Nhiều ngành học năm 2021 đạt 30 điểm vẫn trượt, năm nay có lặp lại?

Nhiều ngành học năm 2021 đạt 30 điểm vẫn trượt, năm nay có lặp lại?

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Chủ nhật, 11/09/2022 10:30

Năm nay có 1/3 số thí sinh không tham gia xét tuyển đại học, tuy nhiên một số chuyên gia dự báo, điểm chuẩn một số ngành hot năm nay vẫn sẽ cao như năm trước.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều ngành ghi nhận điểm chuẩn đạt mốc 30 điểm mới có thể trúng tuyển. Cá biệt, có những ngành giữ mức điểm chuẩn vượt mốc 30 điểm, tính cả điểm thi và cộng điểm ưu tiên. Như vậy, những thí sinh không có điểm ưu tiên sẽ mất cơ hội vào những ngành mình yêu thích.

Cụ thể, ngành Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn khối C00 (Văn, Sử, Địa) lên tới 30 điểm.

Với 30,34 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa), thí sinh là nữ mới có thể đỗ được vào ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Dù thang điểm theo quy định chỉ là 30 điểm/3 môn, nhưng ngành này cao hơn mức điểm tối đa tận 0,34 điểm. Tức là, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh nữ đạt mỗi môn 10 điểm vẫn trượt.

Cũng không hề kém cạnh, ngành Nghiệp vụ An ninh thuộc Học viện An ninh Nhân dân, với thí sinh nữ, điểm trúng tuyển khối C00 cũng xuýt xoát tối đa là 29,99 điểm.

Hay tại Trường Đại học Hồng Đức, một số ngành đào tạo của trường có điểm chuẩn năm 2021 rất cao. Trong đó, ngành Sư phạm Ngữ văn (chất lượng cao) ở mức 30,5, đã tính điểm ưu tiên. Kế đến là ngành Sư phạm Lịch sử (chất lượng cao) cũng lấy tới 29,75 điểm. Mức điểm cao này là đã cộng các điểm ưu tiên, khu vực.

Điểm chuẩn 2021, nhiều trường gây "choáng", liệu tình trạng này có xảy ra ở mùa tuyển sinh năm nay?

Giáo dục - Nhiều ngành học năm 2021 đạt 30 điểm vẫn trượt, năm nay có lặp lại?

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.

Chia sẻ với VTC News, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, qua phân tích các số liệu phổ điểm các tổ hợp và điểm thi từng môn thì khả năng này vẫn có, nhưng sẽ không cao. Bởi, năm nay số bài thi đạt điểm 10 ở tổ hợp khối C thấp hơn năm ngoái một chút.

Ông Tuấn vẫn nhận định, riêng với ngành hot như Hàn Quốc học, có thể mức điểm chuẩn năm nay vẫn ở mức căn bản như năm 2021, tức 30 điểm/3 môn. Còn lại các ngành học khác khối khoa học xã hội sẽ không có nhiều xáo trộn.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với Tiền Phong, năm nay, về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định như vậy, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Nhưng đặc biệt năm nay kết quả môn Lịch sử tốt hơn và môn Tiếng Anh có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, sát hơn với tình hình năng lực, kiến thức của học sinh.

Qua phân tích, thì điểm môn Lịch sử và môn Ngoại ngữ thì tỉ lệ điểm giỏi giảm đi. Về cơ bản phổ điểm năm nay vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm sẽ giảm đi một chút.

"Với phổ điểm như thế này thì năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa", ông Đức nói.

Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo dự đoán, đối với các trường, ngành "hot", điểm chuẩn sẽ không giảm, có tăng cũng không nhiều.

"Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mức điểm chuẩn như năm ngoái đã quá cao. Ví dụ, năm 2021, ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là 26,8 điểm, tức trung bình mỗi môn đã gần 9 điểm; còn ngành cao nhất lên đến 28,3 điểm, tức trung bình mỗi môn trên 9,5 điểm. Như vậy, theo dự đoán của tôi, với những ngành điểm chuẩn năm ngoái đã cao thì năm nay sẽ không cao hơn nhiều”, PGS Triệu nói

Về phía Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) cũng cho biết, hiện nay chưa thể dự đoán được mức điểm chuẩn các ngành của trường. Nhưng cũng rất có thể sẽ một vài ngành học điểm chuẩn trên dưới 30 điểm/3 môn như mùa tuyển sinh năm ngoái.

Lý do, số bài thi đạt điểm 10 khối C00 năm nay tương đương năm ngoái, số chỉ tiêu cũng bằng nhau, trong khi lại có thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác. Do đó, rất có thể sẽ có ngành học điểm chuẩn đạt ngưỡng tuyệt đối.

Là một trong những trường đại học lấy điểm chuẩn cao gần ngưỡng 30 điểm trong mùa tuyển sinh năm 2021, TS Nguyễn Triều Dương, Phó phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội, cho hay, năm nay, trường vẫn dành 49% chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm trước.

Đặc biệt với khối C00 thì mức 29,25 điểm (năm 2021) chưa hẳn là ngưỡng cao cuối cùng trong lịch sử điểm chuẩn khối C của Đại học Luật Hà Nội.

"Không thể không tính đến khả năng điểm chuẩn tiếp tục tăng gần ngưỡng tuyệt đối - 30 điểm. Bởi, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phổ điểm môn Văn và Địa lý khá ổn định, nhưng môn Lịch sử tăng, số bài thi điểm 7 trở lên nhiều hơn khá nhiều so với năm ngoái", ông Dương chia sẻ.

Sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 15/9

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng thông tin hợp dữ liệu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển: 941.759; Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng: 616.522.

Tổng số lượng nguyện vọng: 3.098.730; Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh: 5.03.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến công bố kết quả xét tuyển đại học năm 2022 vào ngày 15/9.

Còn Trường Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến công bố kết quả xét tuyển đại học năm 2022 vào ngày 17/9.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.