Biến “bàn phím” thành vũ khí tối thượng
Sáng 21/6, tại điểm chốt phòng chống dịch Covid-19 tại cầu Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có rất đông phóng viên, nhà báo tham gia tác nghiệp. Mỗi người mỗi góc ghi lại những hình ảnh về cán bộ, chiến sỹ công an đang thực hiện nhiệm vụ tại đây. Trời về trưa, nắng như đổ lửa, mồ hôi các chiến sỹ túa ra như tắm và áo của các phóng viên cũng ướt đẫm.
Nhà báo Hoàng Thị Hồng Lam, báo điện tử Dân Trí cho biết: “Ngày này những năm trước đây là thời điểm các phóng viên thư thái gặp gỡ, trò chuyện, hàn huyên về những ngày tác nghiệp nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Năm nay, do dịch Covid-19 tại TP Vinh đang diễn biến phức tạp, chúng tôi tạm thời gác lại ngày lễ để đến các điểm chốt, truyền tải những hình ảnh mới nhất về lực lượng tuyến đầu chống dịch”.
Hoàn cảnh của nhà báo Hoàng Lam khá đặc biệt khi có chồng công tác xa nhà, trong khi đang nuôi 2 con nhỏ. Vì vậy, một phần để đảm bảo tốt nhất cho các con, phần khác cũng để an tâm công tác, nhà báo Hoàng Lam đã gửi các con cho ông bà ngoại trông hộ. Vì vậy, cứ mỗi chiều đi làm về, việc đầu tiên nữ nhà báo làm là gọi điện cho các con để vơi nỗi nhớ.
Đứng vào bóng râm sau khi chụp xong ảnh, phóng viên Kim Long, báo Pháp luật Việt Nam tỏ rõ vẻ gắng sức. Tác nghiệp nhiều giờ dưới cái nắng 40 độ cùng những đợt gió Lào (gió phơn Tây Nam) khắc nghiệt, nữ phóng viên có dáng người nhỏ bé này dường như bị quá sức. Nhưng chị vẫn cần mẫn đến các điểm chốt với mong muốn đồng hành với những lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi đây.
Đặc biệt, phóng viên Kim Long cũng có hoàn cảnh tương tự nhà báo Hoàng Lam khi chồng đi làm xa, một mình chăm sóc con nhỏ. Nhưng cố gắng sắp xếp công việc nhà, nữ phóng viên nhỏ nhắn không quản ngại khó khăn, tích cực trong công tác tuyên truyền các chỉ đạo, quyết sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19.
“Đến các điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19, tôi mới thấy được sự khó khăn, vất vả của các chiến sỹ nơi đây. Nhiều người cách nhà chỉ vài cây số nhưng chưa thể về vì nhiệm vụ, nhiều người có con nhỏ nhưng không thể gặp. Vì vậy tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều, nên chỉ có thể cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với phóng viên, cây bút, bàn phím là những vũ khí trong công tác chống dịch”, phóng viên Kim Long chia sẻ.
Đồng hành với tuyến đầu chống dịch
Từ 0h ngày 19/6, TP.Vinh bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng yêu cầu người dân thực hiện giãn cách và hạn chế đi lại. Tuyến đầu chống dịch là những y bác sĩ, cán bộ y tế và lực lượng hỗ trợ nhanh chóng triển khai tấm lá chắn chống dịch.
Thời điểm này, rất nhiều phóng viên, nhà báo cũng lập tức xông pha vào các điểm nóng, đồng hành với tuyến đầu chống dịch để kịp thời thông tin đến người dân, đồng thời hoàn thành trách nhiệm là cầu nối thông tin, hỗ trợ công tác truy vết cho cơ quan chức năng.
Phóng viên Thành Cường, công tác tại báo Nghệ An là một trong những người rất xông xáo bởi gần như khi xuất hiện dịch ở đâu trong các địa phương tỉnh Nghệ An thì nam phóng viên này đều có mặt ở đó. Thậm chí, anh cũng là một trong những phóng viên có mặt trong khu cách ly để ghi nhận về tâm tư, nguyện vọng của các bệnh nhân chẳng may nhiễm Covid-19.
Phóng viên Thành Cường tâm sự, biết là vào khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, khả năng nguy hiểm cũng sẽ vô cùng lớn. Tuy nhiên, một phần vì trách nhiệm và nghĩa vụ của phóng viên được cơ quan giao phó, phần cũng vì muốn truyền tải những thông tin về cuộc chiến với dịch bệnh nên anh chấp nhận những nguy cơ đó.
Trực tiếp ghi nhận khu vực cách ly, nam phóng viên cảm nhận rõ sự dấn thân của mình có ý nghĩa. Độc giả, người dân sẽ không thể nào biết được sự khó khăn, vất vả của các y bác sĩ khi thức trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm, những hình ảnh cán bộ y tế kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Mọi người cũng khó biết được giọt mồ hôi rơi hay làn da đen sạm vì cháy nắng của các chiến sỹ công an. Bởi thế nên, nhiệm vụ truyền tải các hình ảnh, thông tin hữu ích này phải là của những phóng viên trên trận tuyến chống dịch.
Nhà báo Trần Minh Ngọc, Chủ tịch hội nhà báo Nghệ An khẳng định: “Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng năm nay, trong bối cảnh đặc biệt cả nhân loại đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Chung sức đồng lòng cùng rất nhiều lực lượng trên tuyến đầu, đặc biệt là các chiến sỹ áo trắng, các nhà báo Việt Nam đang từng ngày, từng giờ, dấn thân, gánh vác sứ mệnh vẻ vang của người cầm bút”.