Những người bố nuôi mang quân hàm xanh

Anh Ngọc

Không chỉ giúp đỡ vật chất cụ thể bằng bát cơm, tấm áo mà quan trọng hơn cả, các em đã có một người bố có thể dựa vào để viết tiếp ước mơ được học tập, vươn lên và thực sự trưởng thành.

Chắp cánh ước mơ đến trường

Kết thúc năm học 2019 – 2020, không những có kết qủa học tập giỏi, Lo Văn Diệu (SN 2008) học lớp 6, trường THCS dân tộc bán trú Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An còn xuất sắc là cháu ngoan Bác Hồ toàn huyện. Trước đó, do hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, Diệu suýt nữa đã phải bỏ học do không thể đến trường cho đến khi trở thành con nuôi của đồn Biên phòng Keng Đu.

Hai người con nuôi ở đồn Biên phòng Keng Đu.

Đại úy Hà Huy Thành - Chính trị viên đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: “Hoàn cảnh của cậu bé vô cùng đáng thương. Bố đẻ mất sớm, mẹ của Diệu đi thêm bước nữa rồi cùng chồng mới đi làm ăn xa. Vì vậy, Diệu phải sống cùng người ông nội, là bố người chồng sau của mẹ ở bản Huồi Phuôn 1. Đây là khu vực rất khó khăn ở huyện miền núi Kỳ Sơn”.

So với những đứa trẻ khác trong xã, Diệu được xem là tấm gương vượt khó, học giỏi. Năm lớp 5, em từng đạt giải Khuyến khích học sinh giỏi môn Toán cấp huyện. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, gia cảnh không cho phép nên em khó lòng đến trường được nữa. Biết được hoàn cảnh của em, cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Keng Đu, thầy cô giáo và cán bộ ở xã đã đến tận nhà để tìm hiểu gia cảnh, thông báo chủ trương nhận con nuôi, hỏi ý nguyện của các em và gia đình...

Ngày 5/9/2019, Lo Văn Diệu cùng với Xeo Văn Điệp (SN 2008, cũng là học sinh nghèo trong xã) đã chính thức trở thành con nuôi của đồn Biên phòng Keng Đu. Cả 2 em được đưa về đồn nuôi dưỡng.

“Gia đình của Điệp cũng khó khăn không kém. Bố và mẹ của con đi làm ăn xa rồi mất tung tích, Điệp sống cùng bà ngoại đã già yếu ở bản Huồi Lê. Con cũng là người học rất tốt nhưng do hoàn cảnh nên khó có thể đến trường. Tại đồn, 2 con được bố trí chỗ ăn ở, có góc học tập riêng. Chúng tôi phân công cán bộ chiến sĩ thay nhau quản lý, kèm cặp, hướng dẫn,… giúp các con được đến trường”, Đại úy Thành nói.

Ở đồn Biên phòng Keng Đu, Diệu và Điệp đã có một gia đình đúng nghĩa. Các cán bộ, chiến sĩ của đồn chăm lo cho các em hết sức chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ đến hướng dẫn học tập. Lo Văn Diệu vui sướng kể: “Ở nhà mới, các bố đều rất thương yêu cháu. Ở đây, cháu được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay. Chỉ sau một thời gian ở, bọn cháu đã biết vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo và có thể gấp chăn màn gọn gàng theo kiểu bộ đội...”.

Niềm vui của Diệu và Điệp chính là tâm trạng chung của nhiều trẻ được các đồn biên phòng nhận nuôi. Em Ngân Gia Hảo, lớp 5B, trường tiểu học Tri Lễ 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là 1 trong số hơn 100 học sinh được bộ đội Biên phòng Nghệ An nhận đỡ đầu trong thời gian từ tháng 1/2016 tới nay. Nhà nghèo, bố mất sớm, Gia Hảo được các “bố” đồn Biên phòng Tri Lễ nhận nuôi. Được ăn, được đến trường, kết quả học của em tốt lên từng ngày. Vì thế, Ngân Gia Hảo cho biết, ước mơ sau này lớn lên được trở thành chiến sĩ biên phòng như các chú, các cô để bảo vệ đất nước, giúp đỡ mọi người.

Hai cháu Thò Bá Xa và Xồng Bá Tu được Đồn Biên phòng Nậm Càn nhận nuôi.

Dùng lương nuôi học sinh biên giới

Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” chính thức bắt đầu được thực hiện từ tháng 8/2019. Mô hình này xuất phát từ chương trình Nâng bước em tới trường được Biên phòng Nghệ An triển khai từ nhiều năm nay.

Những cháu được nhận làm con nuôi là trẻ trong độ tuổi từ 6-15 tuổi (có thể nhận nuôi các cháu có độ tuổi nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo được việc chăm sóc), là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi, các cháu con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới. Mỗi đồn biên phòng tùy theo tình hình thực tế ở địa bàn để nhận “con nuôi” phù hợp, từ 2-3 cháu... Với sự chăm lo chu đáo, chắc chắn các cháu sẽ có sức khỏe tốt, có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, tương lai trở thành người có ích cho xã hội.

Hiện đã có 7 đồn Biên phòng nhận nuôi 17 cháu, trong đó có 12 cháu trực tiếp nuôi tại đơn vị, 5 cháu nuôi tại gia đình. Có 12 cháu mồ côi bố, 1 cháu mồ côi mẹ, các cháu còn lại đều trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả bộ Chỉ huy đã nhận đỡ đầu 106 em, trong đó có 19 trẻ em người Lào.

Những cháu bé là con nuôi của bộ đội.

Theo Đại tá Trần Hải Bình, các em ở những khu vực này là những mảng đời rất nhạy cảm, nếu không giáo dục tốt, các em có nguy cơ rẽ sang hướng tiêu cực nhiều hơn, vì thế lực lượng Biên phòng Nghệ An, ngoài việc làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới còn phải làm tốt công tác tạo nguồn những nhân cách tốt ở hai tuyến biên giới.

Điển hình, trường hợp em Xeo Văn Phiên, dân tộc Khơ Mú, trú bản Cơ-đu, cụm bản Huồi-lôm, huyện Nọng-hét, tỉnh Xiêng-Khoảng (Lào), bố mẹ mất sớm, hiện em ở với anh trai, và đời sống hết sức khó khăn, vì vậy bộ Chỉ huy đã giao cho đồn biên phòng Ngọc Lâm đỡ đầu.

Các em được đến trường, được nuôi dưỡng ước mơ.

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” đã tiếp nối truyền thống nhân ái của dân tộc, lan tỏa yêu thương đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở khu vực vùng cao, biên giới, miền biển. Qua đó, nhiều học sinh đã được giúp đỡ, chia sẻ, động viên, khích lệ kịp thời, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; học tập, rèn luyện, nuôi dưỡng ước mơ. Trong đó, em La Thị Nga (dân tộc Đan Lai) một trong những học sinh được đồn Biên phòng Môn Sơn nhận nuôi từ lớp 5. Hiện nay, em đã tốt nghiệp trường đại học Vinh và đang làm nghiên cứu sinh tại Israel.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã thực hiện rất tốt những chương trình nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để được học tập, vươn lên vượt khó. Đây là mô hình hay, ý nghĩa, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn thời gian tới càng nhiều cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm cùng chung tay, thể hiện trách nhiệm cộng đồng vì tương lai của các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương.

A.N