Nhiều vụ thu hồi đất như 'cưỡng bức người dân'

Nhiều vụ thu hồi đất như 'cưỡng bức người dân'

Thứ 2, 14/01/2013 | 14:18
0
Theo luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, giá đất do Nhà nước quy định vừa 'trái với Hiến pháp', vừa đi ngược với quy luật thị trường. Bài viết của chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ.

> Luật sư trên báo Người đưa tin

Muốn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, điều tất yếu là phải có đất để xây dựng các khu công nghiệp; xây dựng các khu đô thị. Đất đai là loại tài sản đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Song, Nhà nước quản lý không có nghĩa là dân không có quyền gì. Trái lại, khi người dân có đủ điều kiện được Nhà nước giao quyền sử dụng đất.

Luật sư - Nhiều vụ thu hồi đất như 'cưỡng bức người dân'

Theo chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội, việc Nhà nước quy định giá đất là phạm luật. Ảnh minh họa

Quyền sử dụng đất của người dân được pháp luật quy định rõ, có quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng, quyền thừa kế, quyền thế chấp. Những quyền này là quyền hợp pháp của người dân phải được Nhà nước và pháp luật bảo hộ như quy định trong Hiến pháp. Chính vì lẽ đó, đường lối của Đảng đã đề ra, khi thu hồi đất, phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân bị thu hồi đất và lợi ích của nhà đầu tư. Song, rất tiếc, xưa nay quan điểm ấy đã không được áp dụng một cách đúng đắn.

Nhiều trường hợp chỉ thiên về thu hút vốn đầu tư vô điều kiện, dẫn đến việc lợi dụng quyền lực nhà nước, cưỡng bức người dân phải từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư gấp trăm nghìn lần.

Cách làm trái quan điểm của Đảng, là nguồn gốc gây ra tệ nạn tham nhũng và gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài. Nhiều trường hợp đã đẩy người dân lương thiện trở thành kẻ phạm tội “gây rối trật tự” hoặc “chống người thi hành công vụ”.

Tình trạng này đã làm ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh, uy tín của Đảng, của Nhà nước Việt Nam.

Thiết nghĩ, việc sửa đổi và bổ sung một số điều Luật Đất đai lần này, cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Bác Hồ,” việc gì có lợi cho dân, khó mấy cũng làm bằng được” và quan điểm bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư cần phải được quy định cụ thể trong luật.

Theo suy nghĩ của tôi, đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 1993.Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Và, chỉ trong trường hợp này Nhà nước mới quy định giá đất, để đền bù khi giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, mọi trường hợp thu hồi đất ngoài 4 mục đích quy định tại Điều 39 nói trên, Nhà nước không quy định giá đất, kể cả nhà đầu tư là doanh nghiệp một thành viên của nhà nước.

Nhà nước quy định giá đất, bắt buộc người dân đang có quyền sử dụng đất phải giao đất theo giá Nhà nước quy định là vi phạm Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định Nhà nước và pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người dân đang có quyền sử dụng đất hợp pháp lại bị tước bỏ để cho người khác sử dụng kiếm lời gấp trăm nghìn lần. Như vậy, quyền công dân quy định trong Hiến pháp đã bị vi phạm.

Hơn nữa, việc Nhà nước quy định giá đất là trái với quy luật kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường,giá cả do quy luật cung cầu quyết định. Nhà nước mà trực tiếp là chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giá đất cho cả một vùng, cả một năm sao phù hợp với thực tế. Chỉ trong một khu đất nhà đầu tư muốn có để thực hiện chủ trương kinh doanh cũng không thể có giá đồng nhất như nhau.

Thửa đất người ta đã đầu tư, tôn tạo phải có giá trị hơn thửa đất chưa tôn tạo. Thửa đất người ta đang trồng hoa, trồng cây cảnh, có giá trị thu nhập gấp nhiều lần so với thửa đất trồng khoai, cấy lúa. Thế mà quy định giá thống nhất sao có thể phù hợp? Khi có người không tuân theo điều vô lý đó sẽ trở thành kẻ phạm tội “ chống người thi hành công vụ “ hoặc “gây rối trật tự”.

Một dẫn chứng cụ thể, Hà Nội quy định giá đất cao nhất có 81 triệu/ m2. Nhưng thực tế, giá thị trường, diễn ra hàng ngày là 800 - 900 triệu/m2. Vậy quy định có giá trị gì?

Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn trên đây, đề nghị Quốc hội bỏ việc giao cho Nhà nước quy định giá đất, trừ 4 trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 39 Luật đất đai năm 1993. Khi nhà đầu tư cần có đất để xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian hoà giải nhằm bảo đảm quyền lợi của người có đất đang sử dụng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện được đề án kinh doanh của mình.

Nhà nước không quy định giá đất, không áp dụng biện pháp thu hồi đất cho các do doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp của nhà nước.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn: Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Tựa đề và trích dẫn do Tòa soạn biên tập.

Người đưa tin Luật sư, diễn đàn bảo vệ pháp chế XHCN

Thứ 3, 19/02/2013 | 17:45
Báo Người đưa tin cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam, diễn đàn online chính thức của giới luật gia Việt Nam.Từ hôm nay, báo có chuyên mục Luật sư với tên gọi Người đưa tin Luật sư

Trường đại học luật nước Mỹ thăm báo Người đưa tin

Thứ 6, 04/01/2013 | 22:37
Sáng 4/1/2013 tại Hà Nội, ĐH Luật John Marshall (The John Marshall Law School) của Mỹ đã thăm và giao lưu với báo điện tử Người đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Hội Luật gia Việt Nam.

Có những luật sư còn thiếu đạo đức nghề nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Minh Tâm phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong cuộc hội thảo vừa diễn ra hôm qua tại Hà Nội.