Những góc khuất trong cuộc đua tìm việc

Những góc khuất trong cuộc đua tìm việc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Nhiều phụ huynh “vác” tiền đi lo lót kiếm việc cho con nhưng lại rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.

Đua nhau mua chứng chỉ

Vừa nhận tấm bằng cử nhân trong tay, nhiều bạn trẻ đua nhau đi học thêm để “tích” chứng chỉ vì nghĩ: Càng nhiều chứng chỉ càng dễ xin việc làm. Vì thế nhiều người có cả tá chứng chỉ: Ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm… Một số sinh viên khác lại có vẻ “hiểu biết” hơn. Long Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng việc mất công đi học để có các chứng chỉ là sai lầm vì hiện nay, mua chứng chỉ dễ như mua rau. Như để khẳng định thêm, cô lôi trong túi “mớ” chứng chỉ còn mới coóng ra khoe: “Tờ chứng chỉ này tôi nhờ người bạn cùng lớp làm giúp, hết có 100.000 đồng, nếu làm thêm chứng chỉ ngoại ngữ được giảm giá còn 90.000 đồng, vừa nhanh lại chẳng mất công đi học”.

Xã hội - Những góc khuất trong cuộc đua tìm việc

Nhiều ứng viên vác cả “núi” chứng chỉ, bằng cấp vẫn không xin được việc

Một số bạn khác lại quay về “kì kèo” nhờ bố mẹ xin việc. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để có chỗ làm ổn định, nhàn hạ với thu nhập khá cho con em mình. Ông Hòa quê ở Hưng Yên tâm sự: “Tháng 6 này con tôi ra trường nhưng gia đình đã lo việc cho nó ngay từ hồi tháng 3 rồi. Cũng mất một khoản tiền kha khá nhưng đó là một công việc nhẹ nhàng, phù hợp. Mình mà không bỏ tiền ra thì không có chỗ “ngon lành”. Nhà thì nghèo thật nhưng thương con thì phải “chạy” việc”.

“Lót” cả núi tiền vẫn chưa có việc

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, những hành động trên của các bậc phụ huynh và cử nhân là do nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, nhu cầu này lại mang đến nhiều hệ lụy khó lường. Rất nhiều sinh viên mải mê học thêm chứng chỉ hoặc lo tìm mua chứng chỉ rẻ... mà quên tích lũy kinh nghiệm làm việc. Khi đi phỏng vấn xin việc, những cử nhân này chỉ biết trình nhà tuyển dụng đống bằng cấp chứng chỉ, mà không chứng minh được khả năng làm việc của mình.

Đã có rất nhiều trường hợp phụ huynh “vác” tiền đi lo lót kiếm việc cho con nhưng lại rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang. Nhiều trường hợp “chạy” việc này nhưng lại được xếp vào việc khác với đồng lương còm cõi. Đặc biệt ở nông thôn, khi đời sống người dân còn rất khó khăn thì kiếm việc cho con càng trở thành gánh nặng. Nhiều bậc phụ huynh đắng lòng thấy con ra trường mà không xin nổi việc đành cắn răng vay mượn để “chạy” việc cho con. Thế nhưng họ đâu ngờ số tiền trăm triệu ấy chỉ giúp con họ vào làm việc hợp đồng một năm rồi về nhà đợi, năm sau có thiếu thì đi làm tiếp hoặc bị thôi việc với các lý do ít việc, đang giảm biên chế, không làm được việc vì không đúng chuyên ngành.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Luận quê ở Kim Động, Hưng Yên đau xót kể về hoàn cảnh xin việc cho con gái: “Nhà chỉ có một một đứa con học hành đàng hoàng nên cả nhà dồn hết số tiền tích cóp cả đời để chạy việc. Mất hơn 100 triệu đồng chạy cho con đi dạy hợp đồng tại một trường dân lập nhưng được một năm rồi không được dạy nữa với lý do thiếu lớp”.

Xin việc theo “lệ” nhiều hơn theo “luật”

Theo TS Lưu Hồng Minh Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Các bậc phụ huynh lo việc cho con bằng cách “chạy tiền” là việc làm không tốt, cần được ngăn chặn để lành mạnh hóa, công bằng trong tuyển dụng. Có như thế xã hội mới thực sự phát triển. Không thể vì quen biết, giỏi lo lót mà chọn người yếu kém, loại bỏ những người có tài thật sự. Bởi làm như thế sẽ kéo theo hàng loạt hậu quả khó lường và phát sinh lệ nhiều hơn luật.

Hồng Mây