Con số khó tin về tổn thất do ô nhiễm môi trường VN

Con số khó tin về tổn thất do ô nhiễm môi trường VN

Thứ 5, 25/04/2013 | 10:13
0
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam những năm qua gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 5,5% giá trị GDP.

Theo các thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã mất 3,9 tỷ USD trong 71 tỷ USD của GDP trong năm 2007 và khoảng 4,2 tỷ USD ước tính trong 76 tỷ USD của GDP trong năm 2008; đồng thời mỗi năm thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.

Việt Nam Xanh - Con số khó tin về tổn thất do ô nhiễm môi trường VN

Ngoài ra còn tổn thất về kinh tế trên các mặt con người, mùa màng và đánh bắt thủy sản sau mỗi vụ thảm họa, hoặc một sự cố do ô nhiễm môi trường.

Những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra trước hết là thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm chi phí khám và thuốc chữa bệnh, tổn thất ngày công lao động do nghỉ ốm và tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm...

Theo điều tra của Tổng cục Môi trường tại hai tỉnh Phú Thọ và Nam Định, ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe người dân tại 2 địa phương này mỗi năm là 295.000 đồng/người. Còn tổng chi phí của những người mắc bệnh về đường hô hấp ở nội thành Hà Nội mỗi ngày lên tới 1.538 đồng/người...

Ngoài ra có 80% trường hợp mắc bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước bị ô nhiễm. Chỉ trong vòng 4 năm gần đây đã có 6 triệu ca liên quan đến ô nhiễm nước.

Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm làm cho cả người bệnh và người chăm sóc làm giảm 20% thu nhập.

Ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt.

Những sự cố gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian ngắn của một số nhà máy, cũng gây ra thiệt hại về kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Cụ thể như các vụ cá bè chết hàng loạt vào những năm 2008 và 2010 tại Đồng Nai và trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy.

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã và đang là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của Việt Nam, mặt khác làm gia tăng các chi phí cải thiện môi trường. Đặc biệt là làm phát sinh xung đột về lợi ích các nhóm xã hội trong khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường.

Rõ rệt nhất là những vụ khiếu kiện, khiếu nại gần đây liên quan đến việc xả chất thải gây tổn hại kinh tế cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của Công ty Vedan, Công ty San Miguel Pure Foods...

Còn tại các làng nghề là xung đột giữa hoạt động sản xuất của làng nghề và hoạt động nông nghiệp. Nguyên nhân do thiếu sự tham gia của tất cả các bên liên quan dẫn đến mất cân bằng về lợi ích giữa các nhóm xã hội, do cơ chế chính sách yếu kém...

Theo TTXVN

Vấn đề môi trường dưới góc nhìn Phật giáo

Thứ 2, 05/08/2013 | 16:28
Đức Phật đã chỉ ra chân lí của sự sống, rằng mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.

Ô nhiễm môi trường do nhà máy xuống cấp

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:54
Mùi khét từ quá trình phơi sấy sản phẩm gây nghẹt thở, bụi bặm bay mù trời… Đó là thực trạng ô nhiễm đáng báo động do Công ty Cổ phần Dầu thực vật Nghệ An đóng tại xã Nghĩa Tiến (Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đang hàng ngày “hành” cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Nhựa phân hủy sinh học giúp giảm ô nhiễm môi trường

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:51
Trung tâm Kỹ thuật nhựa – Cao su và Đào tạo quản lý năng lượng TP Hồ Chí Minh và Công ty Multibeauty vừa giới thiệu nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học – oxy hóa MD – 6060. Nếu sử dụng loại nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm từ nhựa, thì chỉ khoảng 600 ngày sẽ được phân hủy hoàn toàn.

Nếu không thay đổi, châu Á sẽ gánh thảm họa môi trường

Thứ 3, 16/04/2013 | 17:13
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo châu Á sẽ phải đối mặt với một thảm họa về môi trường và các vấn đề kinh tế nếu khu vực này không thay đổi cách sử dụng năng lượng triệt để của mình.