‘Nguyễn Văn Thiệu đã không giết được tôi’

‘Nguyễn Văn Thiệu đã không giết được tôi’

Thứ 3, 30/08/2016 | 16:57
0
Tôi không biết bắt đầu câu chuyện về ông từ đâu: một Chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình và công lý, một Thi sĩ của đau thương và cái đẹp, một Đạo sĩ minh tuệ hay một quan chức Cách mạng trong sáng?

Câu nói trên là của giáo sư triết học Nguyễn Văn Hàm, bút danh Ngũ Hà Miên của nhiều cuốn sách. Khi viết những dòng này là lúc tôi chưa được gặp mặt ông. Chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại nhưng nói theo ông là: "Chúng ta đã có nhau từ vô lượng kiếp". Giọng Quảng Ngãi của ông vang lên thật trong, thật sáng, thật mãnh liệt và chân thành. Nếu chỉ nghe giọng ông thôi, tôi không thể hình dung ông đã từng ấy tuổi và đời ông đã đi qua bao thăng trầm, kể cả cái chết. Hiện ông đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Gia đình ông mở một quán cà phê. Ông, một người nổi tiếng ở Sài Gòn những năm trước 1975 trong các phong trào chống lại chính sách hà khắc của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, chống chiến tranh, một nhà Phật học uyên thâm, một thi sĩ đầy khát vọng. Nay ngày ngày đọc sách triết học, sáng tác văn chương và phụ bán cà phê cho bà vợ. Nhiều lúc tôi mang cảm giác rằng ông như một con chim giấu mình vào cây lá, như một dòng sông giấu mình vào biển cả, như một tuệ sĩ giấu mình trong bụi bặm nhân gian.

Tin cũ - ‘Nguyễn Văn Thiệu đã không giết được tôi’

Ông - một người con xứ Quảng đã và đang sống với tinh thần của một Thi sĩ, Chiến sĩ và Đạo sĩ. Ảnh: VOV.

Tôi thực sự không biết bắt đầu câu chuyện về ông từ đâu và như thế nào. Bắt đầu ông là một Chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình và công lý? Bắt đầu ông là một Thi sĩ của bất hạnh, đau thương và cái đẹp? Bắt đầu ông là một Đạo sĩ minh tuệ? Hay bắt đầu ông là một quan chức Cách mạng trong sáng? Ông là tất cả. Vậy tôi bắt đầu câu chuyện không theo một thứ tự nào cả. Vì đời ông có quá nhiều sự kiện mà tôi lại biết quá ít và không có hệ thống. Ông giống như một tảng băng chìm mà tôi chỉ nhìn thấy cái phần nổi thôi.

Ông gọi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng cậu. Nhưng vì chiến tranh, loạn lạc mà mãi đến năm 1975 ông mới gặp được người cậu của mình. Ông gặp cậu của mình ở TP. Hồ Chí Minh năm 1975 với danh nghĩa một Phó chủ tịch UBND Cách mạng TP. Hồ Chí Minh khi cố Thủ tướng vào thăm thành phố. Nhưng cố Thủ tướng không biết ông là cháu mình. Ông cũng không chịu nói ra quan hệ huyết thống ấy với cố Thủ tướng. Ông nghĩ lúc ấy, cậu mình giữ một vị trí quá lớn của đất nước, mình nói ra có người lại nghĩ mình trục lợi cá nhân gì đây. Người đời thường nói thấy người sang bắt quàng làm họ. Đằng này lại là họ hàng, huyết thống của ông mà ông cũng ý tứ tránh đi. Chỉ khi cố Thủ tướng nghỉ hưu ông mới đến mà thưa: Cậu là cậu của cháu.

Đời này đâu dễ có mấy người như thế. Năm 1977, ông chuyển sang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Năm 1985 ông làm Phó ban Tôn giáo thành phố kiêm Chủ bút báo Giác Ngộ của Hội Phật giáo Việt Nam cho đến năm 1990. Trước năm 1975, ông từng là dân biểu của Chính quyền Sài Gòn trong 5 năm với chức vụ Phó Chủ tịch Hạ viện. Tại sao một dân biểu của chính quyền Sài Gòn lại làm đến chức Phó chủ tịch UBND Cách mạng. Có người hỏi: ông có phải là một Việt Cộng nằm vùng không? Không! ông chỉ là một người yêu nước chân chính và hành động hết mình vì tình yêu ấy.

Năm 1955, ông về Quy Nhơn để chuẩn bị ra tập kết ở miền Bắc. Nhưng rồi ông lại không đi. Tôi hỏi ông vì sao nhưng ông không nói mà chỉ đọc một bài thơ rất buồn. Năm 1960, ông tốt nghiệp Đại học Huế. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn dạy triết học ở Trường Chu Văn An và Đại học Vạn Hạnh. Năm 1971, ông tham gia tranh cử dân biểu đối lập trong chính quyền Sài Gòn. Việc ông trúng dân biểu đối lập không phải là chuyện đơn giản. Những buổi đi tiếp xúc cử tri, ông không ba hoa hứa hẹn sẽ làm cái này cái nọ cho nhân dân mà hầu như chỉ đọc bài thơ Nói với bé. Bài thơ ấy là tiếng kêu đau đớn về một đất nước bị cắt chia, bị chiến tranh tàn phá, bị đàn áp bất công, một đất nước ngày đêm máu chảy... Bài thơ ấy thật giản dị. Nhưng đó là uy quyền của ngôn ngữ thi ca vang lên với nỗi đau đớn và khát vọng của nhân dân. Ông đã trúng cử.

Người dân bầu cho ông vì ông đã đứng về phía nhân dân cần lao chống lại độc quyền, chống lại tham nhũng, chống lại bất công và chống lại máu chảy. Người dân bầu ông vì ông mang giọng nói tinh thần của nhân dân. Trong việc bầu bán thời đó ông nói chính quyền Thiệu cũng có bao trò gian lận để loại kẻ không có lợi ra ngoài. Nhưng cuối cùng ông vẫn trúng. Nhân dân luôn luôn vị tha chứ không phải chịu khuất phục các chính phủ độc tài và dù trong cả lúc im lặng, thở dài thì nhân dân vẫn nhìn thấy tất cả. Lịch sử luôn luôn chứng minh điều ấy.

Khi trở thành dân biểu, ông cùng những người yêu nước lập ra Mặt trận Nhân dân cứu đói. Đây là một tổ chức nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc lúc đó. Những người sống ở Sài Gòn thời đó không thể nào quên được cuộc biểu tình khổng lồ với hàng vạn người tham gia ngày 1/10/1974. Cuộc biểu tình mà ông là một thành viên vô cùng quan trọng đã tổ chức và điều hành có tên Ký giả ăn mày. Có lẽ đây là cái tên độc nhất vô nhị của những cuộc biểu tình diễn ra trên thế giới. Báo chí Sài Gòn và phương Tây thời đó nói nhiều về cuộc biểu tình này.

Có cuộc biểu tình ấy bởi vì thời gian đó, Nguyễn Văn Thiệu đã sợ hãi báo chí nói lên sự thật thối nát của chế độ mà y là người đứng đầu và ra sắc lệnh 007 đóng cửa và thiêu hủy rất nhiều báo chí. Các nhà báo và nhân dân yêu chuộng công lý đã xuống đường. Ngày 17-10-1974, ông tổ chức cuộc biểu tình lớn thứ hai ở miền Trung chống lại tệ tham nhũng của chính quyền và quân đội Sài Gòn.

Tham nhũng hồi đó thật khủng khiếp. Chính tham nhũng đã ăn ruỗng cơ thể của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Ông bảo hồi ông là dân biểu, mỗi khi Quốc hội họp để quyết định thu của dân một đồng hay chi tiêu một đồng trong ngân sách là việc vô cùng kỹ lưỡng. Thế mà, những kẻ có quyền chức hồi đó đã câu kết với nhau để tham nhũng những số tiền khổng lồ. Tham nhũng chính là một hình thức bóc lột nhân dân một cách tinh vi nhất.

Ngày 11/11/1974, khi ông đang đi vận động các văn nghệ sĩ trẻ chống chiến tranh thì bị một chiếc xe hơi bám theo và sau đó lao thẳng vào ông. Chiếc xe máy ông đi nát tan tành. Cơ thể ông cũng dập nát, áo quần sũng máu. Sau này ông biết chính quyền Thiệu đã tìm cách ám sát ông. Vậy mà ông không chết. Cho đến bây giờ ông cũng không hiểu vì sao ông không chết vì vụ tai nạn đó.

Trong thời gian nằm viện, ông đã viết thư gửi tổng thống Mỹ để lên án sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và phản đối cuộc chiến tranh tàn bạo đang diễn ra trên xứ sở này. Cơ quan mật vụ của Thiệu đặt câu hỏi nếu ông không là Cộng sản nằm vùng thì tại sao lại luôn luôn hoạt động chống chính quyền Sài Gòn như thế. Ông nói thường một dân biểu phải ăn nhậu và tìm cách kiếm tiền. Nhưng ông đã chống lại điều đó.

Trong một bài báo của cố nhà báo Huỳnh Bá Thành, nguyên Tổng biên tập Báo Công an TP. Hồ Chí Minh sau này, in trên tờ Điện tín (ra ngày 19/12/1974) với nhan đề: Nguyễn Văn Hàm, sống như một "Người" có đoạn viết: " Nguyễn Văn Hàm năm nay mới 44 tuổi. Anh vào Hạ viện ba năm. Ba năm để đủ anh làm giàu, phè phỡn nếu anh nhắm mắt làm ngơ, giơ tay, cúi đầu làm nghị "gật". Ba năm của Nguyễn Văn Hàm không là ba năm phè phỡn. Nay anh Hàm là "phế tích" của một thời kỳ. Đó là một người "xui xẻo" và phải trả giá. Nhưng mãi mãi người ta sẽ không quên. Và mãi mãi Nguyễn Văn Hàm thấy con đường mình đi là con đường của dân tộc này. Điều đó đã quá cho một đời ngời với lương tâm trong sáng".

Chính quyền Sài Gòn nghĩ một dân biểu như ông lại sống đạm bạc và lại luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào đấu tranh cho hòa bình và công lý với quá nhiều bất trắc, hiểm nguy thì rất dễ là một Cộng sản nằm vùng. Chính quyền Thiệu không thể bắt ông vì không có tài liệu nào chứng minh ông là Cộng sản. Hơn nữa ông là dân biểu cho nên có quyền bất khả xâm phạm.

Họ - những kẻ cầm quyền không hiểu được một điều là: con người ông là sự tụ hội của ba con người: Thi sĩ, Chiến Sĩ và Đạo sĩ. Thi sĩ là đại diện cho cái đẹp. Chiến sĩ là đấu tranh cho lẽ phải và hòa bình còn Đạo sĩ là sống thanh bạch. Ba con người ấy chính là Chân, Thiện, Mỹ. Người như vậy không màng đến danh lợi, không khiếp sợ trước bạo quyền, luôn luôn ngợi ca, bảo vệ cái đẹp của con người và đời sống.

Chính vì là một con người như thế mà ông đã đi qua được mọi thăng trầm của lịch sử cũng như của cuộc đời. Đi qua mà không sợ hãi, không kêu than, không tiếc nuối. Ông không phải trốn chạy phía này hay trốn chạy phía khác. Ông hiểu được đạo đời và ông đi theo con đường đó. Sau ngày 30/4/1975, ông Mai Chí Thọ đã đến thăm gia đình ông và gợi ý ông ra tham gia Chính quyền Cách mạng. Ông không nhận.

Trong thư viết cho tôi, ông kể: "Sau 30/4/75, không khí ở Sài Gòn rất căng thẳng. Anh Mai Chí Thọ tới thăm nhà, gợi ý mình tham gia một quan chức ủy ban. Mình ngại, nhưng phải nói thật, hồi ấy mình còn sợ, không dám từ chối, chỉ làm thinh. Lần thứ hai, anh Nguyễn Văn Hiếu tới, mình mới dám nói: Hồi nào giờ tôi chỉ đi dạy và làm thơ vớ vẩn, đâu có quen làm chánh quyền".

Chiến tranh đã kết thúc, ông muốn được sống trong yên tĩnh để tiếp tục đọc những cuốn sách của nhân loại mà ông chưa đọc được và viết những gì ông đã trải nghiệm và vang động trong tâm hồn ông. Lúc này, ông muốn làm một Thi sĩ và một Đạo sĩ. Nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu (sau này làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa) nói rằng phương Tây tuyên truyền Cộng sản vào thành phố sẽ tắm máu dân chúng đặc biệt là những ai đã làm việc cho chính quyền Sài Gòn. Vậy nếu ông tham gia, mọi người Cộng Sản không dữ như địch tuyên truyền... thì có lợi cho đất nước hơn. Chính vì lý do ấy mà ông nhận lời Cách mạng. Lúc đó, con người Chiến sĩ trong ông đứng dậy và lên đường như ông đã từng lên đường.

Đã hơn nửa thế kỷ nay ông nghiên cứu Phật giáo. Tôi hỏi ông: Vậy cuối cùng ông đã tìm thấy gì trong giáo lý nhà Phật? Ông cười: Không có gì cả. Không có gì cả nghĩa là có tất cả, phải không?

Một lần gọi điện thoại cho ông, tôi hỏi ông còn mang những nỗi buồn gì trong cuộc đời này? Ông im lặng một lát rồi nói với tôi về cuốn sách ông đã viết xong mà chưa có dịp xuất bản. Cuốn sách mang tên Bão Loạn. Cuốn sách kể về những năm tháng đã đi qua đời ông từ năm 1940 đến bây giờ mà ông là một chứng nhân của thời đại đó. Tôi chưa được đọc bản thảo cuốn sách đó. Nhưng tôi có thể hình dung ra cuốn sách đó. Trong một lá thư sau đó gửi cho tôi, ông viết: "Đất nước này sẽ còn nhiều kỳ ảo, không phải nhờ... mà vì đất nước này, do sự huyền nhiệm của lịch sử, đã có những con người... Lúc nào chúng ta cũng mê say, mê say cái đẹp, mê say lẽ phải và mê say điều thiện. Chúng ta luôn rõ, trong con người chúng ta vẫn có những con thú đấy, nhng không mặc cảm vì nó, chúng ta bình thản sống cuộc đời thường, vẫn ăn, ngủ, bài tiết, ân ái như mọi sinh vật khác, nhưng trong con người chúng ta, cao hơn tất cả và trùm lên tất cả là Chân, Thiện, Mỹ...". Chính vì thế mà ông đã và đang sống với tinh thần của một Thi sĩ, một Chiến sĩ và một Đạo sĩ.

Lê Thị Trang