Những cái bẫy ngọt ngào mang tên “khuyến mại”

Những cái bẫy ngọt ngào mang tên “khuyến mại”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Khi tổ chức tiệc, đặc biệt là tiệc cưới tại nhà hàng, ngoài việc bị “ăn bớt” nguyên liệu chế biến món ăn, khách hàng còn bị sập bẫy với nhiều chiêu tinh vi.

Thông thường, các hợp đồng đặt tiệc cưới đượ̣c các nhà hàng soạn sẵn nên khách hàng thường rơi vào thế bị động, nếu không đọc kỹ hợp đồng cùng các điều khoản ràng buộc rất dễ bị thiệt đơn thiệt kép khi xảy ra sự cố. Thời điểm bản hợp đồng được thực hiện thường cách ngày cưới khoảng 1 - 2 tháng.

Khách hàng thường ở thế bị động nên một chiêu cũ rích của các nhà hàng là tung hỏa mù phủ đầu khách hàng bằng một loạt những khuyến mại “khủng”. Thực chất của chiêu khuyến mãi là nâng cao giá lên rồi làm bộ giảm giá từ 40% - 70%, khiến không ít khách hàng hoa mắt.

Một chiêu cơ bản mà bất kỳ nhà hàng nào cũng sử dụng đó là việc ép hàng loạt những dịch vụ tối thiểu như trông giữ xe, bàn tiếp nước đầu giờ, âm thanh, ánh sáng sân khấu, hộp để phong bì mừng cưới, phông cưới… gán vào mác những ưu đãi khách hàng được hưởng. Tuy nhiên, những ưu đãi đó mang tính chất cơ bản, thậm chí còn có những nơi cẩu thả tới mức khách hàng buộc phải móc hầu bao chi trả để chất lượng được như ý.

Xã hội - Những cái bẫy ngọt ngào mang tên “khuyến mại”

Cẩn thận với những “bẫy” khi đặt tiệc nhà hàng

Cô dâu Thu Vân chia sẻ về lần đi đặt tiệc cưới tại khách sạn P.N (Thụy Khuê, Tây Hồ, HN): “Thường những khuyến mại sẽ gia tăng theo số mâm cỗ mình đặt. Khi mình chốt số mâm tiệc là 45 mâm thì được cậu phụ trách kinh doanh thuyết phục cố thêm 5 mâm nữa để lấy khuyến mại khá hời là chiếc bánh cưới 3 tầng giá gần 1 triệu đồng”. Bị thu hút bởi mức ưu đãi hời từ phía nhà hàng nên Thu Vân gật cái rụp quyết định tăng thêm số mâm theo tư vấn.

Đến ngày cưới, Thu Vân mới té ngửa ra là chiếc bánh cưới trị giá tiền triệu gọi là 3 tầng kia thực chất chỉ có 1 tầng trên cùng là bánh thật còn 2 tầng là giả, chỉ dùng trang trí cho đẹp mắt. So với giá tại các cửa hàng bánh ngọt, chiếc bánh đó chỉ đáng giá khoảng 300.000 đồng – 400.000 đồng. Trong khi đó, số khách đến tham dự tiệc cưới của cô mặc dù khá sát với dự kiến ban đầu nên số mâm mà cô tặc lưỡi rơi vào tình trạng “ế toàn tập”.

Đến nước này, Thu Vân chỉ còn biết chép miệng: “Cũng vì tham khuyến mại mà không tính toán kỹ nên số tiền cho mấy mâm cỗ ế còn gấp cả chục lần giá trị cái bánh khuyến mại”.

Cũng như Thu Vân, cặp đôi Ngọc Anh - Minh Tú (Láng Hạ, Hà Nội) lại bị phía các nhà kinh doanh dịch vụ tung hỏa mù bằng chiêu giảm cực sốc để hỗ trợ khách hàng. Được giới thiệu về dịch vụ MC đảm bảo đã qua đào tạo bài bản cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tế, kèm với mức giá giảm sau khi giảm 70% còn 500.000 đồng.

Đến giờ tổ chức hôn lễ, Ngọc Anh và Minh Tú được phen ngượng chín mặt bởi MC thì thao thao bất tuyệt: “Công cha như “lúi” Thái Sơn…” còn quan khách bên dưới thì không nhịn được cười.

Chưa hết, chàng MC dường như quá “sung” lại liên tục pha trò bằng những chiêu hài hước rất vô duyên, khiến đám cưới của mình trở thành một sân khấu tấu hài bất đắc dĩ. Cặp vợ chồng trẻ không khỏi bức xúc khi kể về sự cố không đỡ nổi trong đám cưới của mình.

Tâng bốc về chất lượng cùng cung cách phục vụ là bài ca muôn thưở của các chủ nhà hàng khách sạn, khiến không ít người rơi vào “mê hồn trận”. Đối với trường hợp này, Ngọc Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Lần đặt cọc đầu tiên (khoảng 3 - 5 triệu đồng) là mức giá chung cho tất cả mọi người khi quyết định làm hợp đồng. Bạn cần đặc biệt chú ý số tiền này sẽ không đượ̣c hoàn trả hoặc chỉ hoàn trả 1/3 nếu bạn hủy cam kết. Vì thế, nếu bạn vẫn còn băn khoăn lựa chọn giữa vài điểm đặt tiệc hay chưa tìm hiểu kỹ về dịch vụ nơi mình đến thì lời khuyên cho thời điểm này là bạn không nên mang tiền theo trong người vì với tâm lý có tiền trong túi sẽ khiến bạn không ngại ngần mà đặt cọc ngay”.

Nhiều nơi, khi làm hợp đồng thì rất chặt chẽ về các hình thức phạt vi phạm đối với khách hàng nhưng lại lờ những tình huống mà lỗi từ phía mình như phòng tiệc phải tu sửa đột xuất không nằm trong kế hoạch hay hội trường đượ̣c trưng dụng để phục vụ cho nhiệm vụ khác… Các tình huống này có khả năng sẽ xảy ra ở các địa điểm kinh doanh trực thuộc các cơ quan đoàn thể của nhà nước: Khách sạn La Thành, Trung tâm hội nghị quốc tế, Trung tâm phụ nữ và phát triển…

Nhắc đến đám cưới của mình, Ngọc Linh (Cầu Giấy) không khỏi hú hồn kể lại: “Được nhiều người tư vấn nên mình rất yên tâm đặt phòng trước đám cưới 2 tháng ở khách sạn L.T (Đội Cấn). Đen đủi thay, cách ngày cưới 1 tháng, phía bên khách sạn có kế hoạch đón tiếp một đoàn đại biểu nước ngoài quan trọng tới thăm nên hầu như phải dừng hết các hoạt động kinh doanh trong thời điểm đó để phục vụ. Và đương nhiên, hội trường mình tổ chức đám cưới cũng bị trưng dụng. Cũng may mà phía bên khách sạn cũng có trách nhiệm nên họ đã liên hệ giúp mình chuyển sang địa điểm khác.

Mặc dù không được đẹp cũng như thuận tiện bằng nơi cũ nhưng dù sao vẫn còn may mắn bởi ngày cưới đã định rồi cũng khó thay đổi, còn tìm được chỗ khác là may rồi”. Ngọc Linh cũng lưu ý thêm: “Nếu trong hợp đồng không thấy nhắc đến phương hướng giải quyết hoặc phương hướng đưa ra không thỏa đáng và làm cho bạn yên tâm thì bạn có thể yêu cầu có một sự thỏa thuận thêm ở bản phụ lục hợp đồng”.

Anh Minh Ngọc (phụ trách kinh doanh tại Khách sạn La Thành) cho biết: “Các khuyến mại này thường ở mức “đại trà”, nghĩa là ai đặt tiệc cũng sẽ được hưởng nên đôi khi cũng không thể làm hài lòng các cặp đôi ưa thích sự cầu kỳ độc đáo. Ví dụ như phông cưới có một vài mẫu đơn giản, hay âm thanh, ánh sáng chắc chắn sẽ không đủ chuẩn để sử dụng cho biểu diễn văn nghệ hay nhạc sống… Vì thế, khách hàng cần tham khảo trên thực tế để quyết định có sử dụng các dịch vụ đó hay sẽ từ làm để mang vào trang trí tiệc cưới”.

P.V