Bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông) chia sẻ: “Năm nay là một năm học đặc biệt, sau khi nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khoảng 3 tháng, khi trở lại trường, cả thầy và trò đều vất vả, đặc biệt đối với học sinh lớp 9, các em phải ôn thi dưới thời tiết rất nắng nóng.
Các thầy cô trường THCS Yên Nghĩa đã lên kế hoạch ôn tập kỹ lưỡng cho học sinh lớp 9 ngay từ khi quay trở lại trường, chia học sinh thành các lớp ôn theo năng lực để kết quả ôn thi chất lượng hơn”.
“Thời gian qua, trường có 7 lớp 9 và được chia thành 10 lớp học ôn theo năng lực và 6 buổi sáng/tuần, để tránh học vào buổi chiều, quá nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Mỗi lớp sẽ học 4-5 tiết/buổi tùy theo các thầy cô bố trí.
Tôi mong, trong chút thời gian cuối cùng, các em sẽ dốc sức ôn tập để “về đích” thành công với mục tiêu mà các em đã đề ra”, vị Hiệu trưởng nhắn nhủ.
Cô giáo Lê Thanh Hương, giáo viên môn tiếng Anh, trường THCS Yên Nghĩa cũng chia sẻ: “Riêng bộ môn của tôi, học sinh trường THCS Yên Nghĩa so với mặt bằng còn kém hơn. Trong quá trình ôn luyện, chúng tôi cũng có những đề thi thử để rà soát xem lực học của học sinh đến đâu để đưa ra các định hướng ôn tập phù hợp, tách lớp để ôn tập tốt hơn.
Chẳng hạn, với các con học giỏi hơn thì được luyện tập nâng cao hơn, những học sinh đang chấp chới giữa 4 và 5 điểm thì có những phần củng cố để đảm bảo các con có thể vượt qua kỳ thi”.
“Đặc biệt, đối với bộ môn tiếng Anh, đề năm nay có sự đổi mới so với đề năm ngoái. Tuy nhiên, về kiến thức thì rất mênh mông, vẫn ôn “bám” kiến thức trong sách giáo khoa, “bám” sát kiến thức cơ bản trong chương trình THCS để trang bị tốt nhất cho các con. Để làm bài tốt, các con phải tập trung chú ý hơn về vốn từ vựng, có những bài đọc có rất nhiều từ mới, rất khó, nên muốn làm tốt, học sinh phải trau dồi vốn từ”, cô Hương nhấn mạnh thêm.
Cũng chia sẻ một số lưu ý trong bài thi tuyển sinh, cô Lê Thị Minh Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Khi các con quay trở lại trường, các thầy cô và học sinh đã hoàn tất chương trình năm học và tiến hành ôn tập cho học sinh, tập trung vào những kiến thức trọng tâm mà sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra.
Quan trọng nhất là hướng dẫn kỹ năng làm đề để không bị mất điểm. Đặc biệt, hướng dẫn học sinh bổ sung thêm các kiến thức đời sống xã hội, những phần mà đòi hỏi học sinh quan sát, quan tâm đến cuộc sống bên ngoài để làm tốt bài nghị luận xã hội”.
Trải qua nhiều bài thi khảo sát và ôn luyện trên những đề thi tham khảo của thầy cô, em Ngô Khánh Vân (học sinh lớp 9A6 trường THCS Yên Nghĩa chia sẻ): “Chiến thuật ôn thi của em là một tuần ôn Toán, một tuần ôn Văn, một tuần ôn tiếng Anh. Qua những lần thi thử, em đã có thêm những kinh nghiệm khi gặp lỗi sai, được thầy cô chữa để không lặp lại lỗi sai.
Mỗi ngày em học đến khoảng 22h thì đi ngủ để giữ sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi. Thực sự em cũng khá áp lực cả về thời gian và với lượng kiến thức khá nhiều”.
Em Ngô Thanh An (học sinh lớp 9A3, trường THCS Lê Lợi) chia sẻ: “Em đã cố gắng làm bài tập, giải nhiều đề. Trong 3 môn, em có thế mạnh về tiếng Anh, còn Toán và Văn thì sức học ngang nhau. Đối với những môn không phải thế mạnh, em đã trau dồi bằng cách giải đề mỗi ngày, thực sự hiểu đề để làm cho tốt, mỗi ngày em đã dành khoảng 8 tiếng để ôn thi”.
Chia sẻ bí quyết dung nạp kiến thức, em Đỗ Minh Ngọc (học sinh lớp 9A3, trường THCS Lê Lợi) cho biết: “Mỗi ngày, em dành 8 tiếng để ôn luyện, giải khoảng 5-6 đề, sau đó, phần nào không hiểu thì em mang đến lớp để hỏi thầy cô hoặc bạn bè”.
Trong quá trình luyện đề, các con vướng mắc ở đâu, tôi sẽ hướng dẫn và giải đáp. Trong cả lớp, bất cứ học sinh nào rảnh buổi chiều nào, lên lớp, tôi đều hướng dẫn cho các con”.
C.M