Gặp đệ tử chân truyền của Cửu Long võ đạo

Gặp đệ tử chân truyền của Cửu Long võ đạo

Chủ nhật, 26/05/2013 | 19:14
0
"Cửu Long võ đạo" là một môn phái có tiếng ở Việt Nam từ xa xưa. Nhưng tại đất nước xa xôi và có nền văn minh lâu đời là Pháp thì Cửu Long võ đạo cũng đã có mặt.

 Người khai sáng rộng khắp nền văn hóa võ cổ truyền dân tộc Việt đó không ai khác là võ sư Trần Hoài Ngọc. Không chỉ ông rạng danh trên đất Pháp, mà toàn thể thành viên trong gia đình ông hiện nay cũng lẫy lừng không kém.

Đệ tử chân truyền của Cửu Long võ đạo

Sinh năm 1953 tại Huế, võ sư Trần Hoài Ngọc có niềm đam mê võ từ năm lên 9 tuổi. Năm 12 - 13 tuổi ông tiếp tục theo đuổi niềm đam mê là học thêm võ Taekwondo và võ Bình Định tại Đà Nẵng. Cuối năm 1969, ông vào Sài Gòn sinh sống và học tập. Ông vừa đi làm, vừa đi học thêm võ cổ truyền và học thêm ngành y ở ngoài.

Đối với ngành y ông cũng rất say mê, ông bày tỏ: "Nhìn những thầy thuốc bắt mạch, châm cứu tôi thấy có một cái gì đó huyền bí, cao siêu, tôi mê lắm và muốn học nhưng hầu như thời bấy giờ không có trường lớp để học. Thường nghề y được giữ bí mật trong một dòng họ, theo kiểu cha truyền con nối... không có dạy ra ngoài".

Chính niềm đam mê học thêm ngành y nên đầu năm 1972, ông may mắn có cái duyên trời định. Ông có một người anh đang học đột nhiên bị bệnh ảnh hưởng tới dây thần kinh, ông đưa anh vào chùa (Việt Nam Quốc tự) chữa trị. Trong thời gian ba năm chữa bệnh cho anh trai bằng phương pháp châm cứu ông có may mắn là được các sư trong chùa chỉ dạy.

Nhưng không hẳn ngẫu nhiên cậu bé Ngọc bấy giờ có được cái may mắn đó. Trong ba năm vừa chăm sóc người anh điều trị bệnh ông vừa lau chùi, quét dọn chùa và được các thầy trong chùa thương mến nên tin tưởng giao cho trọng trách là nhổ kim tiêm cho những người bệnh khác đang được điều trị ở đó.

Dần dần, ông được được các sư thầy Nhật Hạnh, Phạm Thành Mai, Hồ Văn Hợi là 3 trong 9 "con rồng" sáng tạo ra môn phái Cửu Long Võ Đạo hết lòng truyền dạy. Học được một thời gian ông về quê nhà ở Huế lấy vợ năm 1976, đến năm 1977 sinh cậu con trai đầu lòng.

Có một thời gian, ông tìm mọi cách để ra nước ngoài. Nhưng thời gian trước những năm 1975 được đi nước ngoài là rất khó. Sau những năm 1975 nhà nước mới có những cơ chế mở rộng, đến tháng 4/1979 nguyện vọng của cậu thanh niên Trần Hoài Ngọc ngày ấy mới được toại nguyện.

Xã hội - Gặp đệ tử chân truyền của Cửu Long võ đạo

Võ sư Trần Hoài Ngọc thời mới sang Pháp (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Luyện võ trong cái lạnh thấu xương

Ông xuất ngoại sang Malaysia ở được 6 tháng, đến tháng 10/1979 ông sang Pháp định cư cho tới bây giờ. Thời gian ở Pháp là những chuỗi ngày gian khổ nhất ông phải trải qua cùng vợ con. Bước chân sang đến đất Pháp với nhiều bỡ ngỡ, ông cùng với vợ và cậu con trai mới được 2 tuổi rong ruổi ở Paris một tháng thì ông được đưa đến ở miền Tây nước Pháp (đó là vùng Nantes Atlantique). Bốn năm đầu định cư nơi xứ người (1979 - 1982) với biết bao khổ cực, lận đận từ anh công nhân, đến anh khuân vác, thậm chí làm lao công quét rác ông cũng đã trải qua...

Với một cơ thể vỏn vẹn 47kg, võ sư Trần Hoài Ngọc đã chống trả với cái lạnh thấu xương trong mùa đông của vùng Địa Trung Hải, có lúc xuống tới âm 150C bằng những đường quyền đã học. Cũng thời gian này ông tra cứu sách báo y học, tìm đến các thầy người Hoa học thêm nội công, dưỡng sinh kể cả Đông y nhằm tăng cường sức khỏe và chữa bệnh cho mình, gia đình cùng những người thân quen.

Võ sư Trần Hoài Ngọc nhớ lại những ngày không có cơm ăn, áo mặc, nhiều người dân ở xung quanh đã cho ông và gia đình cái ăn, cái mặc để chống trả với cái lạnh bên xứ người. Và cũng chính nhờ võ thuật và y học cổ truyền mà ông có được đã giúp ông và gia đình vượt qua những khó khăn.

"Chính học võ, nghiên cứu y học cổ truyền đã giúp tôi lấy lại thăng bằng trong cuộc sống đầy vất vả. Và cũng nhờ đam mê võ thuật mà tôi được nhiều người bản địa yêu mến. Tôi truyền niềm đam mê ấy cho các bạn Pháp, và họ đã giúp tôi mở võ đường để dạy họ và con em của họ", võ sư Trần Hoài Ngọc tâm sự. Từ cái tâm và cái tài của võ sư Trần Hoài Ngọc cho nên họ không những khuyến khích mà còn hỗ trợ phòng ốc cho ông mở võ đường và cho con em đến học.

Ông tâm sự: "Nhớ những ngày đầu ở bên xứ lạ, mọi cái đều thật khó khăn, từ môi trường cho đến cách sống của họ đều khác hoàn toàn so với mình. Nhưng rồi cũng phải thích nghi với hoàn cảnh thực tại vốn mình đã chọn. Và tôi luôn tin tưởng con đường mình đã chọn là đúng".

Dù có vị thế và ảnh hưởng mạnh mẽ trên đất Pháp nhưng võ sư Trần Hoài Ngọc luôn có một ước nguyện là được về quê hương, nơi đã cho ông những tuổi thơ đẹp không thể nào quên. Ông chia sẻ: "Tôi muốn được về nhiều hơn và thời gian ở lại cũng nhiều hơn để mong đóng góp phần nhỏ bé của mình cho người dân nơi mình đã sinh ra và lớn lên". Hơn 10 năm nay, võ sư Ngọc còn sáng lập ra trường Y học võ cổ truyền Việt Nam.

Trường đã đào tạo hàng trăm chuyên viên châm cứu, trong số đó có cả bác sĩ Pháp. Trường cũng đào tạo cho hàng chục huấn luyện viên khí công dưỡng sinh cho Tổng hội Wushu. Ông cũng đã tổ chức đưa sinh viên Pháp qua Việt Nam học thêm lĩnh vực này.

Gia đình võ học có một không hai

Gần như không một gia đình nào có những thành tích võ học như gia đình võ sư Trần Hoài Ngọc. Trong gia đình ông, hầu hết các thành viên đều có "số má", có địa vị trong xã hội và điều đặc biệt đều đạt huy chương vàng về võ trên một đất nước xa xôi gồm toàn những người to lớn hơn mình cả thước, cả vài chục kg. Vợ ông, bà Trần Huệ Khanh đã được ông dạy võ. Sau một thời gian không lâu vợ ông trở thành huấn luyện viên xuất sắc. Bà đoạt HCV quyền thuật Việt Nam năm 1999 tại thành phố Laval nước Pháp, mang huyền đai tam đẳng võ Việt Nam của liên đoàn Karate Pháp.

Người con trai đầu sinh tại quê nhà của ông, David Trần Lâm Phong 36 tuổi - có bằng võ sư và huyền đai tứ đẳng của Liên đoàn Karate Pháp, nguyên HLV võ thuật cho cảnh sát thành phố Nice và Paris. Hiện David là trưởng tràng môn phái của Cửu Long Võ Đạo. Không những thế anh còn là một bác sĩ ngành xương khớp nổi tiếng chữa trị bằng phương pháp châm cứu và bấm huyệt và cũng do người cha truyền dạy.

Người em trai của Phong là Antoine Trần Lâm Tùng 33 tuổi. Antoine đã từng nhiều lần vô địch quyền thuật võ Việt Nam tại Pháp. Delphine có bằng giáo sư Khí công và Thái cực quyền, đương kiêm vô địch Thái cực quyền ba năm liền tại Pháp, hiện là HLV và là thành viên trong đội tuyển Liên đoàn Wushu Pháp. Cô con gái út của ông, Hélène Trần Lâm Kiều 27 tuổi, được cha rèn luyện võ học từ khi mới lên ba tuổi. Hiện cô đã có bằng giáo sư và huyền đai nhị đẳng của Liên đoàn Karate Pháp tổ chức hằng năm.

Từ 10 năm nay, võ sư Trần Hoài Ngọc đã thành lập "Université Y, Võ học cổ truyền Việt Nam" tại Nice. Trường đã đào tạo hàng ngàn châm cứu viên, bấm huyệt, massage phục hồi chức năng trong đó có nhiều bác sĩ và chuyên viên các ngành về y học hiện đại tại Pháp. Hiện nay, ông là thành viên Ban giám khảo của Liên đoàn Wushu Pháp (La Fédération Francaise Wushu Arts Energétiques Martiaux Chinois), ông đã đào tạo hơn 50 HLV khí công dưỡng sinh cho Liên đoàn này.

Năm 2010, ông ký hợp đồng hợp tác cùng trường đại học Quốc tế Hồng Bàng với mong muốn đem tất cả những gì đã học và trải nghiệm suốt bao năm qua trên đất Pháp về y học cổ truyền và y võ dưỡng sinh truyền thụ lại cho lớp trẻ tại quê nhà.    

Vang danh trên đất Pháp

Cũng chính những lựa chọn của võ sư Trần Hoài Ngọc mà sau 9 năm dạy võ, đến năm 1992, tiếng tăm của ông được lan rộng và Cửu Long Võ Đạo phát triển cả vùng Nantes với 6 võ đường, gần 700 võ sinh, hơn 40 HLV trung và cao đẳng. Ông quyết định nhượng lại võ đường vùng Nantes thuộc miền Nam nước Pháp. Ông chuyển sang làm trợ y cho bệnh viện Cannes (thuộc TP. Cannes phía Nam nước Pháp), đồng thời mở hai võ đường tại đây. Năm 1995 ông lại giao các võ đường này cho các học trò quản lý và phát triển môn phái. Ông cùng gia đình dọn về Nice - một thành phố đẹp và thơ mộng của nước Pháp. Từ năm 1996 cho đến nay, ông mở một phòng mạch Đông y trị bệnh và hai võ đường dạy quyền thuật, khí công và dưỡng sinh, thu hút hàng nghìn võ sinh và hàng nghìn bệnh nhân được ông chữa khỏi bệnh.  

Hà Hưng

Đột nhập lớp học đặc biệt của nữ võ sư Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
“Nhiều em không nhìn thấy được mặt cô, có em không nghe được thầy cô nói. Và bệnh tật làm cho trí não các em chỉ dừng lại ở một đứa trẻ lên ba. Thế nhưng tôi yêu thương các em ở niềm đam mê thể thao và sức vươn lên mãnh liệt ở những đứa trẻ không lành lặn.”

Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Không chỉ nổi danh với các chiêu thức võ thuật, võ sư Hồng Long còn có hàng trăm người đẹp “xin chết”.

Võ sư Lý Huỳnh, "sát thủ" đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" nổi tiếng, là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.

Cuộc đời như trong phim của võ sư Lâm Hữu Hội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Học võ, hành tẩu giang hồ, bảo kê các sòng bạc rồi mở lò võ, đào tạo nhiều tay võ sĩ danh tiếng chính là cuộc đời của võ sư Lâm Hữu Hội.