Người vẽ tranh Bác Hồ ngược và sự khổ luyện phi thường

Người vẽ tranh Bác Hồ ngược và sự khổ luyện phi thường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Cho đến thời điểm này, có lẽ anh vẫn là họa sỹ đầu tiên của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung có lối vẽ kỳ diệu ấy.

Niềm đam mê cháy lên từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cùng sự sáng tạo, khổ luyện ròng rã 10 năm trời từng được nhiều người gọi là "điên khùng" đã mở ra cho anh một con đường riêng, chỗ đứng riêng trong nghệ thuật hội họa. Đó là Đoàn Việt Tiến - họa sỹ, kỷ lục gia Việt Nam có biệt tài vẽ tranh ngược trên kính trắng bằng 10 đầu ngón tay.

Lạ & Cười - Người vẽ tranh Bác Hồ ngược và sự khổ luyện phi thườngĐoàn Việt Tiến trong một clip biểu diễn vẽ ngược trên kính.

Say mê vẽ từ thuở thiếu thời

Gặp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ tại quận 12, TP. HCM, khi đã thành danh và phải luôn bận rộn với những đề tài nghiên cứu khoa học của mình, Đoàn Việt Tiến vẫn giản dị, gần gũi, thân thiện một cách lạ lùng.

Từ tốn và nhẹ nhàng anh bảo: "Nhà báo định viết gì? Chuyện đời của tôi ngoài những tháng năm đánh vật cùng gian khổ trong chiến tranh thì không có gì đặc biệt".

Trả lời về khả năng độc đáo đến kỳ diệu trong nghệ thuật hội họa của mình, Đoàn Việt Tiến chỉ xem đó là kết quả của những tháng ngày khổ luyện. Tuy nhiên, cái mà anh gọi là "kết quả của những tháng ngày khổ luyện" lại là một câu chuyện dài thấm đầy mồ hôi, nước mắt và bị không ít người cho là điên khùng.

Đoàn Việt Tiến sinh năm 1961 tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tuổi thơ của cậu bé tên Tiến là những chuỗi ngày gian khổ. Mới lên 4, lên 5, Tiến đã biết đến mùi thuốc súng, biết đến tiếng máy bay, đại bác gầm rú của địch, đã phải cùng gia đình đói rách, dắt díu nhau chạy giặc.

Lớn hơn vài tuổi, cậu bé phải kéo xe củi, bán bánh mỳ kiếm sống. Tuy nhiên, dù lúc khó khăn, gia đình vẫn quyết tâm cho Tiến đi học và cậu học rất giỏi. Những ngày ngồi trên ghế nhà trường, Tiến cùng gia đình, nhà trường nhận ra mình có năng khiếu về hội họa.

Cậu học trò nghèo luôn được chọn là người vẽ tranh cổ động cho trường. Khi ấy, anh hay vẽ những nhân vật lịch sử, những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu...

Lạ & Cười - Người vẽ tranh Bác Hồ ngược và sự khổ luyện phi thường (Hình 2).Bức ảnh vẽ bằng 10 đầu ngón tay được anh Tiến lưu giữ cẩn thận.

Phát hiện ra năng khiếu của đứa cháu nhỏ, nhà văn Đoàn Giỏi đã tích cực kèm cặp và dạy dỗ thêm cho đứa cháu ruột. Từ đó anh nuôi ước mơ vào giảng đường Đại học Mỹ thuật. Cứ như vậy, môn vẽ đi vào trái tim và máu thịt anh lúc nào không hay.

Chia sẻ về những tháng năm cầm cọ, anh nói: "Cũng không hiểu vì sao nhưng tôi mê vẽ vô cùng. Đặc biệt là những đề tài về chiến tranh". Một trong những kỷ niệm của những ngày đầu tiên ấy là khi anh đứng trên cầu Dầu (một cây cầu ở thành phố Mỹ Tho) trông về phía bên kia bờ sông thấy khói lửa, bom đạn xới tung đất cát. Những cảnh tượng khiến ai cũng phải hãi hùng, chạy trốn nhưng anh lại dạt dào cảm hứng và lấy bút chì, say mê cùng những nét vẽ ký họa.

Đến chuyện vẽ ông tiên

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, anh cùng gia đình trở về quê ngoại tại Bến Tre. Lúc này, gia đình Đoàn Việt Tiến đã theo cách mạng. "Ngoại tôi vẫn giấu và nuôi các anh bộ đội dưới hầm trong nhà".

Anh chia sẻ. Biết cậu bé học giỏi, vẽ hay, các anh bộ đội vẫn tìm Tiến trò chuyện và thách thức cậu vẽ ký họa cho mình. Sau những nét vẽ đầu tiên bằng bút chì và than củi trên những trang giấy ố vàng, các anh bộ đội đều ồ lên trong kinh ngạc và ngỡ ngàng. Không một chút gì sai sót với thần sắc và hình ảnh thật của những người được anh vẽ.

Từ đó, một niềm vui mới của cậu bé Tiến là vẽ ký họa cho các anh bộ đội. Thế nhưng, anh không bao giờ nghĩ rằng thời gian này, một cách vô cùng tình cờ lại là những giờ khắc khởi đầu cho hành trình vẽ chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

"Có một lần, sau khi công nhận tôi vẽ rất giống mình, một anh bộ đội rút trong túi áo trước ngực ra một bức ảnh đen trắng đã hoen ố được bọc kỹ trong bịch ni lon và hỏi tôi có vẽ được người này không. Tôi hỏi ông ấy là ai thì anh bộ đội chỉ trả lời "Người là ông tiên". "Ông tiên là ai? ". “Ông tiên làm lãnh tụ”.

Thế rồi anh bảo tôi vẽ cho giống, cho đẹp. Lúc đó tôi không hề biết người trong hình là ai. Nhưng tôi bị cuốn hút bởi đôi mắt rất sáng và bộ râu dài rất đẹp. Tôi cặm cụi vẽ. Đến khi xong, mặc dù tôi không cảm thấy hài lòng lắm nhưng các anh bộ đội ai cũng lặng người đi khi tôi xòe bức hình cho các anh xem.

Không nói một lời, anh bộ đội kia cảm ơn tôi, cẩn thận gấp bức vẽ cùng tấm ảnh, bọc vào túi ni lon bỏ lại vào túi áo. Từ đó, không hiểu vì sao tôi thích và mê vẽ chân dung cụ già ấy. Suốt ngày, mỗi khi rảnh rỗi tôi đều hì hục vẽ "ông tiên". Tôi vẽ nhiều đến nỗi thuộc làu từng nét và không cần nhìn vào ảnh", anh Tiến kể.

Cuối cùng, sau nhiều ngày mày mò, Đoàn Việt Tiến cũng vẽ thành công "ông tiên có đôi mắt sáng và bộ râu dài". Vui, hãnh diện khôn tả, cậu lao vào nhà, cầm theo bức vẽ đến khoe với bố.

Bất ngờ với tài năng của đứa con trai, người cha khuyến khích cậu tiếp tục vẽ nhưng phải giữ gìn cẩn thận và không được để lộ ra ngoài (Hồi đó vùng này còn nằm trong tầm kiểm soát của chế độ Sài Gòn cũ). Tiến cứ tiếp tục vẽ như vậy, mãi đến sau này khi chuẩn bị giã từ quê hương lên đường cứu nước, Tiến mới biết người mình hay vẽ chính là Bác Hồ kính yêu.

Lạ & Cười - Người vẽ tranh Bác Hồ ngược và sự khổ luyện phi thường (Hình 3).Anh Tiến vẽ hai bức hình bằng cả hai tay cùng một lúc.

Năm 1979, sau khi học xong lớp 12, theo tiếng gọi của đất nước, Đoàn Việt Tiến tạm xa ngòi bút để cầm súng bảo vệ Tổ quốc tham gia chiến trường Tây Nam.

Thời điểm ấy, những gian khổ, ác liệt của chiến tranh không làm cùn đi ngòi bút, không làm phai đi tình yêu nghệ thuật hội họa trong anh. ở nơi bom đạn, sống và chết cách nhau trong gang tấc anh vẫn say mê vẽ.

Anh vẽ chân dung đồng đội, lại vẽ Bác Hồ, vẽ ký họa về những trận đánh lớn của mình và đơn vị... Chia sẻ về niềm say mê này anh cho biết: "Tôi có hẳn một tập ký họa về đời lính của mình với hơn 32 trận đánh lớn. Đi đến đâu, tôi cũng vẽ. Tôi vẽ trên vỏ cây tràm, giấy bao thuốc lá, vẽ trên các bức vách của đồng bào bằng than củi, bằng bút chì, bút bi.. . Vẽ cho thỏa niềm đam mê".

Và tuyệt kỹ vẽ ngược kính

Năm 1984 giải ngũ trở về với cương vị anh thương binh, Đoàn Việt Tiến lại vật lộn cùng những gian truân của cơm áo gạo tiền bằng nghề vẽ dạo. Thế nhưng, những tháng ngày "long đong, rong ruổi" tìm kế sinh nhai đó cũng không đong đầy bát cơm gia đình anh. Khách thuê anh vẽ chân dung ngày một ít dần.

Năm 1989, anh bắt đầu chuyển sang vẽ chân dung Bác Hồ với nhiều thể loại. Và đó cũng chính là khởi nguồn của lối vẽ độc đáo một cách kỳ diệu: Vẽ ngược trên kính bằng 10 đầu ngón tay.

Kể lại sự kiện có một không hai này anh cho biết: "Sau một cơn mưa rào, tôi nằm trên võng nhìn ra phía góc vườn thấy ánh sáng hắt lên trên tấm kính những sắc màu lung linh rất đẹp. Tôi nghĩ nếu mình vẽ trên đó, khi lật ngược lại xem chắc sẽ bóng, đẹp hơn rất nhiều".

Vậy là anh hì hục lấy cọ pha màu quệt lên kính. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Cọ vẽ cho nét không đều, lại trơn trượt, màu không bám. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh lóe lên một sáng kiến táo bạo: Vẽ bằng 10 đầu ngón tay. Cứ như vậy, mặc cho sự sáng tạo kỳ dị có một không hai của anh trở thành trò cười cho thiên hạ, anh vẫn kiên quyết rèn luyện.

Mặc cho mười đầu ngón tay anh đau ê ẩm, teo tóp rồi mất cảm giác vì bị bào mòn, Đoàn Việt Tiến vẫn kiên trì với môn nghệ thuật độc đáo đến không tưởng của mình. Cuối cùng, sau hơn 10 năm rèn luyện quên thời gian, mệt mỏi anh đã biến chuyện mà người đời xem là điên khùng, là điều không tưởng thành hiện thực.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Năm 1999, sau hơn 10 năm miệt mài, anh vẽ thành công bức chân dung Bác Hồ đầu tiên bằng cách vẽ ngược kính trắng và tặng cho Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, Bến Tre. Tiếng lành đồn xa, năm 2000 Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM đã mời anh vẽ tranh về Bác. Sau hơn 100 ngày đêm làm việc, anh vẽ được 30 bức tranh với chủ đề về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch.

Sau đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng mời anh vẽ về Bác Tôn. Tại đây, anh vẽ được 9 bức. Rồi tỉnh Bến Tre mời anh về vẽ Bác Hồ với nhân dân lao động, Bác Hồ trong đời thường. Viện Bảo tàng Quân khu 9, Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng mời anh vẽ về Bác. Anh còn vẽ về hòa thượng Thích Quảng Đức, lãnh tụ của Cuba Phidel Castro, nhà cách mạng quốc tế Che Guevara tặng cho Nhà nước Cuba...

Hà Nguyễn - Ngọc Lài