Những câu chuyện ở lớp học xóa mù chữ

Những câu chuyện ở lớp học xóa mù chữ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Nếu không nghiện ma túy, không bị bắt vào trại cai nghiện, thì có lẽ đến bây giờ anh vẫn chưa biết cái cảm giác của một học sinh lớp một ê a ghép vần nên những con chữ.

Đó là trường hợp anh Phan Văn Ch. (SN 1967, ở Mỹ Đức, Hà Nội), người mà tôi đã gặp tại lớp xóa mù chữ của Trung tâm bảo trợ xã hội 2, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội.

Xã hội - Những câu chuyện ở lớp học xóa mù chữ

Lớp xóa mù 2 của thầy giáo Nguyễn Duy Bình phụ trách (ảnh lớn) Anh Phan Văn Ch. là “học sinh” lớn tuổi nhất đang theo học lớp xóa mù (ảnh nhỏ)

Lớp học đặc biệt

Tất cả học sinh trong lớp đều là đối tượng đang được giáo dục, cải tạo tại trung tâm. Anh Nguyễn Duy Bình (SN 1975, ở Ba Vì, Hà Nội), người đã gắn bó với trung tâm từ 10 năm nay, làm công tác đứng lớp xóa mù cho chúng tôi biết: “Lớp học của anh là lớp học có nhiều điều đặc biệt nhất: Học sinh đặc biệt, giáo trình đặc biệt, cách giảng dạy cũng đặc biệt”.

Nhìn quanh lớp một lượt, tôi hiểu cái đặc biệt mà anh nói đến. Họ đều là những học sinh lớn tuổi, vào trung tâm trước hết là để giáo dục, để cải tạo. Việc học chữ và được biết chữ đối với họ như một điều bất ngờ, một “giấc mơ” mà có khi chưa bao giờ họ dám mơ. Tuổi đời của họ thì đã quá xa so với cái tuổi lớp 1, lớp 2. Quần áo họ mặc trên người không phải là những bộ đồng phục được thiết kế logo như các trường tiểu học bình thường mà là những bộ quần áo dành cho học viên trong trại.

Em Võ Thị Đ. (SN 1994), quê ở Kiên Giang, cũng là “học sinh” nhỏ tuổi nhất tâm sự với chúng tôi: “Em không nghĩ vào đây lại được đi học như thế này. Xưa ở nhà bố mẹ nghèo không có tiền cho đi học. Em chơi ma túy đá và khi bị bắt vào đây em cứ nghĩ rằng mọi chuyện thật là tồi tệ. Nhưng vào đây lại có được may mắn là biết đọc, biết viết mà không cần người khác đọc hộ như trước đây nữa”. Mắt Đ. sáng lên những ánh nhìn rạng rỡ “khoe” với tôi như một kỳ tích: “Bây giờ em có thể tự viết thư về nhà đấy chị ạ. Hôm vừa rồi mẹ em viết thư lên bảo không ngờ cái Đ. nhà mình đi trại mà lại biết viết chữ. Thật hạnh phúc quá!”.

Hầu như các học viên trong lớp xóa mù này đều cùng tâm trạng như Đ. Tôi ngạc nhiên khi được anh Bình giới thiệu có 3 học sinh nam trong lớp đều là người Hà Nội. Trong số ba nam sinh ấy, tôi đặc biệt lưu ý đến trường hợp của anh Ch., là “học sinh” lớn tuổi nhất trong lớp xóa mù. Anh Ch. vào trung tâm này đã được hơn một năm, và theo “liệu trình” cải tạo thì anh còn hơn một năm nữa mới được trở về nhà. Anh rất chăm chú nhìn bài giảng của thầy và ngồi ngay ngắn say sưa như muốn nuốt từng con chữ vào tận trái tim mình.

45 tuổi mới học... lớp vỡ lòng

Anh Ch. là đối tượng nghiện ma túy từ năm anh mới 20 tuổi. Anh kể: “Ngày ấy, tôi cũng không nhận thức rõ được về tác hại của ma túy nên theo lời bạn bè thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không biết”. Một thời gian sau đó, anh đã cố gắng cai nghiện, lấy vợ, có con, nhưng sức mê mị của ma túy đã kéo anh trở lại với đời nghiện và rồi anh không còn đủ nghị lực để dứt bỏ nó. Cho đến một lần khi đang say men thuốc với bạn bè “cùng hội cùng thuyền”, anh bị công an bắt và phải vào đây cai nghiện, cải tạo.

Những ngày đầu bị đưa vào trại, Ch. cũng như bao người, day dứt tự trách mình “ngu” nên phải bị cầm tù. Nhưng anh bảo cái chữ “phải” mà anh day dứt bao nhiêu ngày ấy giờ đã không còn phù hợp nữa. Anh thấy “may” nhiều hơn. May vì nhờ “bị bắt” vào trại mà anh đã dứt tình đoạn nghĩa được với “nàng tiên nâu”. May hơn nữa là việc anh đã tự tin với cuộc sống sau này hơn vì không ai còn gọi anh là “thằng mù chữ” được nữa.

Ch. đã có hai người con, đứa lớn năm nay 11 tuổi, đứa bé 9 tuổi. Cả hai đứa con anh đều được đi học và đang ở với họ hàng nội ngoại. Khi tôi hỏi lý do, anh buồn buồn chia sẻ: “Tôi đúng là một thằng đàn ông không tốt. Khi lấy vợ, tôi đã thề sẽ không bao giờ vướng vào nghiện hút nữa, và tu chí làm ăn, nuôi vợ nuôi con. Nhưng không ai học được chữ ngờ. Tôi đã không biết trân trọng hạnh phúc trong tay mình. Bây giờ, vợ đã bỏ đi, con thì bơ vơ ngóng bố từng ngày”.

Vì anh là học sinh lớn tuổi nhất lớp, lại có hộ khẩu Hà Nội nên sự tò mò trong tôi dừng lại ở câu chuyện của anh. Anh cười, có vẻ ngượng ngùng kể với tôi: “Ngày xưa vì hoàn cảnh gia đình nên bố mẹ tôi không cho tôi đi học. Sau này lớn lên, chỉ biết lao động làm ăn, tôi cũng không nghĩ đến việc học chữ lại quan trọng và hay thế. Đến khi sống giữa xã hội, nhiều lúc bị đàn anh gọi mình là thằng mù chữ, và cũng vì mù chữ mà mãi không được làm “đàn anh” nên cũng thấy mình thiệt thòi”.

Bây giờ, khi ngồi trong lớp xóa mù, học những con chữ đầu tiên, anh mới hiểu được sự háo hức của đứa con mình khi nó cũng ngồi ở lớp học chữ như anh cách đây 5 năm rồi. Ỡa cái tuổi 45, anh mới bắt đầu ghép vần, luyện viết, cộng trừ những phép toán có 1- 2 chữ số. Ra đời trước cô con gái hơn 30 năm tuổi, vậy mà anh lại biết chữ sau con những 5 năm. Nhưng đúng như anh nói, dường như đó vẫn là một may mắn lớn trong cuộc đời anh vì nếu anh không vào trại cai nghiện cải tạo như thế này, thì làm sao một người đàn ông đã có con cái lớn đến tuổi đi học lại dám đăng ký đi học lớp 1 được?!

Hạnh phúc cũng có những định nghĩa riêng

Với nhiều người, đằng sau cánh cổng trại là những nỗi ê chề, là những điều đáng trách, đáng giận nhiều hơn đáng thương vì sau cánh cổng trại ấy đều là những nhân phẩm đã bị mài mòn khi vướng vào vòng xoáy của tội lỗi, của tệ nạn xã hội. Nhưng khi gặp lớp xóa mù ở Trung tâm bảo trợ xã hội, tôi mới nhận ra rằng: Hạnh phúc có những định nghĩa rất riêng từ mỗi người. Có những điều là bất hạnh của người này nhưng lại có thể là may mắn, hạnh phúc của người khác. Có những việc là sự không mong muốn nhưng rồi ở một thời điểm nào đó nó lại trở thành điều mà con người ta nâng niu, trân trọng.

Dương Thu