Nhiều người dùng xe công chỉ để giải quyết khâu oai?

Nhiều người dùng xe công chỉ để giải quyết khâu oai?

Chủ nhật, 05/05/2013 | 08:44
0
"Nếu không mua xe công thì một năm, chúng ta tiết kiệm được một nghìn tỷ đồng. Nhà nước làm gì có tiền, đó là tiền thuế của nhân dân. Tiền thuế của nhân dân thì thu cả những người buôn gánh, bán bưng. Tiết kiệm được thì dùng vào rất nhiều việc khác như cho trẻ em vùng núi bữa ăn có thịt, đến trường trong ngày rét buốt có giày. Nhìn thấy cảnh đó có ai không thấy buốt đứt ruột?", ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.

Nhiều nghìn tỷ đồng cho xe công/năm

Trong góp ý về dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vừa diễn ra, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã nhắc đến vấn đề lãng phí, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng xe công vào nhiều mục đích ngoài công việc, gây tốn kém rất nhiều tiền của nhân dân. Ông chia sẻ: "Thứ bảy, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe Nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa". Ông Lịch đưa ra ví dụ, lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp ba lần. Đó là những chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm...

Vì vậy, theo ông Lịch: "Tất cả những cái này đều giải quyết được nếu hy sinh lợi ích cá nhân. Như Văn phòng Quốc hội có vị đề nghị phát 7,5 triệu đồng/tháng thì không lấy xe, tự đi đến nơi làm việc bằng phương tiện của mình. Rõ ràng, ngân sách tiết kiệm được".

Nếu thực hiện được việc khoán xe công cho các chức danh từ thứ trưởng trở xuống, mỗi năm chúng ta có thể tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi có chủ trương khoán xe công từ năm 2006, đến nay cả nước mới chỉ có một quan chức tại Văn phòng Quốc hội thực hiện đó là ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (hiện nay ông Thuận đã về hưu). Sau khi tự nguyện xin thực hiện khoán, ông Thuận đã trả lại chiếc xe Camry 2.4. Hình ảnh một cán bộ của Văn phòng Quốc hội hàng ngày đi làm bằng xe ôm, taxi đã gây xôn xao dư luận, giới quan chức một thời gian dài...

Xã hội - Nhiều người dùng xe công chỉ để giải quyết khâu oai?

Dùng xe công đi đón dâu

 "Ngồi trên xe thấy hổ thẹn với dân"

Tuy nhiên, khi ông Thuận nghỉ hưu cũng là dấu chấm hết cho một chủ trương đúng đắn.  Để có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với vị nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội này.

Sau gần bảy năm chắp bút, trình dự thảo Nghị quyết khoán xe công để Thường vụ Quốc hội thông qua, tâm trạng của ông như thế nào khi rất ít quan chức thực hiện và ông lại được báo chí nhắc đến như một "người lữ hành cô độc"?

Tôi nghĩ là trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa X, lúc đó một vị nguyên Tổng bí thư có nói, không được nói một đằng, làm một nẻo, nói sao thì phải làm vậy. Tôi mong rằng những nghị quyết, chủ trương đã đưa ra thì phải thực hiện nghiêm túc chứ không nên đưa ra rồi để đấy.

Khi ông còn đương chức, vì sao ông chọn phương án dùng xe khoán thay vì dùng xe công.

Tôi thấy bản thân chưa làm được gì cho nhân dân mà mình cứ ngồi trên cái xe như thế, bắt nhân dân gánh thuế nuôi mình thì  thấy xấu hổ. Mình cứ nôn nóng làm cái nọ cái kia nhưng cuối cùng không làm được nên ngồi trên cái xe đó lắm cũng thấy hổ thẹn.  Thứ hai, mình làm việc này cũng là ích nước lợi nhà, lợi cho nhân dân. Ông Vũ Văn Ninh lúc đó là Bộ trưởng bộ Tài chính có nói, nếu không mua xe công thì một năm tiết kiệm được một nghìn tỷ đồng. Một nghìn tỷ đồng thời đó chắc tương đương với nhiều nghìn tỷ đồng bây giờ, theo tính toán trượt giá. Nhà nước làm gì có tiền, đó là tiền thuế của nhân dân. Mà tiền thuế của nhân dân thì kể cả những người buôn gánh bán bưng cũng phải đóng.

Tiết kiệm được điều đó, dùng được vào rất nhiều việc khác như cho trẻ em vùng núi bữa ăn có thịt, đến trường trong ngày rét buốt có giày. Tôi nghĩ, tôi ngồi trên xe công cũng không kiếm ra được số tiền khoán ấy. Cho nên tôi nghĩ làm như thế là tiết kiệm cho mình và cũng là tiết kiệm cho nhân dân. Mặt khác, điều trực tiếp nhất là dự thảo nghị quyết đó là phân cho tôi, tôi trực tiếp chắp bút, đó là vấn đề tôi trăn trở trong rất nhiều năm. Nghị quyết đó đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải qua 6-7 lần trình lên mới được thông qua. Mình trình lên mà mình không làm thì chẳng khác nào mình "bôi tro trát trấu" vào mặt mình. Rất tiếc, những người kí để thông qua đáng lẽ cũng phải làm nhưng họ không làm.

"Tiền tiết kiệm mấy năm tôi sửa được cái nhà"

Là người trực tiếp chắp bút, trình dự thảo Nghị quyết khoán xe công để Thường vụ Quốc hội thông qua, ông có bất ngờ không khi sau gần 7 năm, có quá ít quan chức áp dụng phương án này?

Quy định này không đi được vào cuộc sống là bởi ngay người thực hiện thấy rằng: Họ không được lợi ích gì từ đó. Cụ thể, không sử dụng xe công, họ thấy mất khâu oai, khâu chễm chệ. Ngồi trên xe đó, từ cái khâu oai, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn là số tiền khoán sử dụng xe công. Rất nhiều người cân đong đo đếm cái lợi đó. 

Phải thẳng thắn nhìn nhận, khi đó nhiều người muốn hưởng ứng bởi họ thấy ngồi trên xe đó không thu được lợi gì, trong khi nếu bỏ xe công thì có rất nhiều cái lợi. Vì thế tôi khẳng định rằng những người ngồi trên cái xe đó phải có cái lợi về tinh thần, vật chất cao hơn nhiều so với người bỏ xe công để khoán. Đó là sự thật chứ không có gì khác.

Hồi đó tôi được cấp xe công Camry 2.4, có người đã bảo: Hay anh dùng xe công mới hơn, đời cao hơn và "chấm" cao hơn nhưng tôi nói: "Tôi không phải là người nói một đằng làm một nẻo". 

Khoán xe công ở Việt Nam tiết kiệm cho ngân sách nhưng nhiều người nói có khoán được 15-20 triệu đồng/tháng người ta cũng không nhận khoán?

Tôi không biết có phải các vị đó giàu có hay không nên không cần những khoản tiền khoán xe nữa. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm quy định khoán xe công được đưa ra, có người nói với tôi, nếu không đi xe công thì đến cơ quan khác làm việc không thuận lợi. Dù có được khoán cao nhưng bỏ tiền khoán đó trong túi trả taxi ai cũng tiếc. Trong khi xe công thì có lý do là đi thoải mái. Còn đối với tôi, thời đó mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được 3- 3,5 triệu đồng bằng cách đi xe ôm. Từng đó tiết kiệm trong mấy năm cũng đủ tiền sửa cái nhà.

Phương án Đà Nẵng đang áp dụng: Thành lập đội xe công vụ, tập trung toàn bộ xe công vụ mang biển số xanh về một đầu mối, Sở nào cần đi đâu, chỉ cần ới một tiếng, không quá 5 phút là có xe phục vụ, theo ông có phải là mô hình thích hợp để áp dụng tại các tỉnh và đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh?

Theo tôi, mô hình này có thể nhân rộng tại các địa phương vì tính hiệu quả, hợp lý của phương án. Tôi nghĩ, bây giờ càng phải nhân rộng việc khoán xe công. Chủ trương ấy ban hành phải quyết liệt, tất cả mọi chi phí đều tính vào lương. Bây giờ là thời điểm rất thuận lợi để thực hiện khoán xe: Xe taxi, dịch vụ rất mới và rất rẻ, đi nhanh, phục vụ nhiệt tình thuận tiện. Xe mang biển 80B đi vẫn kẹt như thường. Nhưng  mà bây giờ tôi nghĩ rằng nhiều người đi xe 80B còn làm được nhiều thứ việc hơn đi xe khoán nhiều. Họ chọn khâu oai, từ cái oai đó làm ra tiền. 

Khoán vào tiền lương  là chính sách tốt, kể cả nhà đất cũng nên khoán. Nói về tài sản công không nên chỉ dừng ở xe công, mà cần nói đến cả đất đai. Pháp luật không quy định nhưng ở cấp nào đó người ta vẫn có thể phân cho anh này mấy trăm mét, anh kia mấy chục mét. Có thể hợp lý ở điểm nào đó, nhưng không công khai nên khiến nó cứ mập mờ, khó hiểu và dễ sinh lạm dụng.

Chân thành cảm ơn ông!

Thành Huế

Truy thu tiền vì dùng xe công lãng phí

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa cho biết, đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Điện lực (CĐĐL) TPHCM thu hồi tiền do sử dụng xe công lãng phí đối với 2 ông Nguyễn Tấn Nghiệp và Phan Thanh Đức (nguyên hiệu trưởng và hiệu phó).

Siêu xe, xe công vụ tấp nập tại đền thiêng Hà Tĩnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Đền Củi còn được gọi là đền chợ Củi, thờ quan Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) luôn tấp nập vào những ngày đầu năm. Năm nay, đền thiêng này xuất hiện nhiều xe sang, siêu xe và xe công vụ.

Video: Hàng loạt xe công vụ đưa tang một cán bộ huyện

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:04
Hàng loạt xe công vụ diễu hành tại đám tang một lãnh đạo tại huyện Kom Tum.

Hàng loạt xe công vụ đưa tang một cán bộ huyện

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:16
Trưa ngày 24/3, một đám tang 'khủng' đã được diễu hành trên đường phố Kon Tum. Hàng chục chiếc xe của cảnh sát, bệnh viện, quân sự và các cơ quan tại địa phương đã tham gia lễ đưa tang hoành tráng này.