Niên đại bể xương vẫn là con số bí ẩn

Niên đại bể xương vẫn là con số bí ẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Thông tin duy nhất về niên đại của những bộ hài cốt trong hang Cắc Cớ cũng chỉ qua lời kể của nhà chùa và người dân địa phương truyền lại.

Trao đổi về chuyện bể xương và "suối xương" bí ẩn trong lòng núi Sài Sơn, ông Nguyễn Khắc Toán, phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết: Từ trước đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu về những hang động này. Tuy nhiên, chưa thấy ai đưa ra một kết luận nào cả về niên đại bể xương và số lượng hài cốt.

Xã hội - Niên đại bể xương vẫn là con số bí ẩn

Cảm nhận của PV báo Người đưa tin ở lối xuống bể xương trơn trượt khó đi và tối mờ mắt

Có ý kiến cho rằng, để xương cốt hóa thạch, phải cần thời gian lên đến cả triệu năm. Xương cốt phải chìm xuống đáy biển, được lớp trầm tích bao phủ, rồi quá trình vận động tạo sơn, đáy biển dâng lên thành núi, mới có hóa thạch, chứ một vài ngàn năm chưa thể hóa thạch được. Phần lớn ý kiến khác lại khẳng định, nếu quân Lữ Gia chết trong lòng núi từ 2.000 năm trước, thì xương cốt đã tan thành đất. Tuy nhiên, lại có người phản biện, không hẳn trải qua 2 ngàn năm xương cốt đã tan biến, mục ruỗng. Bởi vì, nếu những bộ xương này nằm trong điều kiện môi trường đặc biệt nào đó, không có sự xâm hại của vi khuẩn, thì có thể tồn tại lâu bền. Thực tế, các nhà khoa học đã từng khai quật mộ thuyền 2.500 năm ở Hưng Yên vẫn còn nguyên xương cốt.

Trả lời PV Người đưa tin, GS Nguyễn Lân Cường (chuyên viên cổ nhân học, Viện Khảo cổ học Việt Nam), nói ông có biết và đã từng vào động xương, song không có tài liệu gì nên không có kết luận. Phần lớn, truyền thuyết nhắc nhiều đến huyệt mộ khổng lồ là của nghĩa quân Lữ Gia. Nhiều năm chú tâm nghiên cứu nhưng trong sách viết của Thượng tọa Thích Viên Thành, trụ trì chùa Thầy cũng có đôi dòng nói tới huyệt mộ của nghĩa quân Lữ Gia nhưng cũng không phân tích kỹ. GS Cường phân tích "nếu theo lời người dân, quân Lưu Vĩnh Phúc trốn vào hang cố thủ, đã bị người Pháp hun khói đến chết thì giả thuyết người chết vì bị hun khói cũng hợp lý, vì trong quá trình thám hiểm hang động, chúng tôi thấy nhiều khu vực ám muội than đen sì. Nhưng do không tìm ra dấu vết vũ khí, nên nghi ngờ đây không phải là quân Lưu Vĩnh Phúc".

Quá trình tìm kiếm xương cốt trong động, nhóm thám hiểm thu thập được một số đồ vật gồm tiền cổ, mảnh gốm tráng men xanh và men đỏ rất đẹp (mục đích là nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, chứ không phải đem về sở hữu). Hiện, những mảnh gốm chưa xác định được niên đại, song theo GS Nguyễn Lân Cường, những đồng tiền có nhiều niên đại khác nhau, gồm: Tiền Minh Mạng thông bảo, niên đại 1820-1840, triều vua Nguyễn Phúc Đảm, niên hiệu Minh Mạng; Tiền Đại Quan thông bảo, niên đại 1100-1125, triều vua Bắc Tống Huy Tông (Triệu Cát), niên hiệu Tuyên Hòa (1107 - 1110); Tiền Nguyên Hựu thông bảo, Niên đại 1058 - 1100, Triều vua Bắc Tống Triết Tông (Triệu Húc), Niên hiệu: Nguyên Hựu (1068-1094).

Đưa vấn đề này đi hỏi các chuyên gia khảo cổ thì chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có một thông tin mới mà chúng ta nên tham khảo, khi quân Minh xâm lược Đại Việt, nhiều nơi, dân làng bỏ trốn vào hang núi, bị quân Minh phát hiện, chúng đã tàn bạo đốt lửa ở miệng hang hun chết hàng ngàn người. Chuyện này đã từng xảy ra ở Ninh Bình, Thanh Hóa khiến Nguyễn Trãi phải viết: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ".

Sách Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí viết: "Thời người Minh chiếm đóng, việc phu phen tạp dịch phiền hà nặng nề, mọi người không kham nổi, có người dẫn đường vào trốn trong động (núi Cô Sơn, huyện Vĩnh Lộc). Sau này, xã Hoàng Xá nhiều người tránh vào trong đó, bị người Minh truy bắt, phóng hỏa rất lớn, người trốn trong động chẳng phân biệt trai gái già trẻ, đều bị thiêu chết hết".

Việc hang động ở Sài Sơn còn ám khói, lại tìm thấy ở đây những đồng tiền thời Tống và những mảnh gốm rất giống kiểu gốm sứ thời Trần cho thấy, có thể tại đây cũng đã từng xảy ra một vụ tương tự như ở Thanh Hóa, Ninh Bình vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta".

Sẵn sàng tiếp tục nghiên cứu

GS Nguyễn Lân Cường khẳng định: "Trước kia số hài cốt này rải rác ở đáy hang, nay để chung vào trong bể, những vong linh quy lại thành mộ chung, địa táng như vậy về mặt tâm linh không có vấn đề gì. Song nếu cơ quan, tổ chức hoặc Mạnh Thường Quân nào tài trợ, ông sẵn sàng vào hang nghiên cứu và làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến những bộ xương trong lòng núi Sài Sơn".

Nhật Tân