Nhà trường đua thành tích, trẻ mắc “án oan” tự kỷ

Nhà trường đua thành tích, trẻ mắc “án oan” tự kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Sự thiếu hiểu biết về căn bệnh tâm lý “tự kỷ” đã khiến nhiều bậc cha mẹ như bị “ám thị” vì những dấu hiệu tưởng như bất thường của con trẻ.

Chị Thu Minh (Đống Đa, Hà Nội) có cậu con trai hơn hai tuổi tỏ ra rất hiếu động khiến cả nhà mệt nhoài. Ở nhà đã thế, còn mỗi khi đưa con ra ngoài chơi, không ít phen chị phải “đứng tim” khi con cứ cắm đầu chạy thục mạng, không ngó trước nhìn sau.

Xã hội - Nhà trường đua thành tích, trẻ mắc “án oan” tự kỷ

Một lớp học của bé tự kỷ (Ảnh minh họa)

Cả nhà bị “ám thị” vì nghi trẻ “tự kỷ”

Vốn là người rất chăm chỉ cập nhật thông tin, nghi ngờ con có triệu chứng tự kỷ nên chị Thu Minh đã chủ động đưa con đi khám. Vợ chồng chị cho con đi khám ba, bốn lần ở các bệnh viện, trung tâm khác nhau nhưng lần nào cậu bé cũng được kết luận hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, chị vẫn chưa thấy yên tâm nên cứ vật nài bác sỹ xếp lịch cho để đưa con đến …tái khám. Để cẩn thận hơn, chị còn đưa con đến một trung tâm ở Hào Nam để yêu cầu các chuyên gia ở đây cho bé can thiệp ngôn ngữ khoảng 30 phút/ngày. Khi trực tiếp theo dõi kết quả của con mình: Hành vi tốt, tiếp xúc bằng mắt tốt, nói được câu 2- 3 từ, biết các số đếm, màu sắc, một số chữ cái, phân loại đồ dùng, hoa quả, phương tiện giao thông…, được các cô giáo ở đây đánh giá con học tốt, hiểu và nhớ bài, chị Minh mới cảm thấy yên tâm.

Còn chị Anh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù không có con tự kỷ nhưng cũng mất hai tháng “sống trong sợ hãi” bởi bé Anh Minh nhà chị 30 tháng vẫn chưa biết nói. Nghe mọi người bảo đó là dấu hiệu của bệnh tự kỷ khiến chị ăn không ngon ngủ không yên, liên tục giục chồng đưa con đi khám. Tuy nhiên, bác sỹ phát hiện ra bé bị hãm lưới bám quá dày nên không thể uốn lưỡi được, dẫn đến chậm nói. Sau khi được bác sĩ can thiệp, ba ngày sau bé tuôn một tràng cả chục từ khiến cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Chị Thư chia sẻ: “Hú hồn, suýt thì mình đưa con đi khám oan…”.

Lo lắng là tâm lý chung của các ông bố bà mẹ khi phát hiện ra con mình có dấu hiệu tự kỷ. Trên một diễn đàn lớn dành cho cha mẹ đã lập ra một topic lớn để các mẹ chia sẻ kinh nghiệm. Nick name “Dòng sông xanh” chia sẻ: “Cậu con trai ba tuổi của mình được chẩn đoán tự kỷ nhẹ khiến cả gia đình đảo điên, còn mẹ thì rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Cả nhà bị “ám thị” vì nghi cháu bị “tự kỷ”… Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Mặc dù có nhiều số liệu cho thấy trong những năm qua, số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng lên nhưng trên thực tế, trong thời gian trước đây, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người ta thường không biết tự kỷ là gì mặc dù nó đã có từ lâu. Hiện nay, căn bệnh này đã được quan tâm và phát hiện nhiều hơn”. Trước xu hướng “nhìn đâu cũng thấy tự kỷ” của một bộ phận các bậc cha mẹ, bác sỹ Thắng khuyến cáo phụ huynh không nên quá lo lắng, nếu nhận thấy con mình có dấu hiệu tự kỷ. Bởi nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì diễn tiến bệnh tật của trẻ vẫn có nhiều khả quan.

80% trẻ bị “án oan” tự kỷ

Theo bác sỹ Phạm Thu Lan (Trung tâm Ánh Sao, Hà Nội), trung bình mỗi tháng trung tâm tiếp nhận khoảng 40 trường hợp đến xin tư vấn và điều trị tâm lý nhưng 80% số này bị kết luận oan. Hiện, trung tâm có ba chuyên gia về tâm lý, công việc rất bận bịu vì càng ngày số phụ huynh đưa con đến khám tự kỷ càng có chiều hướng gia tăng.

Thiếu quan tâm hoặc chăm sóc con một cách thái quá cũng là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ. Nhiều người làm cha làm mẹ nhưng bận rộn với công việc nên đã tách con ra sớm. Chồng là giám đốc một tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng có tiếng ở Hà Nội, vợ là chuyên gia cho một tổ chức phi chính phủ nên vợ chồng chị Hà – anh Minh vô cùng bận rộn. Việc cả hai cùng có mặt ở nhà trong bữa cơm tối của gia đình là rất hiếm hoi nên ngay từ khi con mới ba tháng tuổi, chị Hà đã dứt sữa để gửi con ở nhà cho người giúp việc. Thời gian đầu, con còn nhỏ lại có bà ngoại ở quê lên hỗ trợ cùng người giúp việc chăm nom, sau này bà cũng phải về để chăm sóc con của anh trai mới sinh nên mọi việc đành trông cậy hết vào bà giúp việc vốn là họ hàng xa nên phần nào cũng yên tâm hơn. Đến năm bé gần 3 tuổi vẫn chưa biết nói và nhìn thấy cái gì cũng có vẻ sợ sệt, anh chị quyết tâm cho cháu đi học cho nhanh biết nói. Đi học được một tuần, cháu bị trả về bởi cứ đặt chân đến lớp học là la hét , thậm chí còn lao vào tấn công các bạn. Đây là một trong số những trường hợp được đưa đến trung tâm Ánh Sao để xin tư vấn.

Đắng lòng hơn là chính những người thầy thuốc cũng “vật vã” tìm cách chữa cho con thoát khỏi chứng bệnh đáng sợ này. Cặp vợ chồng anh bạn thân của người viết hiện đều là bác sỹ ở một bệnh viện lớn. Do tính chất công việc quá tải lại hay phải trực đêm nên cậu con trai duy nhất của gia đình mới hơn ba tuổi chủ yếu phải ở với bà hàng xóm. Nhìn con người ta bằng tuổi con mình đã ca hát líu lo suốt ngày trong khi bé Tuấn nhà anh chị lúc nào cũng ngồi tẩn mẩn chơi một mình ở góc phòng, ai gọi không buồn nói, ai hỏi không buồn thưa. Thỉnh thoảng, nửa đêm còn tỉnh dậy la hét đập phá khiến anh chị không khỏi xót xa mà thốt lên: “Đúng là dao sắc không gọt được chuôi. Mình chữa bệnh cho hàng trăm người mà đến con mình đành bó tay”. Hậu quả là mẹ bé phải xin nghỉ không lương cả năm nay để hằng ngày đưa con đi học và phối hợp với các cô giáo ở trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ để dạy dỗ cháu.

Một “trào lưu” đang nhức nhối hiện nay là gia đình và nhà trường quá kỳ vọng vào trẻ nhỏ, coi việc đọc thông viết thạo, giải toán nhanh, viết chữ đẹp… là những việc đương nhiên trẻ phải làm được trước khi nhập học lớp 1. Theo đó, “hội chứng Thánh Gióng” được không ít phụ huynh coi là niềm tự hào và liên tục chăm sóc nhồi nhét đến mức thái quá cho các “cậu ấm cô chiêu” đang có dấu hiệu “thần đồng” sớm. Tuy nhiên, vì biết nhiều và biết sớm quá dẫn đến tâm lý chán nản khi các em bước chân vào lớp 1 vì toàn những bài đã được học qua rồi. Trong khi đó, gia đình cứ khăng khăng con mình thông minh, chẳng qua chỉ do bỗng nhiên… dở chứng mà thôi.

Vào thời điểm hết kỳ 1 của năm học, số lượng các bậc phụ huynh đưa con đến khám tự kỷ lại tăng đột biến. Phần lớn các phụ huynh cho biết tìm đến đây để xin giấy chứng nhận của các bác sỹ đem nộp cô giáo. Không ít phụ huynh bức xúc vì tình trạng các cô giáo cứ thấy trẻ không đọc thông, viết thạo, giải toán không được nhanh nhạy như phần lớn các bạn khác là “gợi ý” phụ huynh đưa con đi khám để hưởng “chính sách ưu tiên dành cho trẻ khuyết tật”. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đưa con đến khám nhưng khi chuyên viên tâm lý đo chỉ số thông minh IQ thì thấy 80% số trẻ bị cô kết luận oan là trẻ tự kỷ, chậm phát triển… Hầu hết các cháu đều có chỉ số IQ ở mức trung bình trở lên, không có gì đáng lo ngại.

Theo chị Nguyễn Thanh Phương (Trung Hòa, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị do bé không học qua lớp mẫu giáo nên nhút nhát, khi vào học lớp 1, luôn thu mình lại, ngại giao tiếp với các bạn. Khi cô gọi đọc bài thì bé đọc lí nhí và không được trôi chảy nên cũng được coi là chậm phát triển trí tuệ, có vấn đề về tâm thần. Chị Phương thẳng thắn: “Nhiều thầy cô vì mắc bệnh thành tích mà kết luận oan cho trẻ. Theo quy định của nhà trường, đầu mỗi năm học các cô giáo phải đăng ký nội dung thi đua cho lớp mình phụ trách và cá nhân mình nên nếu ở lớp chỉ cần có từ 1 – 2 học sinh yếu kém coi như các cô sẽ mất điểm thi đua. Vì thế, một số giáo viên yêu cầu bố mẹ xin giấy chứng nhận sức khỏe và tâm lý cho các cháu để làm bằng chứng “ngoại phạm”.

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM khuyên: “Ép trẻ học chữ, làm toán lưu loát quá sớm thực chất trẻ vẫn đáp ứng nhưng hệ quả trẻ dễ bị ức chế, rối loạn hành vi, dễ chống đối lại người lớn. Do đó, gia đình và nhà trường nên cho trẻ học tập và sinh hoạt phù hợp với độ tuổi của trẻ”.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tại Việt Nam có khoảng từ 5 đến 7% trẻ em tàn tật dưới tuổi 15, trong đó trẻ em tự kỷ và bại não chiếm hơn 40%. Theo thống kê của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, hằng năm có hơn 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại Khoa Nhi của bệnh viện.

Tuệ Linh


Tag: ánh sao