Nhập cảnh trái phép từ biên giới vào Việt Nam: Rất có thể sẽ gây ra những ổ dịch mới

Thanh Lam – Lê Liên

Dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạo trên thế giới. Bởi vậy, việc một người nghi nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mấy này qua đã gây bức xúc dư luận.

Tổng rà soát vì 1 người “vượt rào”

Trước thông tin về trường hợp một phụ nữ nhập cảnh trái phép về Việt Nam, ngày 31/5, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa bàn và thông báo cho các đơn vị, địa phương liên quan để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời, ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng gửi văn bản khẩn đến bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Cao Bằng về việc tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Trao đổi thêm với PV, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc sở Y tế Cao Bằng cho biết, sau khi nhận được lịch trình của cô gái nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc qua Cao Bằng không khai báo cách ly. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở tỉnh, đã cho tiến hành rà soát lại đường đi của cô gái này trên địa bàn để có biện pháp ngăn chặn dịch.

“Mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã báo kết quả âm tính, nhưng chúng tôi vẫn đang tiến hành tổng rà soát không chỉ riêng đối tượng này mà còn nhiều đối tượng khác. Tăng cường lực lượng ở các lối mòn, để kịp thời phát hiện những trường hợp nhập biên trái phép đưa vào khu cách ly, tránh gây hoang mang cho mọi người”, ông Phong cho hay.

Ý thức kém làm khổ bao người

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế cho rằng những người có ý thức kém như vậy sẽ gây ra những mối nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng.

“Hiện nay, Việt Nam đã trải qua hơn 40 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân không còn phải giãn cách xã hội nữa mà được sinh hoạt bình thường. Nên những người nhập cảnh trái phép, đi theo đường món lối mở, đặc biệt là sống trong điều kiện điều hoà nhiệt độ, đi siêu thị, dự hội nghị… rất có thể gây ra những ổ dịch”, ông Nga bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng việc nhập cảnh trái phép gây ra mối nguy hại cho cộng đồng.

Nêu lên thực trạng khó khăn trong kiểm soát người nhập cảnh trái phép, ông Nga cho hay, ngành y tế chỉ kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Còn việc đi theo đường mòn, lối mở thì ngành y tế khó bao quát. Không chỉ có vậy, lực lượng biên phòng cũng khó kiểm soát hết được người đi theo đường mòn.

Vì vậy, ông Nga cho rằng vấn đề ở đây là phải nâng cao ý thức cảnh báo cộng đồng, gia đình, người thân, quần chúng phải thông tin đến cơ quan chức năng khi có người lạ từ nước ngoài về. Bên cạnh đó, phải cảnh báo đến cộng đồng bằng con đường thông tin đại chúng, bằng công văn giấy tờ tăng cường kiểm soát người lạ.

“Mặc dù người phụ nữ trên đã có kết quả âm tính, nhưng dư luận vẫn rất bức xúc và cho rằng cần phải phạt thật nặng để làm gương về ý thức trách nhiệm khai báo y tế, tôi cho rằng điều này đã có trong quy định của Chính phủ, cứ theo luật mà làm. Ý thức kém của một người sẽ làm khổ cả hệ thống phòng, chống dịch suốt từ đầu mùa đến nay”, ông Nga nhấn mạnh.

“Mặc dù người phụ nữ trên đã có kết quả âm tính, nhưng dư luận vẫn rất bức xúc và cho rằng cần phải phạt thật nặng để làm gương về ý thức trách nhiệm khai báo y tế, tôi cho rằng điều này đã có trong quy định của Chính phủ, cứ theo luật mà làm. Ý thức kém của một người sẽ làm khổ cả hệ thống phòng, chống dịch suốt từ đầu mùa đến nay”, ông Nga nhấn mạnh.

Theo ông Nga, để tránh việc người dân nhập cảnh trái phép, đi theo đường mòn lối mở trốn khai báo, cách ly y tế theo quy định thì cần phải tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Đồng thời, phải có sự giám sát chặt chẽ.

Nói thêm về vấn đề pháp lý, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, đoàn Luật sư TP.Hà Nội - nhận định, mặc dù trường hợp trên cho kết quả âm tính. Nhưng cô gái này đã có hành vi nhập cảnh trái phép, vi phạm quy định của bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017 về “tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh" quy định tại điều 347).

“Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Kiên nói.

Luật sư Phạm Hồng Kiên

Ngoài ra, theo luật sư Kiên, Trung Quốc được coi là vùng có dịch thuộc nhóm A, cô gái này còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi: “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.

“Các trường hợp trên đã không khai báo y tế, hoặc không chịu áp dụng các biện pháp cách ly y tế chỉ tính tới lợi ích của cá nhân mà không nghĩ tới sức khỏe tính mạng của cộng đồng. Các hành vi này đã vi phạm quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm”, luật sư Kiên thông tin.

Theo luật sư Kiên, hành vi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh, gây những hậu quả xấu cho xã hội và đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người. Nếu có đủ dấu hiệu của “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 BLHS, đó là hành vi của người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc. Mức hình phạt đối với tội này lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, luật sư Kiên nhận định thêm, các tỉnh biên giới cần tăng cường công tác quản lý, thắt chặt các cửa ngõ vùng biên để có thể kiểm soát người vượt biên trái phép tốt hơn.

Đồng thời với các hành vi che dấu của người thân mà không khai báo cũng cần xử lý nghiêm. Như vậy người trốn sẽ sợ ảnh hưởng đến cha mẹ, vợ/chồng,…

Đi theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết, một người phụ nữ sinh năm 1990 đã đi theo đường mòn, lối mở từ Trung Quốc vào tỉnh Cao Bằng vào tối 28/5, sau đó đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Sau khi tiến hành rà soát, điều tra dịch tễ của bệnh nhân, nghi nhiễm Covid-19 nên đưa vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để cách ly, theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xác nhận, Khoa đang tiếp nhận và cách ly trường hợp này. Kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy người phụ nữ này âm tính với virus SARS-CoV-2 và đang tiếp tục được cách ly, theo dõi.

T.L-L.L