“Nhắm mắt, bịt tai” dùng túi sưởi đa năng

“Nhắm mắt, bịt tai” dùng túi sưởi đa năng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Vào mùa lạnh, nhu cầu sử dụng các vật dụng sưởi ấm như đệm điện, túi sưởi... đang trở thành "cơn sốt". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, túi sưởi là đồ dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ nổ. Các “thượng đế” nếu không biết cách sử dụng chẳng khác nào rước họa về nhà.

Vừa dùng... vừa run

Để chống chọi lại với cái rét cắt da cắt thịt mùa đông năm nay, nhiều ông bố bà mẹ đã tìm đến các loại túi sưởi, túi chườm nóng, chăn sưởi, chăn điện đa năng... Hiện nay, trên thị trường, các mặt hàng này được rao bán phong phú về mẫu mã và đa dạng về giá cả.

Phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa), từ lâu được coi là "kinh đô" của các vật dụng làm lạnh, sưởi ấm tại Hà Nội. Theo lời tiếp thị như "rót mật vào tai" của bà chủ một cửa hàng thì ở đây kinh doanh đủ chủng loại túi sưởi, với "trùng trùng điệp điệp" loại giá.

Tại cửa hàng này, giá của túi sưởi dao động từ 40 - 150 nghìn đồng /chiếc tùy vào kích cỡ và xuất xứ. Khi sử dụng, chỉ cần cắm sạc khoảng 10 phút thì túi sưởi sẽ "phục vụ" làm ấm từ 4 - 6h đồng hồ. Giải thích vì sao giá cả túi sưởi lại chênh nhau cao như vậy, bà chủ cửa hàng cho biết: "Túi có giá rẻ thì nguồn gốc từ Trung Quốc, còn loại trên 100 nghìn đồng là các hàng chính hãng, được sản xuất tại Việt Nam như hãng Mimosa, Hướng Dương, Thiên Thanh... có bảo hành đàng hoàng".

Khi chúng tôi hỏi về việc các loại túi sản xuất từ Trung Quốc có đảm bảo chất lượng và thông tin về vụ nổ túi sưởi làm bỏng nặng một bé gái ở Tuyên Quang thì bà chủ này ậm ừ: "Cứ sử dụng đúng cách ghi trên sản phẩm thì chắc chắn chẳng xảy ra sự cố gì đâu, của bền tại người mà. Còn sự việc nổ túi sưởi tại Tuyên Quang thì tôi không đọc báo nên không biết. Mấy năm buôn bán túi sưởi đa năng, chăn sưởi... tôi chưa bị khách trả lại hàng bao giờ. Các chú cứ yên tâm mà sử dụng, nếu dùng trong 2 tuần mà hỏng thì cứ đến tôi đổi cho cái mới".

Xã hội - “Nhắm mắt, bịt tai” dùng túi sưởi đa năngTúi sưởi tiềm ẩn nguy cơ nổ vỡ cao

Được biết, cuối tháng 12/2011, một bé gái 8 tuổi tại thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang) đã phải đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng bỏng nặng mà nguyên nhân do vỡ túi sưởi. Một bác sĩ khoa Bỏng trẻ em cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng ở vùng bẹn, mông và bộ phận sinh dục. Bé bị bỏng sâu 3% và sẽ phải phẫu thuật ghép da. Sau vụ tai nạn này, nhiều bậc phụ huynh hoang mang, thậm chí có người đã tẩy chay túi sưởi đa năng. Tuy nhiên, có lẽ do năm nay, miền Bắc liên tục chìm trong các đợt rét đậm, rét hại nên các "thượng đế" dù sợ vẫn phải nhắm mắt đưa chân, sử dụng loại sản phẩm này.

Anh Thanh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi có hai con nhỏ dưới 2 tuổi, trời thì rét đậm sợ hai cháu không đủ ấm nên phải mua túi sưởi về dùng thử. Mới đây, vợ chồng tôi cũng có biết về một vài vụ nổ túi sưởi gây bỏng nặng, lúc ấy, chúng tôi cũng cách ly các con khỏi sản phẩm này. Tuy nhiên, mấy hôm nay thời tiết xuống dưới 10 độ C, chúng tôi lại phải lôi túi ra để chườm cho các bé. Vẫn biết là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả".

Dễ thành “bom nổ chậm”?

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Theo tìm hiểu của tôi, túi sưởi là một sản phẩm làm ấm bao gồm một túi đựng đầy chất lỏng (nước, muối và hóa chất) có khả năng tích nhiệt cao. Ngoài ra, túi sưởi còn bao gồm một bộ phận gia nhiệt. Trong bộ phận gia nhiệt có bố trí một rơ le nhiệt độ để tự động ngắt mạch điện khi chất lỏng trong túi đạt nhiệt độ khoảng 70 độ C. Thông thường, bên trong túi, người ta tuyệt đối không cho không khí đi vào. Bởi vì nếu trong túi có không khí, khi sạc điện nhiệt độ tăng lên đồng nghĩa với áp suất cũng tăng dễ dẫn đến nguy cơ nổ vỡ. Chính vì vậy, khi thiết kế, trên mặt túi thường có một nút nhựa để xả khí, trong trường hợp sử dụng túi sưởi hình thành khí".

Theo PGS.TS Lợi, túi sưởi là một sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao nên phải đặc biệt thận trong khi sử dụng. Khi sạc điện, tốt nhất là để túi thật xa chỗ đứng của trẻ em, phải theo dõi liên tục, khi túi đủ nóng thì người sử dụng nên chủ động ngắt điện, không chờ rơ le tự ngắt. Hơn nữa, túi sưởi có độ bền cơ học không cao, có thể nổ vỡ khi có ngoại lực tác động như người nằm đè lên hoặc trẻ con đùa nghịch chạy nhảy, giẫm đạp.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa là người sử dụng phải thường xuyên kiểm tra rơ le nhiệt. Nếu rơ le nhiệt bị hỏng thì khi nạp điện, nhiệt độ tăng túi sưởi sẽ nổ và hậu quả lúc ấy không thể lường trước được.

"Nếu nhiệt độ túi lên trên 70 độ C mà rơ le không ngắt thì chứng tỏ rơ le đã bị chập, hỏng cần phải lập tức ngừng sử dụng. Hơn nữa, nếu thấy túi căng phồng quá mức thì có thể có khí trong túi. Lúc này, chúng ta cần tháo nút để xả hết khí rồi đóng nút lại như cũ. Khi thấy những dấu hiệu bất thường ở túi như biến dạng xây xước thì cũng cần loại bỏ túi ngay lập tức", PGS.TS Lợi cho biết.

Khi chúng tôi hỏi về các loại túi xuất xứ từ Trung Quốc được bán "rẻ như cho" trên thị trường, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyến cáo: "Đây là vấn đề mà người dân phải đặc biệt lưu ý. Tôi được biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại túi sưởi và đồ sưởi ấm không nguồn gốc hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Và cũng có nhiều người dân ham rẻ, mua các sản phẩm ấy về sử dụng. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm chẳng khác nào họ đang rước "thần chết" về nhà.

Túi sưởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Khi nổ, các dung dịch bên trong túi sưởi như, nước muối và hóa chất sẽ bắn ra gây bỏng cho những người ở gần đó. Hơn nữa, khi nổ, chiếc túi được bơm căng hóa chất sẽ tạo áp lực khiến cho sự ảnh hưởng của nó còn lớn hơn. Chính vì vậy, tôi khuyên mọi người hãy chọn mua những sản phẩm chính hãng và thường xuyên kiểm tra định kỳ".

"Bẫy" chết người từ các đồ sưởi ấm bằng điện

Các loại chăn, đệm, gối điện có ưu điểm là đưa hơi ấm trực tiếp đến cơ thể không cần phải làm nóng cả không gian phòng nên rất tiết kiệm điện. Một điều cực kỳ nguy hiểm đó là việc trẻ con không hiểu biết, dùng các vật nhọn để chọc vào chăn, gối điện. Khi đó, người sử dụng rất dễ bị điện giật. Người sử dụng nên lưu ý, khi giặt, chỉ được trải chăn trên nệm cứng hoặc giường cứng, không được vò, gập. Phải loại bỏ chăn, đệm điện ngay khi phát hiện rò điện hoặc khi sản phẩm đã quá cũ”, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt Lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội).

Vương Chân