Những sáng tạo khoa học bất ngờ của người trẻ

Những sáng tạo khoa học bất ngờ của người trẻ

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:25
0
Ấn tượng về một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê sáng tạo trong ứng dụng, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao là cảm nhận rõ nhất khi tiếp xúc với những tấm gương tiêu biểu tham gia buổi lễ vinh danh Tài năng trẻ Khoa học công nghệ Việt Nam 2012

Mỹ nhân trong phòng thí nghiệm

Trần Huyền Trang gây ấn tượng bởi phong cách tự tin của một du học sinh mới từ nước ngoài trở về. Gặp PV, Trang hồn nhiên "phụng phịu", bởi hình thức trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 25 của mình, khiến những sinh viên trong trường đồng loạt gọi mình là "chị" thay vì gọi "cô". 

Khi mục sở thị bản thành tích đóng góp dài dằng dặc của Trang, không ít người phải ồ lên thán phục. Sau khi tốt nghiệp bằng giỏi khoa Công nghệ sinh học (đại học Quốc gia Hà Nội), tháng 12/2009, Trang đi du học tại trường đại học Y và Khoa học Gachon (Hàn Quốc) để làm thạc sỹ chuyên ngành sinh y. Sau 2 năm hoàn thành luận văn thạc sỹ, Trang nán lại để làm nốt đề tài mình đang theo đuổi và quay về nước tháng 7/2012.

Xã hội - Những sáng tạo khoa học bất ngờ của người trẻ

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Trong thời gian theo học ở Hàn Quốc, Trang đã tham gia nhiều dự án và các đề tài nghiên cứu. Thành quả của cô trong thời điểm này là ba công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí chuyên môn thế giới năm 2011 - 2012. Giải thưởng cho báo cáo xuất sắc nhất tại hội thảo thường niên châu Á - châu Đại Dương về máy khối phổ. Bên cạnh đó, Trang còn ẵm được khá nhiều học bổng quan trọng như học bổng thực tập tại Pohang University of Science and Technology (Hàn Quốc) năm 2009, học bổng thực tập hè tại Korea Advanced Institute of Science and Technology (Hàn Quốc) năm 2008...

Hiện nay, Trang đang công tác tại khoa Y Dược - đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một khoa mới mở của trường, hoạt động khác với lĩnh vực y dược thông thường, bởi nó mở ra một hướng mới là việc ứng dụng công nghệ sinh học trong khám chữa bệnh. Cô thường nói vui rằng, tuổi trẻ của mình hầu như gắn bó với phòng thí nghiệm và cô yêu màu trắng của những chiếc áo blouse hơn ai hết. Dường như ước mơ của Trang đã sớm trở thành hiện thực khi đại học Quốc gia mới mở  hai phòng xét nghiệm và Trang đã xung phong đầu quân về đây, phụ trách một trong hai phòng xét nghiệm sinh hóa đó. 

Lý do Trang lựa chọn công nghệ sinh học cũng hồn nhiên như chính con người của cô gái trẻ này. Trang kể: Từ năm 1996, sự kiện con cừu Dolly - động vật có vú đầu tiên trên thế giới được nhân bản từ một tế bào của một con cừu trưởng thành khác -  đã làm chấn động cả thế giới.  Năm đó, Trang đang học cấp 3 và lập tức bị thu hút bởi điều này. Trang thú nhận: "Sự kiện đó khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu về những ứng dụng khoa học đem lại nhiều điều diệu kỳ có ý nghĩa cho cuộc sống".

Trong những năm tháng theo học ở nước ngoài, Trang luôn tâm niệm một điều mà tới giờ nghĩ lại cô vẫn cho rằng hơi "thiển cận":  Mình đến từ một nước nhỏ bé nên phải cố gắng rất nhiều để theo kịp các nước khác. Cho đến một ngày, khi Trang tham dự một hội thảo quốc tế ở Canada vào tháng 5/2012,  cô được vinh dự gặp và tiếp xúc với giáo sư Andrew Alpert - một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng hệ thống sắc khí lỏng (hệ thống phân tách các chất). Đây là một ứng dụng giúp rất nhiều cho chuyên ngành Trang theo học, làm đơn giản hóa cho hệ thống các chất trong cơ thể người. Trang thực sự bất ngờ, vì sau khi xem báo cáo của cô, giáo sư đã khen ngợi và nhiệt tình hướng dẫn.

Điều này khiến Trang vô cùng cảm động, bởi việc mình làm không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn có ý nghĩa với cả cộng đồng, được những người có nhiều kinh nghiệm và uy tín ghi nhận. Được những người nổi tiếng quan tâm và trao đổi như những đồng nghiệp khiến cô cảm thấy khoảng cách tuổi tác như bị xóa nhòa và ý nghĩa hơn nữa, đó là một nguồn động viên khích lệ to lớn trên con đường sự nghiệp của mình.

Trang cho biết, hiện cô đang tham gia làm đề tài nghiên cứu và các ứng dụng để chẩn đoán sớm các mầm mống bệnh liên quan đến ung thư đại trực tràng và song song với đó là việc tiếp tục theo học lên tiến sỹ. Nhiều người thắc mắc vì sao Trang lại chọn Việt Nam để làm tiến sỹ, trong khi cơ hội ở nước ngoài luôn rộng mở. Trang cười thật tươi, bởi cô xác định việc tiếp thu những kiến thức ở các nước tiên tiến cũng là điều tốt nhưng việc áp dụng những kiến thức ấy ở Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vì thế, cô muốn có cơ hội chia sẻ với những sinh viên, đồng nghiệp trên chính quê hương mình.

Xã hội - Những sáng tạo khoa học bất ngờ của người trẻ (Hình 2).

Hà Hoài Nam

Chế tạo máy vì... thương mẹ

Khác với phong thái cởi mở, đầy tự tin của cô thạc sỹ trẻ Huyền Trang, ẩn sau vóc dáng trắng trẻo, Hà Hoài Nam - chàng sinh viên năm thứ 3 đại học Điện lực Hà Nội - lại có phần rụt rè. Nam được tỉnh đoàn Yên Bái đề cử làm đại biểu tham dự đại hội KHCN 2012. Mặc dù chuyên ngành Nam học là điện tử viễn thông nhưng Nam tự nhận mình có đam mê "tay trái" về việc chế tạo máy móc, cơ khí từ những năm học cấp hai.

Nam sinh trưởng trong một gia đình có bố là nhân viên kỹ thuật nhà máy nước Trấn Yên, mẹ ở nhà làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt. Nam tâm sự, chứng kiến cảnh mẹ sớm hôm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", lại không được máy móc hỗ trợ, Nam luôn ấp ủ ý tưởng sẽ tự mình chế tạo ra những loại máy móc giúp mẹ đỡ vất vả hơn. Và từ đó, sản phẩm là máy chế biến sắn, máy chẻ quế... đã được Nam sáng chế.

Trong 3 năm (2006 - 2008), cậu liên tiếp có những công trình sáng tạo rất thiết thực, hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân như: Công trình máy chế biến sắn; Công trình máy chẻ quế; Công trình máy hái chè, máy chiếu tế bào hiển vi...

Từ nhỏ, Nam thường quanh quẩn bên bố xem sửa chữa các loại máy móc nên hiểu được nguyên lý hoạt động của các loại máy. Nam chia sẻ: "Công trình tôi vô cùng tâm đắc là máy chẻ quế. Vào vụ quế, ngày nào tôi cũng đạp xe cùng mẹ đi chẻ quế thuê cho mấy cơ sở tư nhân. Mỗi ngày "chẻ cật lực" khoảng một tạ quế được trả công 20.000 đồng/người. "Nhưng nguy hiểm nhất là những lúc chẻ vào tay, do dao chẻ quế vừa sắc, vừa mỏng. Từ đó, tôi nghĩ phải làm một cái máy khắc phục tất cả những nhược điểm này".

Suốt một tháng hè, ngày nào Nam cũng đi tìm vật liệu ở các hàng sắt vụn và tìm ra được một cái mô-tơ có lắp giảm tốc đã cũ và hơi trục trặc do nhà máy chè thải ra. Trục khuỷu thì tìm thấy ở hiệu sửa xe máy. Pittông bằng nhôm hoặc sắt không có thì thay bằng gỗ... Có đầy đủ vật liệu trong tay, Nam mang về xưởng cơ khí của một người hàng xóm để sử dụng nhờ các thiết bị gò, hàn. Ngày nào, Nam cũng bám riết lấy cái xưởng đầy dầu mỡ ấy như một người thợ cơ khí thực thụ.

Nam nhớ kỷ niệm vui nhất là khi cái máy hoàn thành, các công nhân trong xưởng cũng chúc mừng sáng tạo của Nam đã hỗ trợ người nông dânå rất nhiều trong công việc. Máy chẻ quế đạt năng suất 200 - 250 kg/h, gấp 20 lần sức người; trong khi điện năng chỉ tiêu tốn hết 700 đồng/h.      

Tuệ Linh

Giới trẻ nô nức lùng mua sách về biển Đông

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Nhiều người để lại số điện thoại cho các chủ hiệu sách thông báo khi có đợt sách mới về.