Những điều khó hiểu quanh vụ gỗ sưa đỏ trăm tỉ

Những điều khó hiểu quanh vụ gỗ sưa đỏ trăm tỉ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Có nhiều chi tiết bất thường xung quanh vụ bắt giữ gỗ sưa tối 7/5.

Vụ đốn hạ 3 cây gỗ huê hàng trăm tỉ đồng tại Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng đang nóng bỏng dư luận tại Quảng Bình và lan truyền khắp cả nước. Một vụ phá rừng nghiêm trọng như vậy nhưng đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt.

Xã hội - Những điều khó hiểu quanh vụ gỗ sưa đỏ trăm tỉ

Kiểm lâm kiểm tra để truy tìm gỗ sưa

Những ngày trung tuần tháng 4/2012, cả tỉnh Quảng Bình rộ lên tin đồn, người dân phát hiện ra cây gỗ sưa đỏ (hay còn gọi là gỗ huê), bán ngay tại rừng cho đầu nậu với giá 100 tỷ đồng.

Rồi tin đồn dấy lên 3 cây sưa được phát hiện, nếu đưa ra khỏi rừng có giá hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn tin này đã được một đoàn công tác thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng vào tận hiện trường ba cây gỗ sưa bị chặt để kiểm chứng.

Hàng loạt câu chuyện hệ lụy sau đó đã xảy ra. Lâm tặc, sơn tràng vào rừng, ban đầu là tìm vận may, sau đó là gùi thuê hàng và cuối cùng là cướp bóc, trấn lột, thanh toán nhau. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hàng loạt cuộc họp quan trọng để chỉ đạo, xử lý.

Tuy nhiên có một điều lạ là đến nay vụ phá rừng nghiêm trọng này chưa bị khởi tố và cũng chưa có ai bị bắt, tạm giữ dù rừng đã bị phá, súng đã nổ, người đã bị thương.

Khi PV Người đưa tin về xã Phúc Trạch (Bố Trạch) hỏi tên 11 lâm tặc chặt ba cây sưa ai cũng đọc vanh vách cả tên lẫn họ, thậm chí tuổi tác. Ấy vậy nhưng, từ ông chủ tịch UBND xã đến giám đốc VQG lại đều khẳng định “chưa thể xác định được lâm tặc”. Thiết nghĩ, nếu cơ quan chức năng khởi tố vụ án thì sẽ không quá khó trong việc điều tra, xác định các đối tượng tham gia vụ phá rừng này.

Những ngày này, Quảng Bình đang nóng ran, nóng vì thời tiết ở vùng núi đá vôi lên đến 42 độ C nhưng sức nóng về gỗ huê đỏ và những lời đồn thì không thể đo được bằng nhiệt kế. Một đại gia có tiếng và thạo tin ở đất Đồng Hới “bật mí”, vụ này các đầu nậu đã chi “luật” hết 30 tỷ đồng nên rất khó đưa ra ánh sáng.

Tại những quán cà phê ven sông Nhật Lệ, người ta nói nhiều về món tiền luật nêu trên. Ngay cả ông Lưu Minh Thành, giám đốc VQG cũng thừa nhận đã nghe thấy thông tin này.

Còn trong cuộc họp khẩn ngày 6/5 của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, một đồng chí trong Ban thường vụ cũng khẳng định rằng “việc xử lý vụ gỗ sưa đã xuất hiện sự bất thường”.

Được biết, sáng 8/5/2012, Đội kiểm lâm cơ động số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng, nêu rõ: Khoảng 20h ngày 07/5, tại xóm Mới, thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch (Bố Trạch), đơn vị này đã phối hợp với trạm Kiểm lâm liên ngành Khe Sến mật phục và bắt được 5 hộp gỗ sưa với trọng lượng 366kg, trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một số người dân địa phương mà PV Người đưa tin tiếp xúc thì cho biết: Khoảng 20h tối 7/5, tại xóm Mới, thôn Bàu Sen, khi sơn tràng vừa mới gùi gỗ sưa từ rừng về đến đầu làng đã bị lực lượng kiểm lâm phục kích.

Họ cho biết, trước đó, nhóm đầu nậu thuê dân trong xóm này gùi 10 tấm gỗ sưa. Nhưng khi vừa trong rừng ra đã bị một nhóm người lạ mặt chặn, cướp mất 3 tấm, 7 tấm còn lại khi về đến đầu thôn thì bị kiểm lâm phát hiện.

Nhóm người này đã vứt gỗ bỏ chạy. Một người đàn ông sống tại xóm Mới, thôn Bàu Sen khẳng định, thời gian đó, anh có thấy 3 chiếc xe ô tô với một đoàn khoảng 30 người mặc đồng phục kiểm lâm có trang bị súng, đùi cui bốc gỗ sưa lên xe và đi ngay.

Về vụ việc trên, một người dân ở đây nghi vấn: “Các anh có tin không?. Sơn tràng và người dân ở đây, sẵn sàng đi xuyên đêm, thậm chí là đổ máu để tìm được miếng sưa to bằng viên gạch. Dễ gì khi thấy kiểm lâm xuất hiện mà họ lại vứt 366kg gỗ rồi bỏ chạy thoát thân. Hơn nữa, trong lúc này, một tấm gỗ phách giá trị như vậy phải có hàng chục tay chân bảo vệ. Tôi thấy vụ này kiểm lâm bắt đơn giản và dễ dàng quá. Bắt giỏi như vậy thì số gỗ huê trên về tỉnh lâu rồi”.

Trong khi tình hình gỗ sưa trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng đang diễn biến phức tạp thì ngày 4/5, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình bất ngờ ra thông báo, bán lô gỗ sưa nặng 58kg. Một hội đồng định giá tài sản công được UBND tỉnh thành lập để định giá lô gỗ này. Mặc dù không có bất kỳ cơ sở đánh giá nào nhưng lô gỗ này được đưa ra giá khởi điểm là 750 triệu đồng, tức khoảng 13 triệu đồng/kg. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là, tại sao tỉnh Quảng Bình lại đưa lô gỗ ra đấu giá vào một thời điểm nhạy cảm như vậy.

Lý giải về câu hỏi này, ông Từ Minh Liên, giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cho biết: “Việc tổ chức bán đấu giá 58kg gỗ huê trên với giá 750 triệu là chúng tôi làm đúng theo quy trình. Vì số gỗ huê này đã được Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh bắt cách đây 2 năm. UBND tỉnh thành lập hội đồng định giá số tài sản trên gồm các thành phần đến từ: Sở Tài chính, UBND tỉnh, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh”. Được biết, nếu không có gì thay đổi, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào lúc 8h ngày 12/5 này.

Tuy nhiên, rất nhiều người dân Quảng Bình đặt nghi vấn xung quanh động thái này của cơ quan chức năng của chính quyền địa phương.Bởi một người bình thường có thể nhận thức rõ ràng việc tổ chức thời điểm này, việc cần kíp là tổ chức truy tìm nhóm lâm tặc và lượng gỗ sưa đã bị khai thác bất hợp pháp sao lại đi tổ chức đấu giá gỗ sưa. Có người còn nghi ngại, bọn đầu nậu nhân cơ hội này lợi dụng làm giả hồ sơ để đưa số gỗ sưa đang được cất giấu trong rừng ra để tẩu tán?

Cuộc chiến đang giai đoạn “căng thẳng”

Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhận định: “Cuộc chiến chống phá rừng Quảng Bình từ trước tới nay kéo dài dai dẳng. Vụ trọng điểm chặt hạ 3 cây gỗ huê vừa qua là minh chứng cho thấy sự lộng hành của lâm tặc. Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn căng thẳng”.

Sự việc giống nhau nhưng có hai cách xử lý

Khác với cách giải quyết chần chừ ở Quảng Bình, sáng ngày 9/5/2012, CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt khẩn cấp 7 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng đầu nguồn.

Theo đó, Phan Nhật Tân (SN 1971), trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét (thuộc Công ty LN – DV Hương Sơn); Phạm Anh Tuấn (SN 1969), trưởng ban quản lý rừng Hồng Lĩnh (thuộc Công ty LN – DV Hương Sơn); Trần Văn Khoa (SN 1974 - nguyên Trạm trưởng), Lê Quý Ly (SN 1971 – nguyên trạm phó) và Phạm Văn Cẩn (SN 1960 – kiểm lâm viên) thuộc Trạm kiểm lâm Hồng Lĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm các qui định về quản lý rừng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra còn có 2 đầu nậu là: Nguyễn Thanh Bình (SN 1965) và Nguyễn Hữu Huân đã bị khởi tố về tội Khai thác lâm sản trái phép.

Xuân Hồng