Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (2)

Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (2)

Thứ 4, 28/08/2013 | 19:38
0
Việc vi phạm đạt chuẩn GPP tại các nhà thuốc ở TP.HCM đã xảy ra từ nhiều năm nay mà vẫn không bị xử lý. Câu hỏi được đặt ra là vì sao các nhà thuốc đạt chuẩn GPP giả này vẫn sống một cách “đàng hoàng”, ai là người đã ra quyết định cấp GPP...

Vì tiền bất chấp y đức

Sau vụ ép bệnh nhân nội trú mua thuốc tại nhà thuốc BV 115, ngày 4/5/2012, nhân viên BV 115 lại tố cáo nhà thuốc BV 115 đã xuất hàng chục hóa đơn bán Motilium với số lượng chẵn là hộp 100 viên, kèm theo chứng từ là 8 hóa đơn bán với số lượng 200 viên/hóa đơn và 27 hóa đơn với số lượng 100 viên/hóa đơn. Tổng cộng, trong ngày 4/5/2012 nhà thuốc BV 115 đã bán ra hơn 4.000 viên Motilium, trong khi những ngày khác lượng thuốc này bán ra từ vài trăm viên với số lượng 5, 15, 30, 45 hay cùng lắm là 90 viên/hóa đơn và không hề có hóa đơn 200 viên. Theo giới chuyên môn, Motilium là thuốc trị đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn thường được bác sĩ kê toa 3 viên/ngày và nếu dùng một tháng liên tục bệnh nhân cũng chỉ được mua đến 90 viên/lần.

Không chỉ Motilium, một số thuốc khác cũng được bán với số lượng bất thường như Seretide 25/250 mcg, Insulin Mixtard 100 U.I, Augmentin 1 g, Plavix 75 mg. Với Seretide (trị hen suyễn), bác sĩ thường kê hai lọ đủ dùng trong một tháng cho bệnh nhân, thì nhà thuốc BV 115 đã bán ra nhiều toa có số lượng 5 – 10 lọ! Với Plavix (trị tim mạch), nhà thuốc BV 115 bán ra với số lượng 60, 90, 120, 180 viên/ hóa đơn. Trong khi Bộ Y tế quy định bác sĩ chỉ được kê cho mỗi bệnh nhân Plavix tối đa một tháng thuốc, tương đương 30 viên/tháng.

Xã hội - Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (2)

Một trong những nhà thuốc mà PV ghi nhận được

Các “hóa đơn thuốc kỳ lạ” gồm cả thuốc hướng tâm thần dù các thuốc này thuộc diện quản lý đặc biệt! Nhà thuốc BV 115 bán cho bệnh nhân Diazepam 5 mg với số lượng 30, 40, 60 viên/lần, hay Roxomil 6 mg 20 – 60 viên/lần. Dogmatil 50 mg, một loại thuốc an thần nhẹ, cũng được bán 150 – 300 viên/lần. Nếu chiếu quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành ngày 1/2/2008, các toa thuốc được kê với số lượng quá nhiều như trên là  hoàn toàn sai. Quy chế này quy định đối với bệnh nhân mạn tính cần dùng thuốc đặc trị dài ngày, bác sĩ chỉ có thể kê số lượng thuốc đủ dùng trong một tháng; còn đối với thuốc hướng tâm thần, bác sĩ chỉ có thể kê thuốc cho bệnh nhân không quá mười ngày.

Theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP do Bộ Y tế ban hành ngày 24/1/2007, nhà thuốc phải có sổ sách lưu giữ các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân để có thể tra cứu kịp thời; người bán lẻ có quyền từ chối bán những đơn thuốc không hợp lệ; trong trường hợp phát hiện đơn thuốc không rõ ràng về tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng hoặc có sai phạm về chuyên môn hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, người bán thuốc phải báo cho bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, những “hoá đơn thuốc kỳ lạ” tại nhà thuốc BV 115 là trong hồ sơ lưu giữ không có tên người mua, không có địa chỉ, nếu có chỉ ghi TPHCM. Đặc biệt là một số hóa đơn còn ghi họ tên người mua là “bác sĩ”như: BS Tài, BS Vinh, BS Khiên (với hóa đơn Diazepam) hay BS Ngọc Anh, BS Vinh, BS Hoan, BS Dũng, DS Hoan (với hóa đơn Roxomil).

Vậy mà, sau khi báo chí phản ảnh “Những hóa đơn thuốc kỳ lạ”, Phó giám đốc BV 115 Nguyễn Ngọc Anh (bị ghi tên là người mua trong hóa đơn bán của nhà thuốc BV115) trả lời phỏng vấn báo chí đã “thẳng thắn” tuyên bố, lãnh đạo BV 115 không bao che sai phạm và sẽ thanh tra làm rõ các đơn thuốc kỳ lạ.

Nhưng giới buôn bán thuốc tây đều hiểu rõ, nhà thuốc BV 115 tuồn thuốc ra ngoài để bán kiếm lời. Bởi vì từ tháng 3 đến tháng 5/2012, Motilium đang khan hiếm hàng, thuốc ở thị trường bên ngoài được đẩy lên 2.500 – 3.000 đồng/viên, nhưng giá bán ra trong nhà thuốc BV 115 chỉ 1.738 đồng. Giá Seretide 25/250 mcg bán ra trong BV là 202.800 đồng/lọ, thì giá bên ngoài 280.000 đồng. Giá Augmentin 1 g trong BV 17.000 đồng/viên, giá bên ngoài 19.000 – 20.000 đồng/viên. Chỉ cần lấy vài “hoá đơn thuốc kỳ lạ” từ nhà thuốc BV115, một người bỏ túi cả triệu đồng tiền lời một cách nhẹ nhàng.

Choáng với GPP của hệ thống nhà thuốc lớn

Chiều ngày 7/4/2010, DS Trần Thị Thanh Loan – phó chánh thanh tra Sở Y tế - dẫn đầu đoàn kiểm tra phối hợp với đội 4 – Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM kiểm tra nhà thuốc Thanh Quý (608 Nguyễn Chí Thanh, Q.11) phát hiện nhà thuốc này được cấp chứng nhận GPP ngày 17/8/2009, nhưng có bán thuốc không có số đăng ký là Pantasa 500mg, Rebetol 200mg. Đoàn kiểm tra kho bảo quản phát hiện nhiều loại thuốc không có số đăng ký, không có hạn dùng, thuốc quá date…, kiểm tra phần mềm quản lý thuốc trên máy tính, có 6 mặt hàng thuốc không truy cập được số lượng xuất nhập, tồn kho, hóa đơn chứng từ mua thuốc. Tổng cộng có 91 loại thuốc vi phạm, trong đó có Tamiflu là thuốc trị cúm gia cầm A mà Bộ Y tế cấm bán lẻ cho bệnh nhân ở ngoài BV.

Ngày 8/1/2010, Chi Cục quản lý thị trường TPHCM đồng loạt cử 16 đội ập vào kiểm tra 2 kho thuốc và 14 nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu (trong đó có 8 nhà thuốc đạt chuẩn GPP) phát hiện 125 thùng dược phẩm (86.000 đơn vị thuốc) hết hạn sử dụng; 20 thùng dược phẩm; 100 máy đo điện tử; 60.000 găng tay; 83,5 kg hóa chất hiệu Tetracycline, Clindamycin; 90 chai dịch truyền; 1.800 chai thuốc Caditimin và 18.731 hộp thuốc Fulton anti, Sepexin, Sucrate không có giấy phép đăng ký lưu hành, không có hóa đơn chứng từ, 56.470 hộp thuốc vi phạm quy định về chứng từ kế toán, sử dụng hóa đơn. Nhà thuốc Mỹ Châu 11 đã bị phát hiện không đảm bảo đúng điều kiện nhiệt độ bảo quản thuốc theo yêu cầu.

Nhiều nhà thuốc bán hàng không xuất hóa đơn cho khách theo quy định, sử dụng sổ sách ghi chép hoạt động kinh doanh không do Bộ Tài chính phát hành. Tại thời điểm kiểm tra có cửa hàng không có dược sĩ tại nhà thuốc theo quy định và có nhà thuốc chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc.

Ngày 9/4/2010, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM sau khi làm rõ các vi phạm tại hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu (thuộc Công ty cổ phần dược Minh Phúc) đã đề nghị xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng. Trong đó hành vi kinh doanh thuốc quá hạn tại nhà thuốc Mỹ Châu 4 (73 Thuận Kiều, Q.5) và Mỹ Châu 10 (401 Hai Bà Trưng, Q.3) bị phạt 11,5 triệu đồng; số tiền còn lại phạt do buôn bán hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Riêng nhà thuốc Mỹ Châu 4 còn bị đề nghị tước chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề 12 tháng.

Xã hội - Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (2) (Hình 2).

Ngay cả hệ thống nhà thuốc lớn như Long Châu và Mỹ Châu cũng không có cửa kiếng, máy lạnh... như tiêu chuẩn GPP

Thông tin hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu lớn nhất TPHCM và đạt chuẩn GPP sớm nhất nhưng đã vi phạm toàn bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc như “xát muối” vào mặt các nhà quản lý ngành dược, nên ngày 11/01/2010, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế TP.HCM làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, kiểm tra, xác minh các thông tin báo chí đã nêu, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo các nội dung trên về Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế.

Một ngày sau (12/1/2010), Cục Quản lý Dược lại gửi tiếp một công văn khẩn đề nghị Sở Y tế TP. HCM theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược được phân công, phân cấp cho Sở Y tế phải tiến hành rà soát lại quy trình kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với các cơ sở bán lẻ của nhà thuốc Mỹ Châu trên địa bàn thành phố. Nhưng sau đó, hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu chỉ phải nộp phạt tiền vi phạm hành chánh và vẫn được tiếp tục hoạt động. Chuẩn GPP đã bị các nhà thuốc coi nhờn từ đó.

Như vậy, việc vi phạm đạt chuẩn GPP tại các nhà thuốc nói trên đã xảy ra từ nhiều năm nay mà vẫn không bị xử lý. Câu hỏi được đặt ra là vì sao các nhà thuốc đạt chuẩn GPP giả này vẫn sống một cách “đàng hoàng”, ai là người đã ra quyết định cấp GPP cho và việc cấp giấy chứng nhận này có thực hiện đúng quy trình của Bộ y tế hay không và liệu có tồn tại giao dịch QUYỀN - TIỀN, tồn tại LỢI ÍCH NHÓM hay không trong vấn đề này?

Theo Công lý

Thân nhân mặc áo tang 'náo loạn' Sở Y tế TP.HCM

Thứ 7, 26/01/2013 | 09:28
Ngày 25/1, người nhà của bệnh nhân Đ.V.T (nam, 49 tuổi, ngụ Tôn Đản, Q.4, TP.HCM), tử vong sau khi được điều trị tại Bệnh viện Bình dân TP.HCM tiếp tục mặc áo tang đến Sở Y tế TP.HCM khiếu nại sự việc.

Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (1)

Thứ 4, 28/08/2013 | 10:28
Từ năm 2008 đến ngày 3/6/2013, Sở Y tế TP.HCM đã hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận “thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) cho 390 công ty dược phẩm và cấp giấy chứng nhận “thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) cho 3.941 nhà thuốc theo quy định của Bộ Y tế...

'ĐH Y Dược TP.HCM tuyển thẳng sinh viên, sai quy chế tuyển sinh'

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:15
Chi hội phụ huynh cùng học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia cho biết: Trường ĐH Y Dược TP.HCM ra quy định về tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2013 là sai với Qui chế tuyển sinh.

Bộ Y tế kết luận về chữa TCM bằng nước Ozone

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Việc sử dụng nước ozone cùng với chanh, muối... chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.

Đau lòng chuyện nhân viên y tế xâm hại tình dục bé gái 3 tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Một bé gái mới 3 tuổi, bị bệnh tật triền miên, ba mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi, nhưng thật trớ trêu, trong một phút bất cẩn, bé đã sa vào tay yêu râu xanh đội lốt nhân viên y tế.

Thanh tra Bộ Y tế làm sai luật

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:38
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện...