Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn

Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn

Thứ 2, 22/04/2013 | 13:36
0
Mang hình dáng một con rồng xoãi mình trên sóng biển, đảo Long Sơn đang lôi cuốn nhiều người ưa thích nét mộc mạc, thuần khiết. Không những thế, trên hòn đảo này còn lưu giữ nhiều phong tục kỳ lạ, và cả những tư tưởng tiến bộ không thể ngờ tới.

Cách TP.HCM khoảng 100km về phía Đông, đảo Long Sơn (thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) như một con rồng nằm ưỡn mình trên sóng biển. Trên hòn đảo có lịch sử hàng trăm năm này còn nhiều điều kỳ thú chưa được khám phá. Chúng tôi đã có chuyến hành trình để tìm hiểu về cuộc sống và những phong tục kỳ lạ tại vùng đất được mệnh danh là “rồng ngự” này.

Xứ sở của áo bà ba đen

Ông Trần Công Khanh (74 tuổi, ngụ thôn 1, xã Long Sơn) một người còn lưu giữ nhiều điều về đảo từ ngày mới thành lập mà theo ông là do cha mẹ ông kể lại rằng: “Đảo Long Sơn đầu tiên có tên là Sa Trúc, sau đổi tên thành làng Nứa (gọi là làng Nứa vì trên đảo toàn là rừng rậm, đặc biệt có nhiều cây nứa, cây tre). Đến năm 1948, làng Nứa đổi tên thành Sơn Long (Núi - Rồng). Nhưng đến năm 1960, những bô lão trong làng cho rằng núi đè rồng thì dân làng làm ăn không phát triển nên đổi tên thành Long Sơn (Rồng - Núi). Từ đó đến nay, xã đảo này làm ăn phát đạt, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, những con đường đã được trải nhựa phẳng lì. Xã đảo không còn bị cô lập bởi bốn bề là biển nữa, hiện đã có một con đường nối vào bờ. Giao thông thuận tiện đi kèm với sự “đổ bộ” của cuộc sống hiện đại, nhưng người dân trên đảo đâu đó vẫn còn lưu lại được những nét hoang sơ huyền thoại, mà chỉ có ở trên hòn đảo này mới có”.

Lạ & Cười - Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn

Đảo Long Sơn như con rồng xoãi mình trên sóng

Lịch sử hình thành vùng cư dân đảo Long Sơn có từ hơn 200 năm trước. Hơn 200 năm chưa phải là cũ nhưng một không gian văn hóa, cảnh quan và kiến trúc vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn từ buổi khởi nguyên ở đây đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho những ai mới đặt chân đến vùng đất này. Chúng tôi như lạc vào một vùng đất lạ. Có cái gì đó vừa rất xưa cũ lại vừa rất mới mẻ hiện ra. Khu trung tâm đảo như một quần thể kiến trúc thống nhất có tính xưa cũ, được sắp xếp đối xứng, tiền hậu thống nhất. Trên đường, một số lão ông, và cả người trẻ hơn mặc đồ bà ba đen đi lại, nhất là cái búi tóc củ hành sau gáy của cánh đàn ông tự dưng có sức thu hút.

Những người phụ nữ cũng vận đồ đen, ăn nói bặt thiệp, đặc biệt họ dùng rất nhiều những từ ngữ “ngày xưa”,  những từ ngữ mà bây giờ người ta ít dùng. Huyền thoại đất phương Nam nói chung đã phiêu tán đi nhiều, vậy mà chốn này, vẫn còn hiện diện như trong thờ kỳ nguyên sơ. Trên hòn đảo ấy, có người còn đi chân đất, hỏi sao không đi dép, họ bảo “quen đi chân đất rồi”. Số người không mang dép vì “quen rồi” chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hơn mười ngàn người chân không đạp đất nữa nhưng đầu thì vẫn “đội trời”. Đó là những người theo đạo Ông Trần, thì ra sinh thời Ông Trần không đội nón, để đầu trần nên người ta gọi là Ông Trần, chớ tên thật của ông là Lê Văn Mưu.

Bà Lê Thị Kiềm (cháu đời thứ tư của Ông Trần) cho biết: “Người dân trên đảo rất có tinh thần đoàn kết đáng quý trọng, khi tới hòn đảo này, Ông Trần đã cho xây dựng lên những dãy nhà phố để những người nghèo chưa có đất hay chưa có tiền cất nhà ở miễn phí. Rồi khi có nhà, họ sẽ trả nhà lại cho những người đến sau, cứ thế, đời này nối tiếp đời kia tạo nên tính khăng khít, cố kết cộng đồng. Không gian sinh hoạt tinh thần của người dân trên đảo chủ yếu ở Nhà Lớn, những ngày cuối năm nhộn nhịp không khí đón xuân này, Nhà Lớn Long Sơn lại trở thành nơi xin chữ đầu năm. Các bô lão mặc áo the đen, ngồi trên vuông chiếu viết đối liễn bằng nét chữ mực nho đen nhánh, ngoạn mục trên nền giấy hồng điều là một hình ảnh đẹp đẽ truyền từ đời này sang đời khác. Thời gian như ngưng lại cả trăm năm trước ở nơi này. Ðến tận bây giờ tập quán này vẫn được người trên đảo lưu giữ”.

Lạ & Cười - Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn (Hình 2).

Những người theo đạo Ông Trần sẽ “mặc” chung “áo” sau khi chết.

“Sống đồng tịch, chết đồng quan”

Đảo Long Sơn ngày nay nơi có cuộc sống khá sung túc, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển. Nơi đây gắn liền với một tín ngưỡng độc đáo, đó là đạo Ông Trần. Số người theo đạo này ở Long Sơn chiếm khoảng 60% trong tổng số 13.000 nhân khẩu của xã. Đạo Ông Trần do Lê Văn Mưu lập nên ông gốc người Nam Bộ vùng Hà Tiên. Là người từng theo giáo chủ Ngô Lợi (Tứ ân hiếu nghĩa) vùng núi Tượng (An Giang) tham gia nghĩa quân chống Pháp. Sau giáo chủ Ngô Lợi mất, nghĩa quân tan rã, bị quân Pháp truy lùng ông phải cùng gia quyến xuống thuyền lánh nạn. Rồi ông đến vùng đất Long Sơn khai phá vùng đất này, làm ruộng muối, ruộng lúa, đánh bắt hải sản.

Trò chuyện với các bô lão tại ngôi Nhà Lớn, chúng tôi  được nghe các cụ kể về  tục lệ khá đặc biệt là “chết đồng quách” ở đây. Theo quan niệm của Ông Trần khi chết con người đều bình đẳng, nên cả cộng đồng chỉ có một áo quan để ở ngôi Nhà Lớn, khi có người mất thì thỉnh áo quan về và chỉ được quàn trong một ngày (24 tiếng), sau đó mang đi chôn, người chết được bó chiếu rồi đem chôn chứ không liệm trong hòm. Người theo đạo Ông Trần quan niệm: “Sống đồng tịch, đồng sàng. Chết đồng quan, đồng quách”. Khi sống chung nơi, ngủ chung giường, thì khi chết cũng phải liệm chung một quan tài. Bởi thế, khi có người mất, những người sống không đóng quan tài riêng để chôn. Cả đạo có một cái hòm chung mà họ gọi là “bao quan”. “Bao quan” được đặt tại nhà Sơn Long hội. Khi có người chết họ thỉnh và rước “bao quan” về nhà liệm người chết vào đó. Di quan ra nghĩa địa, trước lúc hạ huyệt người ta mở nắp bao quan chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Còn “bao quan” vẫn giữ nguyên và đưa về chỗ cũ trong Sơn Long hội, chờ đám tang mới...

Được tận mắt chứng kiến cái “bao quan” được đặt tại nhà Sơn Long hội, chúng tôi có cảm giác rờn rợn khi tưởng tượng cảnh đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thi thể đã từng nằm trong đó trên đường lìa trần. “Bao quan” được đan bằng tre và sơn màu đỏ, trên nắp "bao quan" là những lớp tàn nến cháy chồng lên nhau. Khi tạ thế, nhà nghèo cũng như nhà giàu, người già cũng như người trẻ, đều không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận phong bao điếu phúng. Nghĩa là phần nghi lễ rất gọn nhẹ, không nặng hình thức rườm rà. Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Những người sống xả tang ngay tại huyệt, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải. Sau đám tang, gia đình có người chết phải kiêng cử ba năm sống nghèo khó. Có lẽ khi giã từ một người thân, đứng trước “bao quan” trong giờ vĩnh biệt, chắc những người đang sống sẽ gần gũi và chia sẻ với nhau hơn vì rồi một ngày nào đó trong tương lai họ cũng sẽ “mặc” chung “tấm áo” này.

Rời đảo Long Sơn mà chúng tôi còn tiếc nuối, bởi vẫn chưa khám phá được hết những điều kỳ thú có trên mảnh đất hình rồng nằm xoãi sóng này... Còn nhiều điều chúng tôi chưa khám phá hết trên hòn đảo nhỏ này. Ngay cả những gì trên đây cũng mới chỉ là ghi chép lời kể và những gì trông thấy...        

Long Sơn không còn là  ốc đảo

Ông Phạm Duy Liêm, phó chủ tịch xã Long Sơn cho biết: “Từ năm 1997 trở về trước, chung quanh Long Sơn là kênh rạch, sông biển. Ngày nay, Long Sơn đã được nối với đất liền bằng một cây cầu mới khang trang, thuận lợi cho giao thông qua. Người dân trên đảo sống hiền hòa và rất ít tệ nạn xã hội. Long Sơn đang trở mình mạnh mẽ, vươn ra thế giới hiện đại, tiếp thu những tinh hoa và cải biến nó thành những thứ phù hợp với thuần phong mỹ tục của xã đảo này”.

Công Thư

Phong tục lạ: Chồng chết phải cắt 'cái ấy' đeo lên cổ

Thứ 7, 06/04/2013 | 09:06
Những phong tục sex lạ lùng khiến bạn phải "nổi gai ốc".

Phong tục hết sức kỳ dị ở ngôi làng gần Thủ đô

Chủ nhật, 17/03/2013 | 16:44
Mặc dù chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 60km nhưng ít ai ngờ được người dân làng Đồng Dâu (xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) có một phong tục hết sức kỳ dị: Cứ mỗi khi vào rừng, tìm được bất cứ loài cây nào, dù biết tên hay không cũng đều ngâm rượu để uống.

Chuyện phong tục: Biếu quan tài trong ngày cưới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Ngoài một số văn hóa truyền thống quen thuộc của người Cơtu như: Lễ hội Ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi... đồng bào Cơtu còn có tục biếu quan tài trong ngày cưới, một nét văn hóa độc đáo được đồng bào Cơtu gìn giữ từ bao đời nay.

Độc đáo phong tục đi chợ sắm cô dâu ở Bulgaria

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Trong phiên chợ đặc biệt, họp bốn lần trong năm ở Bulgaria, những người khách hàng đến đây chỉ cốt tìm cho mình được một cô vợ ưng ý.