Nếu như những năm trước, thời điểm này mùa lũ đã về, người dân ở các xã đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang có thể đặt lờ, đặt lọp (dụng cụ bắt cá), giăng lưới, giăng câu bắt cá, bắt ốc, hái rau thì năm nay người dân không đánh bắt được do lũ không về.
Năm nay lũ không về, trên các cánh đồng xuất hiện nhiều cỏ dại.
Bà Trương Thị Bích Thuận, SN 1954, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, năm nay lũ không về, nước không lên ruộng đồng nên 15 công ruộng (1 công = 1.000 mét vuông) trồng lúa bị ảnh hưởng. Cỏ dại xâm lấn ruộng đồng, bà Thuận phải bỏ ra một khoản chi phí khá nhiều để mua thuốc diệt cỏ rồi thuê người phun thuốc trừ cỏ dại.
Trước diễn biến mùa lũ không về, nông dân Trần Ngọc Kha đang khẩn trương phun thuốc diệt cỏ để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Tương tự, 4 công đất trồng hoa màu của nông dân Trần Ngọc Kha, SN 1969, ngụ cùng xã Vĩnh Lộc cũng bị cỏ dại “bủa vây”. Ông Kha đang tất bật các công đoạn phun thuốc diệt cỏ để chuẩn bị cho mùa vụ mới. “Năm nay, lũ không về, mực nước lũ thấp nên nước không tràn vào ngập các ruộng đồng. Điều này đã tạo điều kiện cho cỏ dại phát triển. Tại các cánh đồng đầy cỏ dại cũng là nơi chuột đồng trú ẩn và sinh sản, có nguy cơ phá hoại mùa màng”, ông Kha lo lắng nói.
Nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí trong việc phun diệt cỏ.
Ngày 6/10, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú cho biết, đến thời điểm hiện tại thì lũ đã qua nhưng năm nay lũ không về. Khả năng đỉnh lũ đầu nguồn dưới mức báo động 1.
Theo phòng NN&PTNT huyện An Phú, khả năng đỉnh lũ đầu nguồn năm nay dưới mức báo động 1.
Do lũ không về, nước không lên ruộng nên ở 3 xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu (với tổng diện tích khoảng 9.000 ha) thuộc huyện An Phú bị cỏ dại xâm lấn. So với hằng năm, năm nay bà con nông dân phải tốn nhiều chi phí trong việc diệt cỏ dại. Ngoài việc phải nhiều lần xới đất để diệt cỏ trên các cánh đồng, nông dân còn kết hợp phun thuốc trừ cỏ dại.
Thương lái thu mua chuột đồng mang đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, do lũ không về, nước không ngập trên các cánh đồng nên xuất hiện nhiều chuột đồng và sinh sản rất nhanh. Người dân phải dùng nhiều biện pháp diệt chuột như đặt bẫy, đào hang bắt chuột rồi bán cho các thương lái kiếm thêm thu nhập.
Nhằm thích ứng khi không có mùa lũ, nông dân trồng hoa màu ngắn hạn để ổn định cuộc sống.
Theo ông Bộ, trước tình hình trên, phòng NN&PTNT huyện An Phú đã làm việc với các xã đầu nguồn, giúp bà con nông dân thích ứng khi không có mùa lũ như: Mô hình nuôi lươn, trồng hoa màu ngắn hạn để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một số hộ dân do không có việc làm nên phải tạm rời quê đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân mưu sinh, khi mùa vụ họ sẽ trở về.
Để bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phòng NN&PTNT huyện An Phú đã đặt sản xuất hơn 300 nghìn cá con bản địa để thả về sông.
“Năm nay lũ không về, đặc sản cá linh dường như không có. Trong khi người dân thường xuyên đánh bắt cá bằng hình thức xung điện dẫn đến nguồn cá bản địa (cá he, cá hô,…) cạn kiệt. Phòng NN&PTNT huyện An Phú đã cùng chính quyền địa phương, tiến hành tuyên truyền người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, đặt sản xuất hơn 300 nghìn cá con bản địa rồi thả về sông bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Bộ cho biết thêm.
T.L