Sáng 7/3, báo cáo về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ đã thông qua 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết, ban hành 93 nghị định, 01 nghị quyết liên tịch; Thủ tướng Chính phủ ban hành 33 quyết định quy phạm pháp luật.
Trong năm 2023, bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức tới 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Thường trực Chính phủ thường xuyên thảo luận, cho ý kiến các đề nghị xây dựng và các dự án luật, dự thảo nghị quyết; Lãnh đạo Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Về công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Đối với công tác phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành, sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thủ tướng cho biết, việc phổ biến luật, nghị quyết đã được thực hiện.
Cụ thể, đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024; 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành chủ trì tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh mới biên soạn tài liệu giới thiệu 7 Luật.
Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Đề cập một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành.
Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành. Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời.
Thêm vào đó, nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế: Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp như: Ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành;
Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn của bộ, sở, ngành địa phương được giao tham mưu tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước…
Ngoài ra, tổ chức soạn thảo ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có cùng hiệu lực với văn bản được quy định chi tiết nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.