Một cô bé ở Thủ đô nhưng lại sống trong cảnh địa ngục. Đó là câu chuyện đang khiến dư luận phẫn nộ những ngày này. Cô bé tội nghiệp trong câu chuyện mới chỉ 12 tuổi, sống ở Hà Đông, Hà Nội. Bé thường xuyên bị mẹ bạo hạnh, người tình của mẹ xâm hại tình dục. Những vết roi tím ngắt chằng chịt trên lưng, thân hình gầy gò của cô bé khiến bất cứ ai cũng nhói lòng. Nhìn cô bé mà thấy đau, nỗi đau của tình mẹ bị giẫm nát.
Mẹ hổ dữ là cụm từ người ta dành cho mẹ của cô bé. Nhưng có lẽ, người phụ nữ ấy không xứng với từ Mẹ mà chỉ nên nhận từ Hổ dữ. Hoàng Thị Minh Huyền, cô là một con hổ, một con hổ dữ! Một người hàng xóm cho hay, Huyền đánh con suốt ngày đêm. Mấy đứa trẻ đi chơi về muộn, nhận đồ của người khác đều sẽ bị đánh. Thời gian đầu, hàng xóm nghe thấy tiếng trẻ con khóc, sang can ngăn nhưng bị Huyền đe doạ và “đánh nặng tay hơn”. Nhiều năm trôi qua, mọi người chỉ nghe thấy Huyền chửi và tiếng đánh con “bôm bốp” mà không thấy trẻ con khóc. Thông qua camera của một nhà hàng xóm, hình ảnh được thấy… “chị ta dán băng dính vào mồm, trói tay, chân đứa trẻ 12 tuổi”. Đó là cách Huyền “nuôi con”, “dạy con”. Có lẽ, cô ta cũng chẳng xứng với từ Hổ dữ vì Hổ dữ cũng không ăn thịt chính con của mình.
Trẻ nhỏ là vận mệnh của tương lai, nhưng tương lai sẽ đi về đâu khi một đứa trẻ ở Thủ đô phải sống trong cảnh bạo hành nhiều năm? Một người hàng xóm cho biết, nhà Huyền là nơi tụ tập của những thành phần bất hảo, gây mất trật tự suốt ngày đêm. Căn nhà chưa đến 20 m2 nhưng đôi lúc có cả chục thanh niên tụ tập. Nhiều người đàn ông cũng hay tìm đến. "Mỗi khi đi qua nhà Huyền, tôi khiếp sợ, không dám nhìn vào. Nhiều gia đình từng bị Huyền tạt mắm tôm, nước tiểu vào cửa, đổ keo 502 vào chìa khóa do góp ý, nhắc chị ta giữ trật tự". Không chỉ vậy, Huyền còn là đối tượng nghiện ma tuý… Tại sao một đối tượng phức tạp và sống nhiều năm ở khu vực mà chính quyền địa phương không nắm được? Tại sao một người mẹ bạo hành con đến mức , bé chuyển từ khóc sang câm nín vì rất sợ nhưng hàng xóm không báo chính quyền? Tại sao đứa trẻ tìm đến sự giúp đỡ dù sống trong địa ngục suốt một thời gian dài? Chúng ta đã chưa bảo vệ được đứa trẻ tội nghiệp.
Bảo vệ những đứa trẻ, đảm bảo công lý được thực hiện là điều phải làm, vì đó là cách chúng ta xây dựng một tương lai bền vững. Tại Mỹ, một gia đình cũng đang đi tìm công lý cậu bé 11 tuổi tội nghiệp, Cristian Pavon Pineda. Cristian chết trên giường ngủ hôm 16/2, khi nhiệt độ trong nhà giảm xuống còn vài độ C và gia đình phải vật lộn để giữ ấm. Hôm 20/2, gia đình cậu bé nộp đơn kiện nhà điều hành lưới điện Ercot và nhà cung cấp điện Entergy tội sơ suất vì không cảnh báo khách hàng về tình trạng mất điện có thể xảy ra, cũng như không cung cấp đầy đủ hướng dẫn cho khách hàng trong đợt giá rét lịch sử này.
Texas đang trong những ngày vô cùng khó khăn. Đợt giá rét bất thường do bão tuyết diện rộng khiến nhiệt độ xuống mức thấp kỷ lục. Nhiệt độ tại Dallas hôm 16/2 có lúc xuống tới gần -19 độ C, mức thấp nhất từ năm 1949 tới nay. Thời tiết cực đoan khiến Texas mất điện và mất nước diện rộng. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20/2 đã tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng ở Texas. Tình trạng tồi tệ ở Texas với những cái chết ngay trên giường như câu bé Cristian khiến nhiều người đặt câu hỏi, hậu quả của sự tồi tệ này có thể giảm đi nếu cơ quan quản lý có kế hoạch ứng phó với nó?. Câu trả lời là có thể có.
Những câu hỏi bị bỏ ngỏ cho đến khi sự việc nghiêm trọng xảy ra là một thực trạng vẫn tồn tại ở nhiều nơi, trong nhiều vấn đề, ở nhiều đối tượng. Không ai lường trước được việc xấu sẽ đến lúc nào, nhưng chúng ta có một bộ máy vận hành để hạn chế tối đa những tình huống xấu, những câu chuyện đau lòng, vậy tại sao chúng ta không phòng bệnh mà lại chữa bệnh!
LÊ ANH