Những day dứt làng nghề nước mắm Gò Bồi

Hồng Trang

Từng nổi tiếng khắp cả nước với “tuổi” nghề 200 tuổi, chuyên làm nước mắm ngon, nhưng nơi ấy giờ chỉ còn lại trong miền ký ức đẹp của bao người.

Sự hưng thịnh của một làng nghề

Địa danh Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, từ hơn hai trăm năm trước đã nổi tiếng khắp cả nước với làng nghề làm nước mắm truyền thống.

Vào thời ấy, những thương gia như: Ông Bá Bảy, ông Thủ Thính, ông Thủ Cang, Thủ Nho, ông Cửu Xán,... là những người khởi nguồn cho làng làm mắm nơi đây. Những thùng mắm to hình hộp chữ nhật rộng 1,5 mét, dài 2 mét và cao tầm 1,5 mét, theo tỉ lệ cứ 3 kí cá là 1 kí muối, và xếp thành từng lớp một.

Nước mắm nơi đây làm thủ công từ khâu chọn cá (cá nục, cá cơm, cá sơn, cá mòi,..) đây cũng chính công đoạn này mà quy ra mỗi loại cá mỗi hương vị khác biệt và quy cách muối cũng khác nhau. Cho đến khâu “luông” (đổ-PV) nước từ thùng ủ mắm, sang thùng hứng, lại đến thùng lớn, rồi lại cho vào thùng ủ, để qua các lớp cá nó lại chảy vào thùng hứng một lần nữa, lúc ấy mới được thành phẩm.

Nước mắm Gò Bồi trải qua thời gian, đã trở thành nơi quy tụ những tinh túy của thứ đặc sản, mà khi đi đâu xa người ta cũng tự hào trao tay nhau chai nước mắm làm quà.

Vậy nên các cụ xưa mới có câu: “Nước mắm nào ngon bằng nước mắm Gò Bồi – Đã thơm lại ngọt, ăn hoài nhớ lâu”. Cũng vì lẽ đó, mà trong kí ức của người dân nơi đây, cảng mắm Gò Bồi tấp nập ghe thuyền đỗ để chuyên chở và phân phối nào nước mắm, nào mắm con, nào mắm ruốc,... đến các tỉnh trong cả nước vẫn còn như một hình tượng đáng tự hào để lưu lại hậu mãi.

Người làm nước mắm cuối cùng ở Gò Bồi

Trong một góc nhỏ của căn nhà bà Sáu Đức, mùi nước mắm nhỉ còn thoang thoảng vào không gian, như một cách để nhắc nhở rằng – nơi đây vẫn còn làm nước mắm cổ truyền. Hằng ngày bà bán ở chợ Gò Bồi, cách nhà bà tầm 2 cây số, ở tuổi 80, bà vẫn đầy tự hào khi nói đến nước mắm gia truyền. Không cầu kì hay phô trương, bà nhắc đi lại rằng: “Không phải vì tôi tham công tiếc việc, mà làm nước mắm tôi thấy thoải mái đầu óc, được đi ra chợ bán, gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người, mà quan trọng nhất là tôi có thời gian để dồn công sức cho những giọt nước mắm mình làm ra”.

Gia đình bà có 4 người con, nhưng chẳng ai theo được nghề của bà, vì họ cho rằng nó quá vất vả, kì công và tốn thời gian, mà quan trọng nhất vẫn là thu nhập thấp. “Thời buổi cạnh tranh, thị trường tiêu dùng thay đổi liên tục, một góc chợ nhỏ ở Gò Bồi này còn có mấy hàng tạp hóa bán nước mắm khác nhau, huống gì nói đến các thương hiệu nước mắm tràn lan như hiện nay” – người con trai lớn của bà Sáu Đức chia sẻ.

Hiện tại bà Sáu chỉ làm mỗi đợt tầm 100 kí cá cơm đổ lại, để dành cho gia đình ăn, một phần nữa thì bà đem ra chợ bán. Bà cho rằng, chỉ có những người thực sự sành ăn, họ mới có thể nhận thấy nước mắm nhỉ nơi đây là đặc biệt hơn cả. Với vị thanh ngọt của cá cơm tươi, vị mặn đằm mà không chát của muối, đó là sự hòa quyện của đủ thời gian, đủ công sức để làm ra được lít nước mắm với giá 100 nghìn đồng. Bà nói: “Tôi chỉ bán một vài tháng nữa là thôi, vì tuổi đã lớn, sức khỏe không còn tốt như trước, các con không cho ta ra chợ bán, rồi đêm ngày dậy sớm canh chừng từng thùng cá được nữa”.

Bà Sáu Đức mắt buồn hẳn đi, đỏ ngầu vừa nói vừa nhìn ra khung cửa sổ, bà nói “thấy tiếc lắm chứ!”. Bà tiếc cho một nghề truyền thống của quê hương, tiếc cho sự phát triển đã từng vang danh khắp nơi. Nước mắm Gò Bồi rồi cũng sẽ không còn ghi lại trong kí ức của người bản địa, để mà tự hào hay truyền tai nhau về sự phát triển của nó nữa. Vì người cuối cùng làm nghề cũng đã “về hưu”.

Nước mắm Gò Bồi chỉ là một điển hình trong vô số những làng nghề truyền thống đã và sẽ được gọi là – đã từng. Hậu bối không tin nước mắm Gò Bồi còn được quan tâm nữa, vì chính trong tỉnh Bình Định đã có hơn chục cơ sở, thương hiệu làm nước mắm, thì cái tên “nước mắm Gò Bồi” chỉ còn là kí ức, là hương vị cũ kĩ mà người thì cố gắng gìn giữ, người thì cố gắng quên. Như cái cách bà Sáu Đức đã nói: “Bây giờ nước mắm Gò Bồi đã tàn hết rồi, không còn gì để mà nói nữa đâu, chỉ toàn những chuyện cũ...”.

Thương hiệu gia truyền giờ này chỉ là chuyện đã cũ...

“Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, con người dần được thay thế bằng máy móc tối tân, các công thức cũ với một nắng hai sương cũng chỉ là chuyện viển vông, vì giờ đây đã có những loại hóa chất tẩy trắng, tạo màu, rút ngắn thời gian thành phẩm,... được chế tạo ra. Nhà nước vẫn giữ chủ trương “gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống”, còn đối với những thế hệ sau, dường như những nghề như thế họ không còn mặn mà lắm. Nhưng điều đó không thể nào ép buộc hay cưỡng chế được, vì người ta cần tồn tại vững vàng trong xã hội này – xã hội cạnh tranh và sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, hơn là heo hắt rồi vụt tắt theo thời gian”- bà Sáu Đức chia sẻ.

H.T