Những trò quá trớn bằng clip tự chế

Những trò quá trớn bằng clip tự chế

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Thời gian qua, những vấn đề thời sự như giá điện, giá xăng hay những trò lố của những người nổi tiếng đã trở thành đề tài nóng cho các đạo diễn không chuyên phô diễn tài năng chế clip. Cư dân mạng coi đó như cách giải trí thú vị.

Tuy nhiên, nhiều tác giả clip chế đã lợi dụng hình ảnh, ngôn ngữ, vượt khỏi mức chế giễu cái không hay của người khác thành phỉ báng, bôi nhọ nhân vật trong clip. Đây là hiện tượng thiếu lành mạnh, cần có chế tài răn đe.

“Cho” CSGT múa kiếm, “chế” micro bằng khoai lang“!

Clip chế của cư dân mạng bắt mạch khá nhanh hơi thở các sự kiện từ đời sống xã hội đến các sự kiện nóng hổi của đời sống showbiz Việt. Tất cả đều có thể trở thành đề tài vô tận của tín đồ làm clip chế.

Xã hội - Những trò quá trớn bằng clip tự chếCác "diễn viên" trong một clip chế.

Cách đây chưa lâu, vào đầu tháng 3, khi giá xăng tăng 2.100 đồng /lít, một nhóm sinh viên đã nhanh chóng cho ra đời đoạn clip thể hiện "nỗi lòng" thời xăng tăng giá.

Clip chế "Chỉ vì xăng tăng" dựa trên ca khúc "Tạm biệt búp bê" đầy hài hước. "Tạm biệt chiếc xe môtô... dùng tạm chiếc xe cút kít... mai anh phải cuốc bộ rồi... tạm biệt giấc mơ ôtô... chỉ vì xăng tăng cao"...

Những từ ngữ vui nhộn trên kèm theo hình ảnh năm chàng trai diễn từ hàng nước, ra vỉa hè, đến trạm xăng, lên xe bus... làm không ít người xem vừa cười, vừa suy ngẫm. Clip trên được tung lên mạng, làm cư dân mạng thích thú, truyền cho nhau và tranh luận khá "xôm" trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Không những bám theo "hơi thở" của giá xăng, giá điện, các tín đồ hâm mộ clip chế còn lấy ý tưởng từ các vụ việc nóng được dư luận quan tâm để làm tư liệu thực hiện.

Cách đây chưa lâu, đoạn clip vụ nguyên trung úy CSCĐ Trần Đại Phúc (30 tuổi, công tác tại Công an TP. HCM) "choảng" nhau với một CSGT khi đang làm nhiệm vụ được đưa lên mạng, đã được các đạo diễn không chuyên sử dụng một số phần mềm chuyên dụng để chỉnh sửa lại. Từ việc hai cảnh sát xô xát nhau trở thành những "chiến binh" không đội trời chung, quá dễ với công nghệ mạng hiện nay.

Đặc biệt hơn, họ còn cho hai cảnh sát này đấu kiếm với nhau, trên kiếm có "ánh hào quang" rực sáng. Ngoài hình ảnh chế thiếu thiện cảm, thiếu tính nhân văn, tác giả clip chế còn chèn âm thanh quái đản cho những chuyển động của clip. Tiếng vút của kiếm, tiếng "chiến binh" lao vào chém nhau.... được cài trên nhạc nền của bộ phim nổi tiếng: "Chiến tranh giữa các vì sao".

Xem clip đó, người vô tâm thì "cười vỡ bụng", còn người đa cảm thì cho rằng, clip quá lố. Cư dân mạng nhận xét: "Nó khá giống với cảnh trong phim " Chiến tranh giữa các vì sao", phân cảnh hai nhân vật như hai siêu nhân lao vào chiến nhau...".

Clip hình ảnh một bà bầu trong vai người dẫn chương trình đến trường quay để phỏng vấn một diễn viên, micro là một củ khoai lang, rất phản cảm. Cô gái được phỏng vấn mặc chiếc áo đen, tóc buộc hai bên, má và miệng được tô son đậm.

Câu nói: "Hát hay không bằng hay hát, em cũng đã có một thời gian dài để luyện giọng. Cái xu hướng em đi tới là hát khỏe, tập vũ đạo và trình diễn thật là tốt" trong clip làm nhiều người ái ngại cái sự "năng động" thái quá của người chế clip.

Anh Phạm Anh Tuấn, nhân viên IT - Công ty máy tính, cho biết: "Với sự phát triển của các phần mềm ứng dụng như hiện nay, chỉ cần có một chiếc máy tính có cấu hình tốt, một "ngân hàng thời gian" kha khá và một óc hài hước tương đối, bất cứ ai cũng có thể làm đạo diễn cho "tác phẩm" - tức clip của mình.

Clip chế cho hai cảnh sát đánh nhau bằng kiếm, tác giả có thể sử dụng Windows Movie Maker để tạo các kỹ xảo. Với các clip có lồng ghép, chèn ảnh các nhân vật để chế, tác giả có thể dùng Xilisoft Video Cutter, GiliSoft Video Cutter, Corel Video Studio X3....".

Sự thiếu cẩn trọng vì “sáng tạo” quá giới hạn

Có lẽ, ầm ĩ nhất về clip chế thời gian vừa qua phải kể đến clip của một nhóm sinh viên ở một trường đại học về chủ đề tuyên truyền sức khỏe sinh sản. Đoạn clip hoạt hình mang tên "Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... bao cao su" được thực hiện để tham dự cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án Friendly Condom (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau khi clip dài hơn 1, 5 phút được xây dựng dựa trên cốt truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong bộ phim dài tập Tây Du Ký được phát tán, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng phản đối gay gắt sự thiếu tôn trọng, thiếu văn hóa của những người làm clip và đơn vị trao giải cho clip.

Phản ứng tức thì với sự thiếu văn hóa của người làm clip, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn gửi các cơ quan chức năng phản đối và cho rằng đây là việc làm thiếu ý thức, mang nội dung xúc phạm niềm tin tôn giáo. Có lẽ, lúc làm clip này, nhóm sinh viên trên cũng không nghĩ tới hậu quả tác hại mà clip họ làm thể gây ra vì sự thiếu cẩn trọng của mình.

Anh Hoàng Ngọc Hiến, sinh viên khoa Quản lý Văn Hóa, Đại học Văn hóa cho biết: "Tôi không phủ nhận sự sáng tạo lành mạnh trong các clip chế và nhiều clip mang những thông điệp có ý nghĩa cho người xem. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng làm clip chế để "té nước theo mưa".

Vụ thí sinh Quỳnh Anh Vietnams Got Talent "nổ" về tài năng trên sân khấu cuộc thi, một thành viên có nickname Hiếu Bon đã tung ra một clip chế "Tình mẹ" bằng 6 thứ tiếng, với lời giới thiệu hài hước được minh họa từ phần trình diễn của Quỳnh Anh trên sân khấu Vietnam's Got Talent. Tôi nghĩ đó là một việc làm thái quá, hoàn toàn không nên".

Cần có điểm dừng

Một nhà nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, sự sáng tạo của người trẻ là một điều đáng quý. Tuy nhiên, những người chế clip cũng phải là những người có văn hóa. Không thể lạm dụng clip chế, lạm dụng internet để bôi bác hoặc lăng mạ người khác. Đặc biệt, có những điều không thể đem ra đùa giỡn như đức tin, tín ngưỡng... Sự thiếu cẩn trọng hoặc coi thường văn hóa chính là hành động tự báng bổ bản thân mình. Dù là người trẻ, dù có nhiều sáng tạo nhưng sự sáng tạo đó phải lành mạnh và biết tôn trọng pháp luật thì những clip chế mới thực sự là "món ăn" giải trí được.

Hoàng Mai