Nhận lại… món quà rác

Khi chúng ta không muốn món quà tặng cho mình là những thứ rác rưởi hôi thối thì ngược lại, môi trường cũng không muốn nhận những món quà tương tự.

Hôm 18/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa đã đưa ra một quyết định khiến những người bảo vệ môi trường nước này hưởng ứng nhiệt liệt. Theo đó, các nhóm du khách từng đến thăm Vườn quốc gia Khao Yai ở nước này sẽ nhận được một bưu kiện đặc biệt gửi đến tận nhà. “Món quà” đó chính là rác mà họ vứt lại khi đến thăm nơi đây.

Theo The Pattaya News, nguyên nhân khiến ông Varawut đưa ra quyết định nói trên là bởi các nhóm du khách khi đến thăm vườn quốc gia đã xả rác bừa bãi xung quanh khu vực cắm trại, dù Vườn quốc gia Khao Yai trang bị nhiều thùng rác trong khuôn viên.

Ông Varawut nói rằng hành vi trên làm ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường của vườn quốc gia và có thể gây nguy hại đối với các sinh vật hoang dã nếu chúng nuốt phải rác. Vị bộ trưởng sau đó chỉ đạo nhân viên vườn quốc gia thu gom tất cả rác trước các lều cắm trại, đóng gói chúng vào hộp bưu kiện để gửi lại cho khách du lịch.

"Trong trường hợp này, chúng tôi cố tình thu gom tất cả rác của bạn vào một chiếc hộp rồi gửi chúng đến nhà bạn như một món quà lưu niệm và một bài học để không xả rác ở bất cứ đâu nữa", ông Varawut cho biết.

Có lẽ, khi nhận được món quà toàn rác, những du khách trên sẽ khá bất ngờ. Họ sẽ cho đó là một trò chơi khăm và cảm thấy bực bội. Nhưng, nếu nhận ra rằng đó là thứ họ phải trả giá cho hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường, có lẽ những người này sẽ cảm thấy xấu hổ và thấm thía.

Cũng giống như những con vật đang sống tại Vườn quốc gia Khao Yai - nếu có nhận thức - chúng cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi con người xả rác vào ngôi nhà thân yêu của chúng. Và, món quà mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan gửi đến cho những du khách nói trên chính là cách để họ hiểu cảm giác của những con vật này như thế nào.

Trước đó vài ngày, cộng đồng mạng ở Việt Nam cũng phẫn nộ về hành vi xả rác ra môi trường vô ý thức của một quán café ở Vũng Tàu. Hay trước đó còn có clip các bạn trẻ lưu trú ở khách sạn vứt rác ra phòng khi bất đồng với chủ khách sạn. Các hành vi xả rác ra môi trường có thể lấy ví dụ nhiều vô kể và xuất hiện ở khắp mọi nơi như một “chuyện thường tình” chua chát.

Dù ở đâu trên trái đất này, chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ hành tinh của mình. Chúng ta đã tận dụng, hưởng lợi quá nhiều từ môi trường xung quanh để thỏa mãn bản thân trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ hưởng thụ cho đến kinh doanh. Nhưng, môi trường không phải là thứ tồn tại bất biến. Cũng giống như con người ăn nhiều chất độc hại nên sinh bệnh, rác thải chúng ta đổ ra mỗi ngày cũng sẽ khiến môi trường trở nên “ốm yếu”.

Chính bởi vậy, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi chúng ta cần phải dứt khoát, đến nơi đến chốn. Môi trường “còn sống” thì bản thân chúng ta mới “còn sống”. Có ai đối xử tệ bạc với “bà mẹ thiên nhiên” mà lại mong được đối đãi tốt đẹp không? Chắc là không, bởi hôm nay gieo gió, ngày mai sẽ gặt bão…

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Kẻ ngang nhiên đổ rác, người hóa “siêu nhân” cứu biển

Thứ 4, 23/09/2020 | 08:38
Không phải ngẫu nhiên đạo đức môi trường lại trở thành thước đo phẩm chất mới hàng đầu của con người hiện đại.