Nhà mạng

Nhà mạng "ép" CSP phải spam tin nhắn rác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Quan hệ giữa các nhà mạng và các doanh nghiệp CSP như "chủ nô và người làm thuê". Sự chèn ép từ các nhà mạng đã khiến các CSP phải tìm cách phát tán tin nhắn rác nhằm đạt được mức doanh thu tối thiểu, bất chấp quy định của pháp luật.

Sức ép doanh thu

Ông Nguyễn Thành Trung, phó trưởng phòng cấp phép và thị trường, cục Viễn thông, bộ Thông tin - Truyền thông nhận định, các doanh nghiệp CSP sau khi thuê đầu số từ các nhà mạng đã phải bỏ ra chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền phần mềm, game, âm nhạc, quảng cáo dịch vụ… nhưng chỉ được hưởng doanh thu, lợi nhuận thấp, nhiều khi thu không đủ bù chi. Chính vì vậy, CSP mới tìm cách phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ của mình thu hút người sử dụng.

Công nghệ - Nhà mạng 'ép' CSP phải spam tin nhắn rác

Các nhà mạng quy định tổng doanh thu tối thiểu trên toàn bộ các số truy cập của CSP là 30 triệu đồng/tháng. Do vậy, để không bị chấm dứt hợp đồng, các CSP đã tìm cách phát tán tin nhắn rác nhằm đạt được mức doanh thu tối thiểu. Một vấn đề khiến các CSP "tốc lực" phát tán tin nhắn đó chính là do sức ép về doanh thu.

Ngoài ra, các CSP còn gặp khó khăn khi chính các nhà mạng cũng tham gia cung cấp dịch vụ nội dung. Do các nhà mạng có quyền tự chủ về hạ tầng, các CSP rất khó và hầu như không thể cạnh tranh được với các nhà mạng khi cùng cung cấp dịch vụ tương tự.

Ông Trung ví mối quan hệ giữa các nhà mạng và các CSP như "chủ nô và người làm thuê". Sự chèn ép từ các nhà mạng đã khiến các CSP xoay xở mọi cách để kinh doanh, bất chấp quy định của pháp luật.

Nhà mạng cũng là đối tượng bị chỉ trích khiến tình trạng tin nhắn rác diễn ra tràn lan vì thiếu sự quản lý chặt chẽ với các thuê bao di động trả trước. Các CSP dễ dàng mua được sim di động trả trước đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao với số lượng lớn để phát tán tin nhắn rác.

“Thực trạng quản lý viễn thông hiện nay như người đang ốm, cần đưa đến bác sĩ khám và chữa trị. Nhưng trong thời gian tới thì phải tìm cách nuôi dưỡng cho béo khỏe. Và để tương lai tươi sáng này thành hiện thực, chúng ta phải tạo điều kiện cho CSP trong việc chủ động kinh doanh, phát triển dịch vụ.

Cụ thể là bộ Thông tin - Truyền thông thu hồi đầu số dịch vụ nhắn tin ngắn, cấp trực tiếp cho các CSP thay vì để các doanh nghiệp viễn thông cho thuê, như vậy sẽ hợp tác kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy cạnh tranh giữa các CSP.

Bên cạnh đó là áp dụng nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các CSP trong đàm phán kinh doanh; quản lý theo hướng đảm bảo công bằng, hợp lý và áp dụng bình đẳng với các CSP; công khai, minh bạch hóa giá cước...", ông Trung đưa ra giải pháp.

Nhà mạng đau đầu?

Về vấn đề quản lý tin nhắn, cả hai nhà mạng sở hữu số lượng thuê bao đông đảo nhất là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đều đồng tình với các phương án ngăn chặn tin nhắn rác. Thậm chí, nhà mạng sẵn sàng từ bỏ doanh thu "khủng" do tin nhắn rác mang lại.

Ông Nghiêm Phú Hoàn, phó tổng giám đốc VNPT cho biết, Tập đoàn này cũng đang áp dụng giải pháp kỹ thuật tương tự. Hệ thống phần mềm phát hiện thư rác này do VNPT tự phát triển và cũng chặn tin nhắn theo từ khóa hoặc tần suất nhắn tin. Thực tế, từ đầu tháng 6/2011, VNPT đã xây dựng được hệ thống báo cáo trực tuyến các trường hợp phát tán tin rác từ đầu số dịch vụ đến các thuê bao. Nhờ đó, việc spam bằng đầu số đã được hạn chế nhưng đối tượng lại lập tức xoay sang phát tán tin nhắn rác từ sim trả trước.

Tháng 10/2011, VNPT tiếp tục xây dựng hệ thống phát hiện tin nhắn rác từ sim trả trước. Kết quả là lượng tin rác đã giảm mạnh từ hàng triệu tin/ngày ở thời kỳ đỉnh cao xuống còn vài chục tin/ngày. Thế nhưng đến tháng 5/2012, các đối tượng lại chuyển sang spam qua Tổng đài 1900.

Tháng 7 có thể coi là thời gian cao điểm với 1 triệu tin/ngày. Đến tháng 9, VNPT mới hoàn thiện được hệ thống anti-spam cho Tổng đài 1900 thì hình thức spam lại xoay sang đường link wappush với cao điểm 2 triệu tin nhắn/ngày. Trong đó rất nhiều đường link dẫn tới các nội dung đồi trụy.

Hiện Viettel đang áp dụng một hệ thống SMS anti-spam và đã kiểm soát được khoảng 60% SMS. Trong thời gian tới, mạng này sẽ tiến hành nâng cấp các hệ thống còn lại trong mạng để nâng tỷ lệ kiểm soát lên 100%. Cơ chế của SMS Anti-spam là lọc từ khóa trong tin nhắn và giới hạn số SMS được gửi tối đa trên mỗi phút.

Nhà nước sẽ quản đầu số nhắn tin để "xử" nạn tin rác

Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác (là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP - PV) mới đây, yhứ trưởng bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết:

“Thời gian tới, để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, phát triển dịch vụ nội dung, bộ TT&TT sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện nghiêm túc, sâu rộng các quy định đã ban hành.

Bộ TT&TT sẽ xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các doanh nghiệp CSP như hiện nay và có cơ chế đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển".

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, CSP, CP (doanh nghiệp nội dung không sở hữu đầu số - tên gọi trước đây là SubCP - PV)... rà soát và loại khỏi hệ thống, cơ sở dữ liệu các trò chơi không rõ nguồn gốc, có yếu tố lừa đảo, đồi trụy, mê tín dị đoan, cờ bạc, lô đề hay dự đoán trước kết quả xổ số.

Khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, bình chọn trên tryền hình... phải cung cấp thông tin liên tục, rõ ràng về giá cước; trong đó thông tin về giá cước không bị trôi, chạy khi quảng cáo trên truyền hình, phải có lời thoại thuyết minh về giá cước. "Các CSP, CP cùng với doanh nghiệp di động thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu đầy đủ, an toàn trong vòng ít nhất 1 năm theo quy định tại Nghị định 77/2012/NĐ-CP", thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.

Đỗ Huệ