắm, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để làm nhưng ai cũng đồng lòng, quyết tâm tìm cho ra đáp án cuối cùng. Không gì "khó chịu" bằng việc bế tắc, không tìm được lời giải cho những bí ẩn nằm sâu dưới lớp đất bụi của thời gian".

Hơn 40 năm làm nghề khảo cổ học, cuộc khai quật tìm và trả lại thương hiệu gốm hoa lam của Chu Đậu cho Việt Nam và "bà tổ" của nó là cả một quá trình gian nan, kéo dài gần 20 năm. Vào năm 1983, hơn 40 bảo tàng lớn trên thế giới lưu trữ gốm hoa lam. Người ta không biết loại gốm này của nước nào, có ý kiến cho rằng nó là của Bát Tràng (Việt Nam), Trung Quốc... Nhờ có Makota Anabuki, nguyên là Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mà gốm hoa lam mới được xác định đúng nguồn gốc xuất xứ của mình. Nhân một lần sang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makota Anabuki đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp tại bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Trên bình gốm có đề: "Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút" (Dịch: Năm Thái Hoà thứ 8 (1840), tại châu Nam Sách, người thợ gốm tên là Bùi Thị Hý tạo ra tác phẩm gốm này). Thấy thế, ông Makota Anabuki đã viết thư cho Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương kể về sự việc trên.

"Có thể nói, lá thư của Makota Anabuk là chất xúc tác giúp chúng tôi tìm ra gốm Chu Đậu. Từ lúc bắt tay vào việc xác định gốm hoa lam thuộc nơi nào của Việt Nam đến khi tìm ra căn nguyên là một quãng thời gian khá dài, gian nan. Bởi sau khi có lá thư kia, chúng tôi tìm về Chu Đậu thì nơi đây lại là làng dệt chiếu. Vô tình phát hiện một nơi có cái tước, con kê..., dấu tích của việc sản xuất gốm, tháng 4/1984, tôi quyết định khai quật. Và thần may mắn đã mỉm cười, trong cuộc khai quật này, chúng tôi tìm được hàng vạn cổ vật gốm. Lúc ấy không có gì làm căn cứ, chúng tôi chỉ đoán nó ra đời sau cuộc kháng chiến chống Minh (căn cứ vào lịch sử), sau này thì chính thức có văn bản để khẳng định".

"Sau khi đã tìm ra gốm hoa lam là gốm của làng Chu Đậu rồi chúng tôi tiếp tục đi tìm chủ nhân của chiếc bình gốm ấy là ai. Sau nhiều dự đoán, tranh cãi chủ nhân là người đàn ông họ Bùi, nhưng tôi nhất quyết khẳng định là của bà Bùi Thị Hý. Bảo vệ quan điểm của mình, tôi lao vào tìm kiếm và tìm ra chứng cứ khẳng định điều ấy là đúng. Cũng trong thời gian ấy, con cháu bà Bùi Thị Hý tìm đến nói nữ tài này có cái tên giống hệt tên của bà cụ tổ nhà họ và nhờ tôi dịch những văn tự cổ họ có. Đó là những tấm vải cổ đã bị cháy một ít được chép lại từ gia phả cổ cách đây một thế kỷ. Mâm đồng có chữ được sao lại từ tấm bia mộ của nữ tài Bùi Thị Hý năm 1502 do chồng bà là Đặng Phúc dựng. 6 năm trôi qua, chúng tôi xác định được nơi đặt bia đá cổ nhưng khi đào lên chỉ thấy nhiều cổ vật đã bị phá huỷ cùng một hòn gạch nung khắc nhiều chữ chỉ dẫn đến khu đất hình nhân, nơi an nghỉ của nữ tài...".

Trong quá trình "trả lại sự thật cho lịch sử", nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành đã trả lại được danh tiếng gốm hoa lam cho Chu Đậu, trả lại danh tiếng cho nữ tài Bùi Thị Hý. Cũng trong quá trình tìm về cội nguồn của nữ tài, ông đã xác định được thân thế của bà và dòng họ Bùi bắt nguồn từ họ Phí (do vua Trần Nhân Tông đổi vì họ Phí xấu).

Người thích "giải những bài toán ngược"

Khảo cổ học là lĩnh vực ngược thời gian để tìm về quá khứ xa xưa thế nên, ông luôn coi mình là "người giải những bài toán ngược". Trong cuộc khai quật ở Côn Sơn, ông giải mã được tháp Huyền Quang - một trong những ngôi tháp cổ, đẹp nhất nhì Việt Nam, Thanh Liêm động (được coi là chỉ có trong truyền thuyết, chưa ai biết hình dáng ra sao) và rất nhiều cổ vật quý khác. Cũng trong cuộc khai quật này, ông xác định được thềm nhà của Nguyễn Trãi, con đường thời Trần đi lên am Bạch Vân và bàn cờ tiên của Trần Nguyên Đán. Bàn cờ tiên chỉ là sự tưởng tượng của dân gian, thực chất nó là một ngọn núi linh thiêng, trên đó có một phiến đá bằng phẳng để "tiên" xuống đánh cờ. Ở đây, nhiều người nhầm lẫn bàn cờ tiên với Thạch bàn (bàn cờ đá) là một, thực chất chúng hoàn toàn khác nhau bởi Thạch bàn gắn liền với nền nhà của Nguyễn Trãi, đây là nơi ông ngâm thơ, suy ngẫm sự đời, đất nước… Cuộc khai quật Côn Sơn lần đầu tiên này đã giúp ông giải quyết được những bí ẩn còn ẩn giấu dưới mặt đất.  

Bình Minh

Đi tìm nguồn gốc men rượu cần Tây Nguyên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Những nghệ nhân làm rượu cần đều là nữ. Theo phong tục, người ta đã kiêng không cho nam giới làm công việc này, vì công việc này cần một bàn tay khéo léo, cẩn trọng. Trong suốt 3 ngày 3 đêm ủ men, những nghệ nhân nữ không được gội đầu, không được giặt đồ.

Nguồn gốc kỳ lạ nấm lim xanh chữa ung thư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
– Năm 2008, người ta đã phát hiện một bài thuốc lạ chữa lành được nhiều trường hợp ung thư, điều trị bằng Tây y gần như đã hết nhiều chứng bệnh nan y khác, phương thuốc đó chính là nấm lim xanh, một dòng linh chi đặc hữu mọc trên cây lim xanh mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh.

Làng gốm xây nhà bằng... tiểu sành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Ở các nơi khác, nghe đến tiểu sành người ta rợn người và nghĩ ngay đến hài cốt, đến chuyện tang tóc. Nhưng tại làng gốm Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) lại có rất nhiều ngôi nhà ở được xây bằng tiểu sành...

Tinh hoa ngàn năm gốm Bát Tràng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Trải qua gần 1 ngàn năm lịch sử, gốm Bát Tràng đã gắn liền với quá trình phát triển của Thăng Long Tứ Trấn. Hiện nay, những người thợ, nghệ nhân gốm trong làng đang từng ngày gìn giữ những bí quyết làm gốm lâu đời và cùng với đó là sự cải tiến để hòa mình, phát triển cùng cơ chế thị trường.