Nỗi lòng đắng chát và ám ảnh “sống trong lò thiêu” của cửu vạn ở “chợ người”

Thanh Lam - Hải Yến

Giữa cái nắng nóng gay gắt như đổ lửa, nhiều người dân lao động ở “chợ người” tại Hà Nội vẫn vạ vật đứng đó. Họ tâm sự rằng, căn phòng trọ hầm hập mái tôn không khác gì lò thiêu là nỗi ám ảnh kinh hoàng…

Chiêu độc chống chọi với nắng nóng

Những ngày cuối tháng Sáu, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật tìm đến ngã ba dốc Bưởi (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) để lắng nghe những chia sẻ của cửu vạn ở “chợ người”. Từ xa, theo quan sát của PV, có nhiều tốp người, chủ yếu là đàn ông, với dáng người gầy guộc, gương mặt khắc khổ đứng ở dưới chân cầu vượt chờ người thuê. Đã từ lâu, người dân sinh sống quanh khu vực này đã quá quen thuộc với hình ảnh của những người lao động tự do đứng ở đây mỗi ngày, “chợ người” cũng xuất phát từ đó.

Đang lúc rảnh rỗi chờ dài mà chưa có khách thuê, thấy PV hỏi thăm, nhiều người không ngần ngại trải lòng mình. Ông Đào Trung Hiền (50 tuổi, quê Nghệ An) có thâm niên làm cửu vạn ở “chợ người” 25 năm, gương mặt rám nắng, lấm lem mồ hôi. Nghĩ về công việc, người đàn ông này chia sẻ: “Chúng tôi ở quê chỉ có 3 sào ruộng, không đủ ăn nên lặn lội ra Hà Nội mưu sinh. Nhưng, vì không có bằng cấp trình độ nên buộc lòng ra đứng ở chợ Bưởi này nhiều năm, ai thuê gì làm nấy từ bốc vác, đập phá nhà xây cũ nát, cho đến bê đồ, dọn nhà… Cực nhưng có được đồng ra đồng vào”.

Từ sau mùa dịch Covid-19 đến nay, ông Hiền cho hay ông cùng mọi người ở đây đều ít việc làm: “Ngày nào tôi cũng đứng đây từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, nhưng ngày có việc ngày không. Thu nhập trung bình khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, nói chung là đủ ăn với đủ trả tiền phòng”.

Ông Hiền nói rằng nắng nóng khiến bản thân ông cũng mệt mỏi, ngủ phải dùng nước lau ướt chiếu, ướt người.

Nỗi lòng của cửu vạn chợ người ngày nắng nóng

Những ngày Hà Nội đang nắng nóng đỉnh điểm, ông Hiền cũng chia sẻ thêm rằng không chỉ có ông mà nhiều người dân lao động khác đều vất vả thậm chí tụt huyết áp, say nắng: “Nắng nóng nhưng đi làm chúng tôi cũng không có nhiều đồ bảo hộ. Tôi ở cùng với 3 người nữa thuê phòng trọ 800.000 đồng, coi như có chỗ chui ra chui vào. Mùa này nắng nóng thì phòng nóng hầm hập, tối ngủ phải lấy khăn nhúng nước, sau đó lau lên chiếu cho có hơi nước mát mới ngủ được”.

Dù nắng nóng, vất vả là vậy nhưng ông Hiền không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc về những “đồng nghiệp” đã mãi mãi không thể đứng ở đây cùng ông, do tai nạn lao động: “Có những người bạn đi làm bốc vác, vác đá không may đá trúng vào đầu, may người không chết nhưng giờ thì trí óc cũng không còn minh mẫn. Tôi đi làm cũng vậy, thương tích đầy mình, xây xước chân tay, gãy tay, gãy chân hay bị thương là điều thường xuyên gặp phải. Đau nhưng phải ráng chịu, thậm chí vợ con ở quê gọi ra mình cũng không dám nói thật là đang bị đau, sợ vợ con lo lắng”.

Tiếp lời, ông Chiến (quê Nghệ An) đang ngồi kế bên vệ đường nói: “Phận người lao động nghèo như chúng tôi, lại là cửu vạn nên chỗ ở cũng tuềnh toàng lắm. Tôi hay gọi vui là “khu phố ổ chuột”, chỗ ở chỉ đủ để người chui vào, nếu đứng thẳng sẽ va vào trần nhà. Căn phòng mùa hè nắng nóng như này thì đừng hỏi vì nó hầm hập như lò hỏa thiêu. Thế nhưng, chúng tôi cũng chỉ dám ở như vậy vì công việc bấp bênh lắm. Có hôm khó ngủ thì dùng khăn mặt nhúng nước lau qua người, hoặc đổ nước ướt người cho dễ thở”.

Ở gầm cầu mát hơn về phòng trọ

Để tránh cái nắng nóng gay gắt mùa hè, những người cửu vạn ở “chợ người” lựa chọn ăn ngủ tại gầm cầu. “Ở gầm cầu mát hơn ở phòng”, ông Huy (quê Thanh Hoá nói vọng vào).

Chúng tôi không dám về phòng ngủ trong tiết trời này, phòng thì bé mà mái tôn nên nóng hầm hập. Vì vậy, một giải pháp mà tôi và nhiều người chọn là ngủ luôn ở gầm cầu, ngủ trên yên xe máy để tránh nóng. Như thế sẽ mát hơn, dễ chịu hơn”, ông Chiến chia sẻ về giải pháp chống nắng nóng của cánh cửu vạn ở “chợ người”.

Anh Huỳnh trải lòng mình trong tiết trời nắng nóng.

Cạnh bên, anh Huỳnh (SN 1985, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng ngao ngán chia sẻ: “Từ sáng đến giờ tôi chưa có ai thuê, mới chạy được có một cuốc xe ôm 30.000 đồng”. Một nét buồn thoáng qua trên gương mặt người đàn ông đã sạm đi vì cái nắng gay gắt. Người đàn ông này tâm sự, mình ra Hà Nội làm lao động tự do được 5 năm, ai thuê việc gì cũng làm nhưng chủ yếu là bốc vác, thỉnh thoảng chạy xe ôm kiếm thêm.

“Đợt vừa rồi dịch không có việc, thu nhập khó khăn, hàng hóa từ nước ngoài người ta cấm không sang nên chỉ làm mấy việc lặt vặt. Giờ có việc thì nắng nóng cũng phải làm vì cửu vạn như chúng tôi việc không đều, có hôm đứng cả ngày chả ai thuê” – anh Huỳnh buồn bã nói.

Hướng ánh mắt về phía một người vừa được khách chở đi, anh Huỳnh như mừng rỡ vì “đồng nghiệp” của mình rốt cuộc cũng hết “ế”. Khi PV nhắc đến gia đình, người đàn ông dạn dày sương gió bỗng chùng giọng, đăm chiêu hướng ánh mắt xa xăm: “Tôi nhớ con lắm chứ, nhiều hôm vợ gọi điện chỉ muốn về nhà luôn nhưng phải cố ở lại để kiếm đồng tiền cho con ăn học. Nắng nóng thế này ai cũng chỉ muốn chui vào bóng râm, nhưng tôi thì lại muốn có thêm việc, dù nóng nữa tôi vẫn chấp nhận”. Như niềm động viên to lớn, anh hạnh phúc kể thêm: “Tôi đi làm ngoài này, vợ ở nhà trông con nhiều hơn tôi, nhưng khi hỏi thì đứa nào cũng thương bố nhất, quấn lấy bố mỗi khi tôi về”.

Gạt đi giọt mồ hôi, anh Huỳnh cũng cho biết mình cũng như nhiều người chọn ngủ trưa ngay dưới gầm cầu vì phòng trọ nóng, rất khó để có giấc ngủ trưa trọn vẹn. “Nắng nóng là thế, nhưng phận lao động như chúng tôi thì vẫn phải cố gắng”, anh Huỳnh nói.

Anh Huỳnh cũng như nhiều người lao động ở khu “chợ người” vẫn chọn gắn bó với những công việc không tên vì nhiều lý do. Biết rằng lao động tự do vô cùng vất vả, thu nhập không cao, đủ ăn đủ chi tiêu đã là mừng. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn luôn khao khát có việc làm ổn định, tối đến được quây quần bên vợ con là hạnh phúc nhất. Những điều bình dị ấy đôi khi là động lực sống, là cả gia tài mà đi hết cuộc đời ai cũng chỉ cần có thế.

Nhìn người là đủ hiểu

Đang ngồi nghỉ dưới chân cầu, bà Nguyễn Thị Cúc (quê Nghệ An) trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo chống nắng, mũ, khẩu trang che kín người chỉ đủ hở đôi mắt thở hổn hển: “Nắng như thế này không nói chỉ cần nhìn là đủ biết mệt mỏi đến mức nào rồi. Người lao động tại “chợ người” như chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, trời nắng nóng này thì ai cũng thở mệt nhọc. Nhưng, cứ có ai thuê là tôi đi, trưa thì mang theo 10 nghìn xôi ăn và trải chiếu dưới gầm cầu ngủ tạm cho qua cái nắng gắt”.

T.L - H.Y