Những người mò mẫm mưu sinh giữa lòng thành phố

Những người mò mẫm mưu sinh giữa lòng thành phố

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:27
0
Ngâm mình dưới dòng nước thải đen ngòm, chịu đựng mọi thứ mùi hôi thối, đi theo những con vật trú ngụ ở nơi bẩn thỉu nhất, mang theo những mầm mống gây bệnh, hay chuyền cành là những loại nghề "độc" được một số người lựa chọn để mưu sinh giữa thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

Mưu sinh trong dòng nước thối

TP.HCM những ngày cuối năm, không khí xuân đang tràn về. Trên các tuyến phố, "người ta" đã trang hoàng đèn hoa đủ sắc màu lộng lẫy. Trên con đường quen thuộc, ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ tại khu phố 13, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) vẫn thong dong đẩy chiếc xe cà tàng để mò ve chai ở kênh Tân Hóa. Lòng kênh đã bị lấp gần hết, chỉ còn một dòng nước thải đen ngòm, ông Hoàng tay thoăn thoắt quờ quạng dưới bùn lôi lên từng chiếc chai nhựa, cọng sắt rỉ. Ông chia sẻ: "Tôi làm nghề mò ve chai này cũng được 30 năm rồi. Cả nhà tôi ba thế hệ đều làm nghề nhặt, mò ve chai. Một ngày của tôi bắt đầu từ 7h sáng đến 14h chiều". Để kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày, ngày nắng cũng như mưa, ông phải lội dọc con kênh này, dễ chừng cũng 2 - 3 cây số.

Cũng trầm mình dưới dòng nước thải, nhưng ông Ba Lâm (56 tuổi, quê An Giang) thì chọn cách chui vào trong cống nhặt phế liệu. Người đi đường đôi lúc lại nhìn thấy bóng ông thoắt ẩn thoắt hiện trong các ống cống. Trong bộ dạng lấm lem bùn đất, cơ thể bốc ra mùi hôi khó chịu, ông Ba Lâm không ngại ngần trò chuyện: "Tôi đã chui cống được 15 năm nay, tôi đến với nghề này trong một lần leo xuống cống nhặt củi. Tôi thấy trong cống có nhiều chai lọ bị mắc lại trong đó nên tôi quyết định chọn ống cống là nơi mưu sinh. Mỗi ngày tôi chui vào 5 - 6 lòng cống để vớt các loại chai, lọ. Dụng cụ để làm nghề duy nhất là chiếc đèn mang trên đầu. Công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập cũng đủ nuôi sống bản thân và gia đình". Chỉ tay vào bao phế liệu vừa nhặt được, ông Lâm hồ hởi: "Gần hai tiếng đồng hồ chui trong các đường cống, tôi thu được 10kg phế liệu. Ngày hôm nay thế là tạm ổn rồi!".

Xã hội - Những người mò mẫm mưu sinh giữa lòng thành phố

Bắt trùn chỉ trên sông Sài Gòn.

Gần 15 năm bám nghề "dò tìm kim loại" dưới lòng cống, ông Trần Văn Chút (60 tuổi, quê Kiên Giang) đã chứng kiến hàng ngàn vật thể lạ dưới lòng cống thành phố. Ông Chút nhớ lại: "Bất kể thứ gì người ta vứt ra đường đều có mặt trong lòng cống từ chai lọ, rác thải sinh hoạt đến chó, mèo chết, thậm chí cả xác người chết. Có hôm dầm mình dưới lòng cống mà chỉ được 1-2kg kim loại, tôi nản chí định quay về, nhưng trời xui đất khiến thế nào tôi tiếp tục đi sâu vào cống được vài chục mét thì thấy một bao tải được cột kĩ càng. Nhìn thấy chiến lợi phẩm trước mặt, tôi mừng thầm trong bụng vì có thể thu hoạch được nhiều thứ từ bao tải ai bỏ xuống lòng cống. Tuy nhiên, lúc mở ra thì phát hiện một bộ xương người trắng hếu. Lúc đó, tôi như rụng rời chân tay, không thể cất bước leo lên miệng cống. May nhờ thằng cháu dìu đi, tôi mới có thể đi đến công an phường để trình báo sự việc. Bộ xương người trong bao tải hôm đó còn ám ảnh tôi nhiều ngày liền".

Tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu những nghề "độc" ở Sài thành, chúng tôi đến phường 16 (quận 8), là xóm mưu sinh của những người làm nghề bắt trùn chỉ. Nói là xóm nhưng không một ai là người dân gốc thành phố. Hầu hết họ là những người ở tứ phương dạt về chọn mé sông và chiếc ghe để làm phương tiện mưu sinh. Vừa nhấc chậu trùn chỉ mới mò ở dưới sông lên, anh Nguyễn Văn Giang và Nguyễn Văn Hà cho biết: "Hai anh em quê tận Thái Bình, ban đầu vào đây làm thợ hồ, sau thấy một số người đi bắt trùn chỉ, mình cũng học hỏi rồi bén nghề lúc nào không hay. Trước nước sông chưa ô nhiễm trùn còn nhiều, chứ bây giờ ngày kiếm được 100 - 200 ngàn đồng cũng khó. Trong khi đó, anh em còn chưa tính tiền dầu chạy ghe máy và ăn uống. Nghề nào cũng cực, nhưng biết chấp nhận là làm được hết".

 Đối mặt với rủi ro, bệnh tật

Đếm qua đếm lại cũng ngót 15 năm, sáu thành viên trong gia đình chị Mai (quận 11) sống dựa vào nghề bắt gián. Chị Mai kể: "Vợ chồng tôi đến với nghề bắt gián cũng là ngẫu nhiên. Trước đây, chồng tôi làm nghề mài lưỡi câu thuê. Thu nhập của hai vợ chồng bấp bênh, nhiều lần thấy người đi câu cần gián làm mồi, nên vợ chồng tôi nảy ra ý tưởng đi bắt gián về bán cho các trại câu cá. Tuy nhiên, với sự đô thị hóa như hiện nay, việc bắt gián ngày càng khó khăn hơn, vì những khu đất trống nơi thường trú ngụ của gián dần mất đi để thay thế cho những dãy nhà cao tầng, nhà máy. Có đêm đi tới tận khuya chỉ được vài con, coi như ngày đó công toi".

Trong ánh đèn hiu hắt của màn đêm, chị Mai vừa nói vừa lỉnh kỉnh đồ nghề len lỏi vào các sạp bán thịt heo trong chợ soi đèn bắt gián. Chừng ấy năm làm nghề cũng là chừng ấy năm chị hít thở cái mùi hôi của gián hàng đêm, với nguy cơ bệnh tật luôn rình rập. Nhưng với những người lao động nghèo như chị, chỉ cần có một nghề lương thiện nuôi sống gia đình đã là tốt lắm rồi.

Không chọn mặt đất để mưu sinh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thới (60 tuổi) chọn cách trèo me ở trung tâm thành phố, hái những quả me chín bán cho người đi đường. Với chiếc sào chừng một thước, chiếc túi nhỏ bên hông, ông Thới chuyền từ cành này sang cành khác như một chú khỉ rướn người vin những cành me. Ông Thới chia sẻ: "Làm nghề này chỉ kiếm được vào mùa xuân là mùa me thôi. Có lẽ, chẳng có ai chọn nghề này để kiếm tiền đâu. Ở Sài thành chắc chỉ có mình tôi. Gỗ me là loại gỗ khá giòn, nếu người leo trọng lượng nặng vươn người ra xa để lấy những chùm me thì nguy hiểm lắm. Nhiều khi tôi leo lên tận ngọn, chỉ cần có cơn gió mạnh tạt ngang cũng thấy run người. Chưa kể lúc đang trèo cây chân tay bị chuột rút coi như tiêu đời...".

Ông Nguyễn Văn Hoàng tâm sự: "Từ ngày tôi đi vớt ve chai dưới kênh, móng chân móng tay tôi cụt ngủn hết. Mặt mũi cũng đen ngòm theo nước kênh. Tối về, toàn thân tôi lại ngứa ngáy, mẩn đỏ". Nói về những tác hại của nghề nghiệp, ông Hoàng chỉ cười trừ: "Tôi cũng mong tìm một công việc khác, ít tiếp xúc với môi trường độc hại để kiếm sống. Nhưng với tôi, ước mơ ấy khó thành hiện thực, bởi ngoài nghề lội dưới dòng kênh đen tìm phế liệu suốt 30 năm qua, tôi không biết kiếm một nghề gì khác đủ nuôi sống gia đình".                                     

Tết se sắt buồn

Mùa xuân đã thấp thoáng trong thành phố, nhưng với người chọn cho mình những nghề mưu sinh "độc" này, thì ngày Tết cũng như mọi ngày bình thường khác. Họ phải cật lực lao động đến tận ngày cuối cùng của năm, không quần áo mới, không bánh mứt, không hoa mai. Ông Nguyễn Văn Hoàng đẩy xe phế liệu vừa thu được thẫn thờ nhìn vào các cửa hàng bán đồ Tết mà lòng se sắt buồn, bởi chưa có cái Tết năm nào, ông được thảnh thơi đón Tết cùng vợ con.

Q.Triệu -  L.Giang

Nhọc nhằn quang gánh mưu sinh chốn Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Họ là những bà mẹ, người vợ từ khắp các vùng quê của miền Trung nắng cháy tha hương vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn. Trong đêm, những bàn chân thoăn thoắt trên vai kĩu kịt một đôi quang gánh mà bên trong là đủ các loại thức ăn vặt.

Thắt lòng cảnh "công nhân trẻ con" mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Công nhân" Bảo mới 12 tuổi, mặt mày nhem nhuốc, ngước đôi mắt đen láy nói hớn hở với tôi: "Tách mỗi kí hạt điều được 3700 đồng, mỗi ngày con làm hơn 4 kí cũng đủ tiền phụ gia đình mua gạo".

Những đứa trẻ vật vã mưu sinh ở Sài Gòn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
"Cô ơi mua giùm con tờ vé số, chú ơi mua cho em ổ bánh mì". Giọng mời gọi trong veo của các em xen giữa âm thanh xô bồ, náo nhiệt của phố thị.

Mưu sinh trên bãi rác khổng lồ

Thứ 2, 25/03/2013 | 19:10
Là nơi tiếp nhận gần 6.250 tấn rác mỗi ngày, Bantar Gebang đã trở thành một bãi rác khổng lồ cách thủ đô Jakarta 30km về phía đông. Đây cũng là nơi kiếm sống của 2.000 gia đình với công việc chính là nhặt và tái chế rác.