Những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Hồng Đăng

Những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Hồng Đăng

Thứ 5, 20/06/2013 | 15:14
0
Trong các sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, ngoài những ca khúc về cuộc sống, những ca khúc về tình yêu cũng chiếm phần lớn. Nhiều người bảo ông là nhạc sĩ đa tình, vì hầu như các ca khúc về tình yêu đều có những bóng hồng trong đó.

Tôi đến gặp nhạc sĩ Hồng Đăng trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hồng Hà, Hà Nội. Gặp tôi, ông tếu táo rằng: "Tôi ngồi đợi phóng viên từ 4h sáng tới giờ!", khiến cho vợ ông - bà Lê Anh Thúy cũng bật cười. Tuy đã gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn linh hoạt, hóm hỉnh. Nhạc sĩ cho biết, sau vụ va quệt xe vào năm 2011 trên phố Tràng Tiền, chân ông vẫn đau. Hàng ngày, nếu ông muốn đi đâu, taxi là phương tiện di chuyển chính.

Nhân vật - Những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng trong chương trình "Lênh đênh hoa sữa".

Viết nhạc từ sự... ấm ức

Ấn tượng đầu tiên của tôi với ông là sự hiếu khách, dù đã chỉ đường trên điện thoại rồi, nhưng ông vẫn gọi lại cho tôi vì sợ... lạc đường. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng gần đê Hồng Hà, ông nói rằng: "Âm nhạc đã cho tôi nhiều cuộc lãng du". Trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của ông, cái ông được nhiều nhất là sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp và những chuyến đi sáng tác trên khắp mọi miền đất nước.

Nhạc sĩ  Hồng Đăng họ Phan, sinh năm 1936 ở Yên Thành, Nghệ An. Đêm đêm, tiếng sóng biển dội về trong ký ức tuổi thơ có lẽ đã tạo ra mối duyên sâu nặng với biển, mảng đề tài về biển chiếm một phần không nhỏ trong các sáng tác thanh nhạc của ông. 

Từ nhỏ những câu hát ví dặm, dân ca đã nuôi dưỡng tâm hồn Hồng Đăng giúp ông cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng nhạc điệu, bằng những câu chữ có vần. Ông cho biết, gia đình ông không có ai theo âm nhạc. Ông đến với âm nhạc từ sự... ấm ức của tuổi thơ. Ngày ấy, cạnh nhà ông có người bạn chơi đàn rất giỏi, ông sang mượn sách để học, anh ta không cho. Ông giận, đi bộ từ nhà lên thành phố Vinh tới hơn 50km để mượn một cuốn nhạc lý cũ bằng tiếng Pháp. Ông không những tự học kiến thức trong sách mà còn dạy cho những bạn bè cùng trang lứa. Và những sáng tác đầu tay của ông đã được ra đời, được hát trên sân khấu nhà trường thời gian ấy.

Năm 1956, ông được chọn vào lớp tập huấn âm nhạc đầu tiên tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia). Lần tiếp xúc ấy, đã giúp ông gặp gỡ những bạn bè âm nhạc nổi tiếng đầu tiên, đó là các nhạc sĩ: Tạ Phước, Tô Vũ, Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát, Vũ Tuấn Đức... Lớp học đã mời một số chuyên gia ở các nước như  Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên sang  giảng dạy... Bạn học lớp sáng tác khóa ấy gồm: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Nguyễn Thành, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Trương Đình Quang, Hồng Thao... Và họ đã trở thành thế hệ "vàng" đặt những viên gạch đầu tiên, cùng các bậc đàn anh, xây dựng nền âm nhạc Việt Nam.

Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hồng Đăng là giảng viên của trường Âm nhạc Việt Nam. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như các nhạc sĩ Thuận Yến, Nguyễn Cường, Tôn Thất Lập, Trần Tiến... và đây cũng là thời kỳ ông viết được nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc cho sáng tác và lý luận của Nhạc viện. Từ năm 1989, ông làm Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam suốt 17 năm qua 3 nhiệm kỳ, bên cạnh đó, ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (1989 - 1996).

Trong suốt 60 năm sáng tác, nhạc sĩ Hồng Đăng đã thử sức qua nhiều thể loại, hình thức âm nhạc. Từ hợp xướng, thanh xướng kịch, các công - xéc -  tô, tứ tấu, ngũ tấu... Hợp xướng Trận địa gang thép, Lửa rực cháy đã được viết trong thời kỳ này và phần âm nhạc viết cho phim cũng  là những dấu ấn đặc biệt, ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhưng những khó khăn trong việc dàn dựng, thu âm và biểu diễn là khó khăn chung của âm nhạc Việt Nam nên phần lớn những tác phẩm khí nhạc của ông vẫn chưa có điều kiện đến với công chúng yêu âm nhạc. Người nghe chủ yếu biết đến ông qua mảng tác phẩm thanh nhạc.

Ông có tới 700 ca khúc, có những tác phẩm được nhiều thế hệ biết tới như: Đường đi có nắng mặt trời, Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc mười năm đã lớn, Lênh đênh, Ký ức đêm, Đường về hoàng hôn, Đảo xa... Đặc biệt, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 cho cụm tác phẩm: Biển hát chiều nay; Hoa sữa; Quà tháng năm; Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy... Ông cho biết, mỗi ca khúc ông viết đều là những trải nghiệm với cuộc đời. Với nhạc sĩ Hồng Đăng, thiết tha với cuộc sống là cách sống nghiêm túc, cách sống này thể hiện ngay trong các sáng tác của ông.

Nhân vật - Những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Hồng Đăng (Hình 2).

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ.

Viết "Hoa sữa" trong... 20 phút

Bài hát Hoa sữa được ông viết cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ (1978) của cố đạo diễn Đức Hoàn. Thời gian ấy, ông phải theo đoàn làm phim hàng tháng để lấy cảm hứng. Khi ông đang trăn trở với phần nhạc cho phim này thì một người bạn nói với ông rằng, Hà Nội có loài hoa tên là hoa sữa và tự nhiên những giai điệu nhẹ nhàng vang lên trong đầu ông. Chỉ trong 20 phút, ông đã hoàn thành bài hát này. Bài hát ra đời đã đem lại cho Hà Nội một biểu tượng mới: Hoa sữa. Sau này, nhiều tỉnh thành đua nhau trồng hoa sữa để thêm yêu Hà Nội. Rồi ông kể cho tôi nghe về kỷ niệm với bài Hoa sữa. Sau khi bài hát ra đời, có một dạo, ở Hà Nội, nhà nhà thi nhau trồng hoa sữa. Đến mùa thu, hương hoa sữa nồng nặc bay vào từng phòng thì người ta lại thi nhau chặt bỏ cây và cho rằng nhạc sĩ...  viết sai. Chuyện này cũng là một kỷ niệm trong đời nhạc sĩ Hồng Đăng. Ông bộc bạch rằng, nhiều người cứ nhắc đến Hồng Đăng là nhắc đến bài Hoa sữa, bởi họ có dấu ấn với những ca từ và giai điệu trong bài hát. Cho đến giờ, ông vẫn mơ về những chùm hoa sữa trắng muốt hằng đêm, như  nỗi nhớ về những tháng ngày đẹp của tuổi trẻ.

Trong buổi trò chuyện, nhạc sĩ Hồng Đăng "bật mí" về những ca khúc thiếu nhi mà ông đã viết. Trong chương trình chân dung âm nhạc mang tên “Lênh đênh hoa sữa” được tổ chức vào tháng 5/2012, ca khúc thiếu nhi “Những chú vịt con” ông viết cho phim “Vịt con và cái ô” được giới thiệu và gây nhiều bất ngờ. Những bài hát ông viết cho thiếu nhi thường ngắn gọn, ngộ nghĩnh như: Màu hoa, Hạt mưa, Tập rửa mặt... Theo nhạc sĩ Hồng Đăng, viết nhạc cho thiếu nhi rất khó, để có được những ca khúc các em yêu thích, người nhạc sĩ phải đặt mình vào địa vị các em nhỏ để quan sát thế giới xung quanh bằng cái nhìn khám phá với những giai điệu tươi tắn, trẻ trung.

Kỷ niệm về bài hát “Gửi một câu hát Tokyo” cũng làm ông thấy vui khi tác phẩm này được giải thưởng của Hội giao lưu Văn hóa Nhật Bản. Ông tâm sự: "Mỗi nơi tôi đi qua, mỗi người tôi gặp đều để lại ấn tượng mạnh, có khi là một đôi mắt, có khi là hình dáng, có khi là tiếng nói... Những tình yêu chúng tôi đã có là những cảm xúc thật, tình cảm thật để tạo nên những bài hát vui tươi, có cái nhìn tích cực với cuộc đời".

Theo ông, những người viết nhạc hiện nay có nhiều điều kiện hơn lớp nhạc sĩ ngày xưa, bởi họ được tiếp cận nhanh với các khuynh hướng âm nhạc mới nhất của thế giới thông qua mạng Internet, được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, để được gọi là nhạc sĩ theo đúng nghĩa,  những nhạc sĩ trẻ cần phải trau dồi kiến thức và làm nghề nghiêm túc. Bởi viết nhạc, ngoài kiến thức âm nhạc vững vàng, sự hiểu biết phong phú về văn học nghệ thuật thì sự trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, cảm xúc mãnh liệt là yếu tố quan trọng làm nên những tác phẩm hay. Đến một độ nào đó, người sáng tác mới có những cảm xúc "chín" để cho ra đời tác phẩm có chiều sâu. Viết nhạc cho cuộc đời như một sự tận hiến - là cách mà nhạc sĩ Hồng Đăng đã làm để chúng ta có được những tác phẩm mang giá trị chân, thiện, mỹ.             

Các bóng hồng trong sáng tác là... tưởng tượng

Trong các sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, ngoài những ca khúc về cuộc sống, những ca khúc về tình yêu cũng chiếm phần lớn. Nhiều người bảo ông là nhạc sĩ đa tình, vì hầu như các ca khúc về tình yêu đều có những bóng hồng trong đó. Nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, các bóng hồng trong các sáng tác của ông không phải là cô gái Nghệ An, cô gái Hà Nội hay cô gái Sài Gòn mà đó là một mẫu người... trong tưởng tượng. Bởi khi cảm xúc đã đạt đến độ chín thì cứ thế mà viết ra. Các bóng hồng trong sáng tác của ông đều là những người phụ nữ rất Việt Nam, biết yêu thương, hy sinh và vị tha cho những lỗi lầm của người đàn ông,  âm nhạc là nơi gắn kết họ với nhau. Có lẽ ông đã yêu con người ấy, vùng đất ấy, nên mới có cảm xúc để viết ra những ca khúc để đời. Chính âm nhạc đã cho Hồng Đăng nhiều kỷ niệm, đưa ông về với những cảm xúc trong vắt và bình yên trong cuộc sống.

Lạc Thành

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Nhạc sĩ Đức Huy kể về cuộc sống với vợ kém 40 tuổi

Thứ 6, 03/05/2013 | 10:48
Anh đang sống một quãng thời gian mà mọi thứ đều rất tươi mới, dạt dào cảm xúc cuộc sống, cũng như sự thăng hoa của nghệ thuật.

Khánh Ly tiết lộ 'mối tình' với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ 5, 28/03/2013 | 13:53
Có một thời, Trịnh Công Sơn sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó "duyên tình âm nhạc" để làm nên một "nữ hoàng chân đất", một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua...

'Bóng hồng' trong ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ 6, 22/03/2013 | 14:02
Trong số lượng sáng tác khổng lồ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai ca khúc mà dư luận cho rằng chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết để gửi gấm tâm sự mình đến với ca sĩ Thanh Thúy từ năm cô 16 tuổi, lúc mới bắt đầu đi hát. Đó là hai ca khúc đầu tay "Ướt mi" và "Thương một người".

Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Tôi vẫn sẽ lấy vợ nếu trời bảo thế'

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:01
Gặp gỡ Trần Tiến để có một bài phỏng vấn không dễ. Ở tuổi này ông ngại ngùng với những thứ mang tính rườm rà, trong đó, như cách ông nói là "có các nhà báo". Người viết có lẽ là một ngoại lệ chăng? Bởi chỉ một cú phone thôi đã được ông gật đầu “hẹn hò” một chầu cà phê nơi góc phố Hà Nội.