“Chẻ nhà” bán dần, nhà to thành siêu nhỏ

Ngọc Lài

Đời sống khó khăn, nhiều hộ dân sống ở khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) chọn cách “chẻ nhà” bán dần. Đa số nhà trong khu vực đều được chủ nhân chẻ đôi, chẻ ba… biến ngôi nhà rộng 6m thành nhà siêu nhỏ chỉ rộng từ 1 - 2m. Bên trong những ngôi nhà như thế lúc nào cũng có khoảng gần chục người sinh sống, già trẻ, lớn bé như cá mòi chen chúc nhau mà “ngụp lặn” trong không gian chật hẹp.

“Chẻ” nhà to thành nhà siêu nhỏ

Luồn lách qua những hàng quán ven con hẻm 245 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM), chúng tôi vào được khu vực trung tâm của xóm nhà siêu nhỏ Mả Lạng khi đồng hồ điểm 9h sáng. Những ngôi nhà có diện tích siêu nhỏ dưới 20 m² trong khu vực Mả Lạng nằm rải rác ở các con hẻm 245/79, 245/83, 245/69… Những con hẻm nhỏ, tối tăm nằm song song, cách nhau qua các dãy nhà nhỏ. Hẻm nhỏ, người đi bộ lách vai nhau mới không đụng trúng, xe máy phải nép sát vào tường nhà để nhường nhau đi tiếp.

Những dãy nhà nhỏ san sát như nhà trọ nhưng đông đúc hơn, ồn ào hơn và cư dân trong hẻm đều biết nhau. Người bên nhà này biết nhà kia có chồng mới mất, làm nghề gì sinh sống, đói no ra sao. Người sống ở hẻm 245/79 biết cụ bà sống ở hẻm 245/83 khó khăn trăm bề. Cả xóm quen mặt, hỏi thăm nhau, người đi làm kẻ đi chợ mới về. Bên trong nhưng căn nhà siêu nhỏ, trẻ con ôm điện thoại chơi game, xem ca nhạc, người lớn thì chộn rộn chuẩn bị ra đường.

Ấy vậy, giữa nhộn nhịp của ngày mới, dưới những ngôi nhà rộng 1-2m, những cụ già chống cằm thở dài, những người vợ trẻ loay hoay chuẩn bị bữa sáng trong không gian quay tới quay lui đều đụng tường, đụng người. Những ngôi nhà hẹp như một góc hành lang nhỏ, không bàn ghế, giường ngủ, nhìn vào chỉ thấy chiếc bàn thờ được kê trên cao. Những chiếc thang gỗ cũ kỹ được gác tạm vào tường, tạo ra những gian phòng nhỏ ở phía trên.

Những ngôi nhà siêu nhỏ trong các con hẻm trên đường Nguyễn Trãi.

Nhắc đến nguyên nhân hình thành những ngôi nhà siêu nhỏ trong khu phố, bà Phan Phương Tiến, Trưởng khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, cho biết: “Hồi đó, nhà trong khu vực cũng to nhưng sau này, chủ nhà ngăn ra bán dần, thành ra nhỏ như hiện tại. Nhà có nhiều thành viên cùng chung sống với nhau. Những ngôi nhà nguyên thuỷ có chiều ngang 6m, chiều dài 4m. Ban đầu, nhà dựng tạm bằng phên nứa. Sau này, cuộc sống người dân khá dần lên, họ mới thay vách nứa bằng tường, gạch. Ở đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề buôn bán, buôn thúng bán bưng, thời nào thức đó, lao động phổ thông”.

Theo bà Tiến, nhiều ngôi nhà chỉ rộng 6m nhưng chủ nhà chia thành 3 căn, mỗi căn ngang 2m để bán lại cho người khác. Từ đó, những con hẻm của khu Mả Lạng xuất hiện nhiều nhà diện tích nhỏ. Tại đây, nhà 2 - 3m² chiếm đa số. Nhà nhỏ nhưng cuộc sống của đa số người dân không quá khó khăn, còn số nào khổ thì lại nghèo đến không tả nổi. Hiện nay, thực tế, 70% người dân tại đây đã có nhà ở nơi khác, có thể rộng rãi, khang trang hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ vẫn quyết bám trụ trong những ngôi nhà nhỏ hẹp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm 80 trở về trước, tình hình an ninh trật tự tại khu vực Mả Lạng rất phức tạp. Sau đó, qua chuyển hóa địa bàn, cơ quan chức năng đã giúp an ninh trật tự địa cải thiện rõ rệt. “Theo tôi được biết, khu vực này là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự của TP.HCM. Tuy nhiên, hiện tại, tệ nạn mua bán dâm đã không còn, buôn bán ma tuý đã giảm đến 95%, trộm cắp cũng không còn. Bà con để xe ngoài hẻm do nhà chật chội, không có chỗ đậu nhưng cũng không bị mất trộm”, bà Tiến cho biết.

“Kiêng” chuyện vợ chồng từ năm này qua năm khác

Trò chuyện với một số hộ dân sống ở các con hẻm nhỏ trong khu Mả Lạng, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống khổ không thể tả của một vài hoàn cảnh đặc biệt. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (69 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh) ngồi xe lăn chuẩn bị đi bán vé số, tâm sự: “Nhà tôi có 9 người ở trong diện tích 1,5 m². Nhà có 3 gác. Mỗi ngày, tôi đi bán vé số để kiếm tiền nuôi con gái bị tâm thần, 4 đứa cháu. Tôi ở đây đã lâu, còn những đứa con khác phải đi mướn chỗ khác sinh sống. Cả 9 người sống chung nhưng chỉ có một nhà vệ sinh nên cứ lần lượt chờ nhau. Bởi vậy, tôi đi bán thường rất muộn”.

Cụ Lan đều đặn mỗi ngày 2 giờ đồng hồ ngồi may, sửa quần áo thuê kiếm sống.

Không phải đội nắng dầm mưa như ông Ẩn, cụ Nguyễn Thị Lan (79 tuổi, ngụ cùng khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh) cho biết, ở tuổi này, bà vẫn phải may vá để có vài nghìn mua gạo. “Tôi sống ở đây từ năm 1982 đến giờ. Trước đây, nhà tôi không nhỏ như hiện tại mà bao gồm cả căn liền kề. Sau này, tôi khổ quá nên chia làm 2 rồi bán cho người ta một nửa. Sống trong căn nhà chật hẹp như thế này rất khó khăn, ngột ngạt nhưng tôi cũng phải chịu, ở mãi cũng thành quen”.

Trong ngôi nhà nhỏ bé của cụ Lan có đến 7 người cùng sinh sống, người nào cũng cố gắng làm lụng nhưng đều thiếu trước hụt sau. “Tôi ở nhà may sửa đồ thuê ngày kiếm từ 5.000 - 10.000 đồng. Mỗi ngày, tôi chỉ làm 2 giờ đồng hồ, ngồi lâu đau lưng chịu không thấu. Khổ nỗi, ngày nào khách không đến lấy quần áo thì coi như tôi cũng không có được 5.000 đến 10.000 đồng mua gạo. Nhà này, những ngày nắng nóng thì rất khó chịu. Tôi già yếu không trèo lên gác được nên ngủ dưới này, con cháu ngủ ở trên”, cụ Lan thủ thỉ vài lời, rồi lại ngồi vào bàn máy may.

Trẻ khỏe hơn cụ Lan, ông Ẩn nhưng hoàn cảnh của chị Huỳnh Thị Kim Quyên (46 tuổi) và chị Dương Hoàng Hoa (50 tuổi), cùng ngụ khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh cũng bi đát theo cách riêng. Nhà chị Quyên rộng 24m², diện tích không quá nhỏ. Thế nhưng, sự nghèo khổ chưa bao giờ buông tha cho gia đình chị. Cuộc sống của 8 thành viên trong căn nhà chừng ấy mét vuông chưa bao giờ dễ thở.

Chị Quyên tựa lưng vào tường, bộc bạch: “Gia đình tôi sống ở đây từ hồi giải phóng. Thường ngày, tôi đi bán vé số để mưu sinh. Nhà tôi có 2 anh trai bị bệnh tâm thần. Mấy bữa nay, một anh bị bệnh nhưng không biết bệnh gì, uống thuốc hoài mà không khỏi. Anh ấy không chịu ăn cơm, bỏ ăn mấy bữa nay, tôi chỉ mua sữa cho ảnh uống trừ cơm. Tôi dự tính dẫn ảnh đi khám bệnh mà từ xưa giờ ảnh không đi ra đường, cứ ngồi một chỗ trong nhà, không chịu đi đâu hết. Tôi còn một người anh nữa cũng bị tai nạn lao động khiến đầu óc lúc nhớ lúc quên, cứ đi lẩn thẩn ngoài đường, không chịu ở trong nhà”.

Nhà chật hẹp, lại đông người, chuyện vợ chồng của chị Quyên và chồng cũng phải hạn chế. Chồng chị Quyên chạy xe ôm. Tiền 2 vợ chồng kiếm được chỉ đủ chi tiêu lặt vặt hàng ngày. “Còn may, anh trai tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền bệnh tật hàng tháng. Cả nhà được hỗ trợ làm thẻ bảo hiểm miễn phí”, chị Quyên cho biết.

Chị Dương Hoàng Hoa lại kém may mắn hơn chị Quyên khi nhà chỉ có khoảng 2m². Sinh hoạt vợ chồng dường như lâu lắm rồi chị Hoa không biết đến. Chị Hoa hài hước chia sẻ: “Chật chội quá, vợ chồng tôi gần như không có chuyện đời sống vợ chồng. Chắc tại vậy, tôi thấy ổng càng ngày càng ốm tong teo”. Chị Hoa dứt lời, hàng xóm ngồi cà phê gần đó đều phá lên cười. Chị Hoa cũng không hề mắc cỡ, có vẻ chuyện này cả xóm đều hiểu rõ.

Chị Hoa vẫn rất lạc quan, vui tươi dù cuộc sống luôn đối diện nhiều vất vả.

Chị Hoa tâm sự: “Nhà được mấy mét vuông, tôi cũng không biết. Thế nhưng, tôi cảm nhận được nhà xuống cấp lắm rồi. Tôi ngủ trên gác muốn lên trên phải bò nhẹ nhẹ nếu không tôi sợ sẽ sập xuống. Muốn nấu ăn phải ra ngoài đường hẻm, bên trong nhà không đủ chỗ đặt bếp. Thường ngày, trời nóng tôi không thể ở trong nhà mà phải đi ra ngoài đường ngồi. Chật chội, ngột ngạt chịu không nổi! Tôi bán bắp nướng, lột hành thuê, làm đủ thứ nhưng vẫn không đủ ăn. Ngày nào tôi cũng cười, tôi khổ đến nỗi không còn khóc được nữa. Đêm về, cá mòi ra sao thì gia đình tôi ngủ như vậy đó. Buổi chiều người ta mới giao hành, tôi nhận và lột cho đến 5 giờ sáng mới đi chợ nấu nướng cho các con ăn đi học rồi nướng bắp đi bán. Có ngày tôi chỉ ngủ 2 - 3 giờ đồng hồ, có hôm thức trắng”.

Nhà nhỏ, mệt mỏi, khổ sở nhưng chị Hoa vẫn nói: “Sau này, khi khu này giải tỏa, tôi không biết người ta sẽ cho tôi đi đâu. Đi đâu cũng được nhưng chắc tôi nhớ khu này lắm”.

Đặc biệt chú ý công tác phòng cháy chữa cháy của khu

Trước điểm đặc biệt của khu vực, bà Phan Phương Tiến - Trưởng khu phố 8 (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) - cho biết, cơ quan chức năng địa phương vận động mỗi hộ gia đình trong khu vực có một bình PCCC. Nếu các hộ khó khăn thì cách 3 - 4 hộ sẽ có một bình trong nhà. Khu phố do bà Tiến quản lý có 70 bình chữa cháy phân về cho mỗi tổ dân phố từ 4 - 5 bình, còn lại để tại trụ sở công cộng.

N.L